NSND, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bắc - người dành nhiều tâm huyết cho âm nhạc dân tộc
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Xuân Bắc sinh ra và lớn lên ở Quốc Oai, Hà Nội. Đến năm lên 8 tuổi anh theo bố mẹ trở về quê hương Nghệ An tiếp tục sinh sống và học tập.
Thừa hưởng truyền thống gia đình khi mẹ là giọng ca thuộc đội văn nghệ Trường Sơn, bố từng công tác tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghệ Tĩnh, năm lên 8 tuổi, NSND Xuân Bắc đã bộc lộ năng khiếu về âm nhạc dân tộc và được thầy Võ Xuân Thành (nguyên Trưởng khoa Văn hóa quần chúng, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An) phát hiện và truyền dạy. Sau đó, anh tiếp tục theo học đàn nguyệt dưới sự giảng dạy của thầy Đỗ Văn Đễ, Nhà giáo Nhân dân Đặng Xuân Khải tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Năm 1999, anh sáng tác tác phẩm đầu tay - giao hưởng thơ Ngày về. Hai năm sau, anh có tác phẩm Tiếng vọng được giải Nhì (không có giải Nhất) tại Giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Hương Sen được một thời gian, đến năm 1990, anh học tiếp đàn Nguyệt, Trống Dân tộc, học Sáng tác và Chỉ huy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hiện anh là Chủ nhiệm Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội.
Năm 2019, anh đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Đàn Broh của người Ê Đê chuyên ngành Văn hóa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
NSND, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bắc từng dàn dựng nhiều tác phẩm, chương trình nghệ thuật cho các Đoàn nghệ thuật và giành được nhiều giải thưởng, huy chương: Hào khí Bạch Đằng (Đoàn Văn công Quân khu 3 - Huy Chương Bạc hội diễn toàn quân năm 2008); Hào khí non sông (Đoàn Nghệ thuật Sao Biển, Huy Chương Vàng Hội diễn toàn quốc năm 2009); Khí phách dời đô (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội - Huy Chương Vàng hội diễn các Trường Văn hoá nghệ thuật toàn quốc 2010); Huy chương Vàng, Bạc cho nhiều cá nhân và dàn nhạc dân tộc của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Đoàn văn công Bộ đội Biên Phòng…
Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc - ngôi sao của làng kịch phía Bắc
NSND Xuân Bắc sinh năm 1976 ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Năm 1998, anh tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, sau đó làm việc tại Nhà hát Kịch Việt Nam và MC cho một số chương trình truyền hình, tụ điểm ca nhạc.
Năm 2000, Xuân Bắc xuất hiện trong phim Sóng ở đáy sông với vai Núi, nhanh chóng được đông đảo công chúng và giới chuyên môn ghi nhận. Anh cũng tham gia nhiều phim truyền hình khác như: 12A-4H, Ngã ba Đồng Lộc, Chuyện nhà Mộc, Sóng ở đáy sông, Con đường sáng, Hai phía chân trời...
Ngoài vai trò diễn viên, Xuân Bắc còn là một trong những nghệ sĩ hài nổi tiếng được yêu mến trong các chương trình Táo quân. Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất, Xuân Bắc còn là MC của một số chương trình như: Đuổi hình bắt chữ, Vua tiếng Việt, Ơn giời cậu đây rồi...
Đóng góp lớn nhất của Xuân Bắc cho nghệ thuật nước nhà chính là trên sân khấu kịch. Anh góp mặt trong nhiều tác phẩm lớn như: Bệnh sĩ (Lưu Quang Vũ), Những chấn động còn lại (tác giả Xuân Đức, đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng)... Năm 2014, anh nhận Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2014 với vai diễn trong vở Đạo học.
Năm 2016, Xuân Bắc được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Đến tháng 1/2021, Xuân Bắc được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Bên cạnh công việc đóng phim, làm MC, Xuân Bắc tích cực tham gia nhiều hoạt động đoàn thể, các phong trào hoạt động xã hội, phong trào thiện nguyện và có sự ảnh hưởng tích cực tới công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Năm 2016, Xuân Bắc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Cuối năm 2023, anh nằm trong danh sách các cá nhân được phong tặng danh hiệu NSND, theo quyết định số 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11.
Chia sẻ với báo chí tại buổi trao tặng danh hiệu, NSND Xuân Bắc cho biết: "Danh hiệu là rất cần thiết nhưng không phải đích đến của các nghệ sĩ chân chính. Danh hiệu là động lực, đôi khi cả niềm tin nữa vì sự cố gắng phấn đấu của mình đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Đối với nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật là thái độ sống, là chất lượng nghệ thuật nhưng khi đạt được danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, chúng tôi đều cảm thấy vinh dự, hạnh phúc, hãnh diện, tự hào".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.