Dân Việt

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Chuyên gia đề xuất cần có Luật Hỗ trợ nông dân

Trần Quang (thực hiện) 17/10/2024 14:52 GMT+7
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đề xuất cần xây dựng Luật Hỗ trợ người nông dân hoặc Luật Khẩn cấp mới có thể giúp Việt Nam ứng phó với các thiên tai, thảm họa và khắc phục hậu quả, khôi phục lại sản xuất nhanh và hiệu quả sau thiên tai.
Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Chuyên gia đề xuất cần có Luật Hỗ trợ nông dân - Ảnh 1.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy.

Nghị định 02 đã quá cũ, lạc hậu

 Sau khi Báo điện tử Dân Việt khởi đăng loạt bài: Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử. Phóng viên đã trao đổi với chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy để hiến kế giải pháp giúp các địa phương, nông dân khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất hiệu quả sau thiên tai.

Vừa qua, phóng viên Báo điện tử đã đi thực tế tại các vùng bão lũ ghi nhận thấy công tác khắc phục hậu quả, khôi phục lại sản xuất tại các tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang... còn rất khó khăn, nông dân đang kiệt sức, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

-Theo tôi, nhu cầu khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất của các địa phương và người dân là rất chính đáng. Nếu chúng ta nhìn lại, Nghị định 02 ra đời vào tháng 09/01/2017 đến nay đã 7 năm 9 tháng, trong khi biến động của thị trường, biến đổi của khí hậu và biến đổi của người tiêu dùng đã làm cho đầu vào của sản xuất ngày càng gia tăng lên. 

Tuy nhiên, mức hỗ trợ thiệt hại theo chính sách lại rất thấp. Ví dụ như lúa muốn được hỗ trợ thì phải nằm trong vùng quy hoạch. Đối với lúa thuần thiệt hại 1ha mới được 2 triệu đồng, thiệt hại từ 30-70% bà con mới được hỗ trợ 1 triệu đồng. Nếu tính ra người dân bị thiệt hại trên 70% mới được hỗ trợ 72.000 đồng/sào, nếu thiệt hại từ 30 đến 70%, bà con được hỗ trợ 5kg lúa. Mức hỗ trợ như thế là quá thấp.

Theo đó, chính sách hỗ trợ theo Nghị định 02 là lạc hậu, quá cũ nên chúng ta cần phải thay đổi, chỉnh sửa để đáp ứng được với biến động, giá cả của thị trường. Vậy chúng ta cần thay đổi những gì?

Theo tôi, thứ nhất là Nghị định phải được làm mới hoặc nếu chưa có điều kiện làm mới thì chúng ta phải bổ sung phần hỗ trợ cho người nông dân khôi phục lại sản xuất. Nghị định 02 nên tách ra thành các khoản hỗ trợ riêng gồm hỗ trợ cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và hỗ trợ những việc khác mà hiện nay người nông dân đang cần.

Nếu chính sách hỗ trợ theo Nghị định 02 không được thay đổi, chỉnh sửa lại thì người nông dân, người sản xuất nhỏ sẽ không muốn đi nhận hỗ trợ. Mỗi sào ruộng được vài chục nghìn đồng, mức hỗ trợ quá thấp, trong khi bà con phải chờ đợi, làm quá nhiều thủ tục.

Trước hết, Bộ NNPTNT cần triển khai làm sớm để trình Chính phủ sửa, bổ sung Nghị định 02.

Về tầm nhìn lớn hơn, theo tôi, Quốc hội phải có Luật hỗ trợ cho người nông dân hoặc Luật Xử lý khẩn cấp trong thiên tai. Bởi khi có luật, chúng ta sẽ giảm được các khâu phiền hà, quyền quyết định của những người được đại diện cho nhà nước hoặc tổ chức kinh tế có thể ứng tiền và dùng các vật tư khác để hỗ trợ cho bà con và dùng cho công tác phòng chống, ứng phó với các thiên tai. Qua đó, mới đảm bảo công tác khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất thuận lợi và nhanh hơn.

Khi kiểm soát, chúng ta chỉ cần kiểm soát việc chi tiêu của các đối tượng có đúng hay không. Có như vậy, chúng ta đỡ phải vướng vào các thủ tục rườm rà, việc chịu trách nhiệm sẽ cao hơn.

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Chuyên gia đề xuất cần có Luật Hỗ trợ nông dân - Ảnh 2.

Tỉnh Yên Bái huy động máy móc ngày đêm tìm kiếm người mất tích sau sạt lở đất ở huyện Lục Yên. Ảnh: Trần Hà

Người nông dân đang rất mong có bảo hiểm nông nghiệp để phòng, tránh và hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra. Tuy vậy, hiện việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp còn gặp rất nhiều vướng mắc. Theo ông, chúng ta cần làm gì để triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân hiệu quả, thuận lợi hơn?

- Bảo hiểm nông nghiệp hiện giờ vẫn là câu chuyện rất dài. Tuy vậy, trong vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, tôi thấy có 2 vấn đề cần phải tháo gỡ ngay. Thứ nhất là vấn đề tái bảo hiểm, tức là nông dân phải nhượng lại một phần cho trách nhiệm bảo hiểm đối với tổ chức có nguồn lực cao nhất thì chúng ta mới tháo gỡ được một vấn đề.

Thứ 2 là trong bảo hiểm, chúng ta thấy cần phải có sự bắt tay với người nông dân, các doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm. Bởi vì khi có bảo hiểm thì phải đánh giá mức thiệt hại và định giá thiệt hại, đây là 2 khâu quan trọng nhất trong bảo hiểm.

Theo đó, người nông dân phải ghi chép được tình trạng sản phẩm của mình trước khi bị thiên tai. Sau đó, bảo hiểm phải mời chuyên gia, mời khuyến nông đến xem xét thiệt hại như thế nào mới có thể định giá. Trên cơ sở đó, bảo hiểm mới đưa ra được mức giá bảo hiểm. 

Rõ ràng ở trong khoảng thời gian này, chúng ta thấy rằng thiếu căn cứ, có những điều mà người nông dân, HTX phải thay đổi cách tính để làm cơ sở dữ liệu cho các tổ chức bảo hiểm thực hiện.

Tiếp đó là chúng ta phải xem lại sự tương tác giữa các ước muốn, nghĩa vụ của người nông dân. Sau 24 giờ bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, người dân phải báo cho bảo hiểm, trong khi đó, bảo hiểm còn phải định giá, mời chuyên gia... Quá trình đó khiến nông dân cảm thấy bất bình đẳng, quá kéo dài dẫn đến các thủ tục quá nhiều, rườm rà. Thậm chí có vấn đề còn gây khó cho người nông dân.

Ví dụ như cây lúa bị thiệt hại do khô hạn, dịch bệnh. Nhưng 2 thiệt hại lại diễn ra trùng thời điểm, người dân phải xác định nguyên nhân gần là gì? Khi nông dân không xác định được nguyên nhân gần thì bảo hiểm rất khó xác định định mức hỗ trợ. 

Theo đó, người nông dân phải tổ chức lại sản xuất và phải có nhật ký đồng ruộng, chăn nuôi thật tốt thì mới giảm được các khâu thủ tục, các vướng mắc trong quá trình xác định thiệt hại, định mức thiệt hại. Và hơn hết, người nông dân và doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm cần bắt tay nhau mới làm được.

Sau bão lũ, nông dân, HTX bị thiệt hại nặng rất mong các ngân hàng có chính sách hỗ trợ khoanh, giãn nợ và tiếp tục cho vay thêm vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất nhưng theo ghi nhận của phóng viên, hiện vấn đề này vẫn rất nan giải, nhiều nông dân chưa thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ trên?

-Nếu là nông dân tôi sẽ đứng về phía nông dân. Nếu là đơn vị kinh doanh, chúng ta lại tính mọi giá thì lại chuyển cái đau về phía ngân hàng. Theo tôi, chúng ta phải công bằng ở vấn đề này.

Để công bằng, theo tôi, chúng ta cần làm 2 việc. Thứ nhất các ngân hàng phải đẩy mạnh cho vay và đồng thời khoanh lại hoặc giãn các nợ cũ cho nông dân, HTX, điều này hoàn toàn đúng theo quy định  của Nghị định 143 của Chính phủ.

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Chuyên gia đề xuất cần có Luật Hỗ trợ nông dân - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Oanh (73 tuổi) ở Cam Giá (TP.Thái Nguyên) thất thần bên vườn đào của gia đình vừa bị bão lũ tàn phá. Ảnh: TQ

Tuy nhiên, ở từng ngân hàng thương mại thì giữa tiền gửi tiết kiệm và tiền đẩy ra cho vay họ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm nên các ngân hàng phải tính toán ở mức độ tốt nhất. Theo đó các ngân hàng phải giảm thiểu chi phí quản lý để hạ phần cho vay hay lãi xuất cho vay xuống. Đấy là trách nhiệm của ngân hàng.

Đối với nguồn vốn cho vay, tôi cho rằng cần cải tiến ở khâu: Khi HTX, các chủ trang trại, các nông dân sản xuất ở quy mô vừa và lớn, người ta đã nằm trong chuỗi thì các ngân hàng không phải đòi hỏi bắt buộc cần có tài sản thế chấp, coi như là một hướng mở để đẩy vốn ra.

Thứ 3 là chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật, đó là sự hấp thụ sự vận động, sự tính toán giữa người nông dân, HTX với nguồn vốn đẩy ra cho vay, sự hấp thụ đó chưa tốt nên các ngân hàng cũng ngại đẩy tiền ra cho vay.

Như chúng ta thấy, lãi suất trong năm qua đã hạ xuống còn 5,5 - 6%, khi đầu vào của tiết kiệm là khoảng 22,5% trong toàn bộ chi phí cho ngân hàng nhưng họ có đẩy ra cho vay được đâu. Chúng ta không thể tranh cãi với nhau mãi chuyện tài sản bảo đảm với tín chấp, trong khi bản thân nông dân có đủ sức hấp thụ không? 

Rõ ràng các ngân hàng không đẩy ra cho vay được khi đã hạ lãi suất xuống, trong khi năng lực của nông dân còn yếu, đây là câu chuyện rất dài cần điều chỉnh để tránh được các vướng mắc mà chúng ta đang mắc phải.

Để không bị động, bất ngờ trước các siêu bão, thảm họa, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?

-Theo tôi, chúng ta cần giải quyết theo hai phương án. Thứ nhất là tính dự báo phải dựa trên các công nghệ thông tin, các thiết bị thông minh để cảnh báo, dự báo thời tiết, thiên tai tốt hơn.

Thứ 2 là xử lý các đập, hồ chứa về điều tiết điện với xả lũ. Theo đó, chúng ta cần phải có Luật Khẩn cấp để giải quyết các vấn đề khẩn cấp thì mới phân rõ được trách nhiệm, trung ương là bao nhiêu, địa phương là bao nhiêu? cộng đồng là bao nhiêu.

Nếu chúng ta không có luật mà cứ giải quyết các vấn đề như trong cơn bão số 3 vừa qua chỉ tập trung cho hỗ trợ, cứu nạn. Còn việc khôi phục sản xuất hiện giờ đã lắng xuống như bình thường khiến người nông dân, các địa phương vừa trải qua bão lũ gặp rất nhiều khó khăn, hồi phục chậm.

Xin cảm ơn ông!

Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Chuyên gia đề xuất cần có Luật Hỗ trợ nông dân - Ảnh 4.