Dân Việt

Trồng dâu nuôi tằm, nghe vất vả chả có tiền, thế mà nghề này đang làm giàu cho dân một huyện ở Cao Bằng

Chiến Hoàng 15/10/2024 05:30 GMT+7
Nhờ trồng dâu nuôi tằm bán kén, nhiều hộ dân ở các xã Cô Ba, Hồng Trị và Bảo Toàn của huyện Bảo Lạc - huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng đang từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Luồng sinh khí mới ở huyện biên giới Bảo Lạc

Những cánh đồng cằn cỗi, bạc màu ở các xã Hồng Trị, Cô Ba, Bảo Toàn của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã được không ít hộ dân phủ xanh bằng bạt ngàn cây dâu tằm non tơ, mơn mởn. 

Màu xanh của những cánh đồng dâu giúp niềm tin của người trồng dâu nuôi tằm ở huyện vùng biên giới Bảo Lạc được củng cố.

rồng dâu, nuôi tằm, hướng đi nhiều triển vọng giúp người dân vùng biên thoát nghèo - Ảnh 1.

Một vườn dâu nuôi tằm tại xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng.

Từ xã Hồng Trị, Bảo Toàn đến Cô Ba của huyện Bảo Lạc, đâu đâu cũng nghe người dân nói chuyện trồng dâu, nuôi tằm.

Tiếng nói cười rổn rảng vọng cả vào lòng thung. Những đôi bàn tay hái lá của các sơn nữ vùng biên theo đó cũng trở nên mềm mại, thanh thoát; thể như những vũ công ballet giữa đồng rừng bạt ngàn dâu xanh biếc.

Những chuyến xe chở theo kén tằm tấp nập lại qua, những công hàng rầm rập về xuôi đã làm nên không khí sôi động, đầy sức sống ở huyện biên giới Bảo Lạc. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã tạo luồng sinh khí mới ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn như Bảo Lạc.

Anh Ma Văn Cảnh, xóm Nà Đôm, xã Cô Ba chia sẻ, nghề trồngdâu nuôi tằm ở xã Cô Ba đang được rất nhiều hộ thực hiện. Nhiều diện tích đất cằn khó trồng ngô lúa, chuyển sang trồng dâu lại rất phù hợp bởi cây dâu không cần nhiều nước, cũng ít sâu bệnh hơn các loại cây khác.

rồng dâu, nuôi tằm, hướng đi nhiều triển vọng giúp người dân vùng biên thoát nghèo - Ảnh 2.

Hình ảnh bốc xếp kén tằm lên container tại điểm thu mua kén tằm xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng.

rồng dâu, nuôi tằm, hướng đi nhiều triển vọng giúp người dân vùng biên thoát nghèo - Ảnh 3.

Người dân xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng làm đất ươm cây dâu tằm chuẩn bị cho vụ mới. Ảnh: Chiến Hoàng.

rồng dâu, nuôi tằm, hướng đi nhiều triển vọng giúp người dân vùng biên thoát nghèo - Ảnh 4.

Những cánh đồng tại thị trấn Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) từng là đất cằn cỗi, bạc màu được người dân cải tạo chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Chiến Hoàng.

Anh Cảnh cho biết: "Trồng dâu nuôi tằm phải bỏ nhiều công sức hơn so với các cây trồng, vật nuôi trước đó chúng tôi đã thử nghiệm, tuy nhiên lại đem lại thu nhập ổn định hơn. Hiện nay ở chỗ tôi, người dân vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm...".

rồng dâu, nuôi tằm, hướng đi nhiều triển vọng giúp người dân vùng biên thoát nghèo - Ảnh 5.

Ông Thảo A Dào, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng chia sẻ về nghề trồng dâu nuôi tằm tại địa phương. Ảnh: Chiến Hoàng.

Đầu ra của kén tằm cũng rất ổn định, nếu chăm chỉ, mỗi nhà chỉ cần nuôi 2 đến 3 lá tằm, mỗi tháng cũng cho thu từ 20 đến 30 triệu đồng. Hiện nay có HTX Nông nghiệp 118 liên kết, bao tiêu sản phẩm đầu ra, đặt các điểm thu mua ở các xã có trồng dâu nuôi tằm nên việc vận chuyển sản phẩm kén tằm đi bán cũng đỡ vất vả hơn nhiều", anh Cảnh bổ sung thêm.

Vừa nhận tiền từ tay người mua, ông Thào A Dào, thôn Lũng Vầy, xã Cô Ba (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) phấn khởi cho hay: "Hôm nay tôi mang ra 30kg kén tằm, bán cho HTX Nông nghiệp 118 được 5 triệu đồng, trừ các chi phí cũng lãi ra được 4 triệu".

"Cuối mùa rồi nên đợt này tôi nuôi không nhiều. chỉ nuôi 2 lá thôi. Mỗi lá tằm cho bán kén được khoảng 6 triệu đồng/lứa. Cứ đều đặn mỗi lá 40 ngày được thu 2 lứa. Chỉ cần chăm sóc tốt 3 lá tằm, mỗi tháng cũng bỏ tủi được 20-30 triệu đồng đấy.

Trên này làm gì cũng không đạt, chỉ có nuôi tằm mới ổn định và lãi cao được như thế này thôi. Thôn tôi có 33 hộ thì có tới 30 hộ trồng dâu nuôi tằm rồi. Bà con có thu nhập ổn định từ nuôi tằm rất phấn khởi và đang tích cực mở rộng diện tích trồng dâu để tăng số lượng lá nuôi", ông Thào A Dào cho biết thêm.

rồng dâu, nuôi tằm, hướng đi nhiều triển vọng giúp người dân vùng biên thoát nghèo - Ảnh 6.

Một góc khu vực nuôi tằm dưới sàn nhà tại xã Hồng Trị của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng

Sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu, nhân rộng mô hình

Người nuôi tằm tại các xã Cô Ba, Hồng Trị, Bảo Toàn nuôi tằm chủ yếu dưới sàn nhà. Theo người dân, lót, bao bạt nuôi tằm dưới sàn nhà giúp việc cho tằm ăn được thuận lợi, vệ sinh dễ dàng. Dưới sàn nhà mát nên tằm sinh trưởng và phát triển cũng tốt hơn.

Để đảm bảo chất lượng kén tằm, HTX Nông nghiệp 118 có địa chỉ tại xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc đã tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi cũng như hướng dẫn tạo né tằm gỗ ô vông tự động để lấy kén, cung ứng cây, con giống đảm bảo chất lượng cho người dân.

rồng dâu, nuôi tằm, hướng đi nhiều triển vọng giúp người dân vùng biên thoát nghèo - Ảnh 7.

Anh Nông Văn Hoàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp 118 cùng cán bộ Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng thăm vườn dâu tại xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng.

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nông Văn Hoàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp 118 cho biết, kén tằm ở Bảo Lạc chất lượng rất tốt, chính bởi đó mà nhiều công ty, doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. HTX đã liên kết được gần 1.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, tập trung nhiều ở các xã Cô Ba, Hồng Trị và Bảo Toàn.

rồng dâu, nuôi tằm, hướng đi nhiều triển vọng giúp người dân vùng biên thoát nghèo - Ảnh 8.

Cán bộ Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng thăm nhà ươm tằm giống của HTX Nông nghiệp 118 tại xã Hồng trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao bằng. Ảnh: Chiến Hoàng.

rồng dâu, nuôi tằm, hướng đi nhiều triển vọng giúp người dân vùng biên thoát nghèo - Ảnh 9.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng nói về việc tham mưu quy hoạch vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm, nhân rộng mô hình tại huyện Bảo Lạc. Ảnh: Chiến Hoàng.

Hiện trung bình mỗi ngày, các điểm thu mua của HTX thu mua được khoảng 8 tấn kén tằm. Dự báo tới đây lượng kén sẽ còn tăng lên nhiều. Nông nghiệp 118 cũng đang có lộ trình để mở thêm các kho bảo quản để đảm bảo thu mua được hết kén tằm cho người dân.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) nhận định, nghề trồng dâu nuôi tằm tại huyện Bảo Lạc đang góp phần tích cực giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ông Hiếu cho biết, hiện nay trên toàn huyện có khoảng 500ha diện tích trồng dâu nuôi tằm, tuy nhiên khá phân tán và manh mún. Hội Nông dân huyện đã tham mưu lãnh đạo huyện trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm và có kế hoạch nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm trên toàn huyện trong thời gian tới.