Hết năm nay, người dân Nậm Tông sẽ có chỗ ở mới, những đứa trẻ sẽ đi học gần nhà, cả làng cùng nhau lên nương.

Nậm Tông gượng dậy sau bão lũ- Ảnh 1.

Sau tiếng nổ như bom, Lý Seo Thỏ nhìn ngay về làng. Ngọn núi ngàn xanh đầu xóm Bản Cái sụp xuống, trơ trụiTiếng nước chảy, tiếng đá tảng và cây rừng va vào nhau ầm ầm không ngớt. Dải đất trống nằm ngổn ngang với cây cành trơ xương. Chuyện kinh hoàng xảy ra vào ngày 10/9.

Thỏ lao nhanh về nhà. Gần hơn, chàng thanh niên không còn thấy nhà, thấy bản.

Về đến đầu đường, người làng trông thấy anh, bảo: "Vợ và hai đứa con mày đang ngủ thì bị lũ cuốn mất".

Thỏ mới cưới vợ được ít năm, có hai con nhỏ. Đứa đầu hai tuổi, đưa sau mới sáu tháng. Sáng nay, Thỏ dậy sớm, nhìn ba mẹ con ngủ vùi trong đống chăn rồi nhẹ nhàng rời nhà lên nương chăn dê.

Người đàn ông lao vội ra giữa dòng nước dữ nhưng bị mọi người cản lại. Hơn 1 tiếng sau, anh tìm thấy vợ và hai con mắc kẹt dưới thân cây ở góc suối. Thỏ òa khóc.

Nậm Tông gượng dậy sau bão lũ- Ảnh 2.

Lý Seo Thỏ tìm thấy cuốn album ảnh cưới lấm lem bùn đất của vợ chồng rồi lật dở liên tục. Ảnh: Viết Hà

2 tuần sau trận lũ quét, xóm Bản Cái (thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) tan hoang và ngổn ngang.

Đây từng là nơi bình yên của 22 hộ, 81 con người, giờ chỉ còn lại những mảnh gỗ vương vãi, quan tài nằm rải rác trên đường, ruộng vườn xanh tươi thành vũng bùn lầy. 18 người và nhiều tài sản cuốn theo đất đá.

Nậm Tông gượng dậy sau bão lũ- Ảnh 3.

Sau trận lũ, người Bản Cái mất hết nhà cửa. 14 người chết, 4 người mất tích, 11 người bị thương. Ảnh: Phạm Trường

Khi lũ quét, sạt lở xảy ra, Ma Thị Xua (SN 1989) cùng gia đình đang ăn trưa tại nhà em gái cách đó chỉ một đoạn.

“Nghe như tiếng máy bay. Đùng một cái, cây quế rung rẩy, đen sì. Chỗ đất sạt cùng cây cối bắn cao lên trời rồi ụp xuống dòng suối, ùa về cuốn tất cả”, Xua kể.

Dòng lũ bùn đá trườn dọc suối, tràn xuống thung lũng khiến cụm dân cư biến mất. Bản Cái chỉ còn dòng nước đỏ ngòm, mênh mông, gầm gào và hoang dại. Những ngọn núi khác bao quanh xóm nhỏ cũng chi chít những vết lở, kéo dài từ đỉnh xuống chân núi.

Căn nhà chị Xua nằm cạnh bờ suối bị xô lệch, đất ào ào tràn vào nhà, ngập ngang cổ, mọi người hoảng loạn, la hét. Đây là căn nhà duy nhất dưới suối còn sót lại.

Đám người cố trườn ra khỏi đống bùn, tìm người mắc kẹt. 5 phút sau, chị Xua tìm được con gái bị vùi lấp. Bên ngoài, tiếng kêu gào ngày càng to.

Nậm Tông gượng dậy sau bão lũ- Ảnh 4.

Cuộc đời Ma Thị Xua chưa bao giờ gặp cảnh tượng kinh hoàng như thế. Ảnh: Hồng Nhân

Ít phút sau vụ sạt, Trưởng thôn Lý A Hải nhận tin. Bản Cái mưa to. Anh Hải vơ vội áo mưa, chân trần chạy qua nhà gọi Bí thư Lù Xeo Nương, rồi cả hai cùng vượt đoạn đường gần 4km vào hiện trường.

Đứng từ trên núi cao, Lý A Hải thấy một vệt trắng xóa kéo từ trên đỉnh núi xuống suối Bản Cái lổm ngổm đất đá với vài ngôi nhà chỏng chơ, nghiêng ngả.

Không có sóng điện thoại, anh Hải ngược đường, chạy bộ hơn 10km ra UBND xã Nậm Lúc báo tin. Lúc này, Bí thư Lù Xeo Nương vào bản để tìm cách cứu người. “Người chết, người bị thương nằm đầy một sàn nhà”, ông Nương nói.

Đến hơn 16 giờ chiều 10/9, Trưởng thôn Lý A Hải đến được UBND xã. Anh Đặng Văn Lâm - cán bộ Công an xã Nậm Lúc nhớ lại: anh Hải chạy đến, mặt tái, khóc và nói “sạt chết cả Bản Cái rồi”.

Đoàn cứu trợ gồm 9 người men theo đường vòng, lối người dân hay đi làm rẫy. Quãng đường hơn 10km, sạt lở, đất đá, tre, nứa bủa vây lối đi. Bảy rưỡi tối, nhóm người mới đến nơi. Vừa đi, họ vừa khóc. Khóc trong mưa và trong gió gào.

“Lúc đấy cứ đi thôi, đầu không nghĩ được cái gì nữa”, Lý A Hải nói.

Nhiều đêm liền anh Hải không ngủ được. Chợp mắt, anh lại thấy cảnh anh em, người dân trong bản nằm la liệt, vùi trong bùn đất và nước đục: “Nhà Lý Seo Đe, chết 6, còn mỗi ông Lý Seo Di (50 tuổi) và đứa cháu gái. Lý Seo Thỏ ngồi thụp xuống lật từng tấm ảnh cưới nhớ về 3 mẹ con. Lý A Thành tìm người thân dưới những tấm ván. Đó là những hình ảnh tôi không bao giờ quên”.

Nậm Tông gượng dậy sau bão lũ- Ảnh 5.
Nậm Tông gượng dậy sau bão lũ- Ảnh 6.
Nậm Tông gượng dậy sau bão lũ- Ảnh 7.

Người Bản Cái mất hết nhà cửa

Sau trận lũ, người Bản Cái mất nhà cửa. 14 người chết, 4 người mất tích, 11 người bị thương. Hơn 50 người dân ở Bản Cái đã được di dời lên điểm tập kết an toàn.

Trăm năm nay, chưa bao giờ tỉnh Lào Cai thiệt hại nặng nề như vậy, số người chết lớn đến như vậy.

Bí thư tỉnh ủy Lào Cai nói với phóng viên Dân Việt.

2 tuần qua, lực lượng công an, quân đội và người dân vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 4 người còn đang mất tích trong vụ sạt lở xảy ra ở Nậm Tông.

Chính quyền địa phương cho biết, mặc dù đã đưa được máy xúc vào hỗ trợ công tác tìm kiếm, nhưng lượng đất, đá sạt lở xuống khối lượng lớn, phạm vi tìm kiếm rộng, nên việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Băng rừng khiêng nạn nhân trong vụ sạt lở đất đi cấp cứu. Nguồn: GĐ&XH

Nậm Tông gượng dậy sau bão lũ- Ảnh 8.

Kinh tế người dân Nậm Tông nói riêng và Nậm Lúc nói chung phần nhiều dựa vào cây quế. Dọc đường đi vào Nậm Tông, quế xanh bạt ngàn. Cây 1 - 2 tuổi, 5 - 6 tuổi đua nhau vươn lên.

“Hơn 2000 ha quế chưa thể thống kê thiệt hại. Giờ chỉ tập trung vào làm nhà cho dân trước đã”, ông Sầm Phượng Long - Chủ tịch UBND xã Nậm Lúc nói.

Nậm Tông gượng dậy sau bão lũ- Ảnh 9.

Dự án khu tái định cư Nậm Tông cách xóm Bản Cái cũ khoảng 2km, diện tích khoảng 4 ha, có thể bố trí cho 70 hộ dân, có điểm trường, nhà văn hóa thôn.

Sáng 22/9, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã khởi công xây dựng khu tái định cư Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Dự án này cách xóm Bản Cái cũ khoảng 2km, diện tích khoảng 4 ha, có thể bố trí cho 70 hộ dân, có điểm trường, nhà văn hóa thôn. Trước mắt sẽ xây dựng 15 căn nhà.

Hôm khởi công, ông Lý Seo Di lom khom dắt tay đứa cháu gái Lý Thị Thúy Vân (8 tuổi) lên đỉnh đồi nơi xây dựng. 

Ông Di không sõi tiếng phổ thông, bập bẹ đôi câu, chúng tôi nói gì cũng gật đầu. Chúng tôi hỏi có buồn không? Ông cũng gật. Hỏi thấy thế nào về lễ khởi công? Ông cũng gật.

Sau lễ, người dân Bản Cái vây tròn bản vẽ khu dân cư. Họ chỉ trỏ và nói với nhau về khu tái định cư mới, có hai lớp học, có nhà sinh hoạt cộng đồng. Điện, nước đầy đủ và mây phủ quanh năm.

Bên cạnh, Thúy Vân nép mình và nắm chặt tay ông nghe giới thiệu nhà cháu sẽ về đây, trường học ngay cạnh , đường đến lớp không còn xa, còn khó đi nữa. 

Nậm Tông gượng dậy sau bão lũ- Ảnh 10.

Ông Lý Seo Di và cháu gái Lý Thị Thúy Vân là hai người còn sống trong gia đình 8 người. Ảnh: Hồng Nhân.

Ông Di, ông Dì, ông Ký cũng như nhiều người dân khác tại Nậm Tông thấy yên lòng hơn khi Nhà nước đã chọn khu vực cao ráo, an toàn để xây dựng khu tái định cư.

Trong lễ khởi công, Bí thư Lù Seo Nương thay mặt người dân cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân tới người dân Nậm Tông.

"Từ khu ở mới tới nương, tới rừng quế của bà con không xa. Còn quế là chúng tôi còn hy vọng", ông Nương nói.

"Nhiều diện tích quế bị hư hại, nhưng vẫn khôi phục được, cây quế sừng sững là vẫn có kế sinh nhai", Chủ tịch xã Nậm Lúc nói.

Chúng tôi nỗ lực hết sức mình, quyết tâm xây dựng xong khu tái định cư cho các hộ dân bị mất nhà cửa xong trước ngày 31/12/2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường khẳng định với phóng viên Dân Việt.

Hết năm nay, người dân Nậm Tông sẽ có chỗ ở mới, những đứa trẻ sẽ đi học gần nhà, cả làng lại rộn rịch ới gọi nhau lên nương.

Mạ non sẽ lên trên luống, mặt đất lấm tấm, rồi lại xanh tràn trên những thửa ruộng bậc thang. Những cành quế bị gãy sẽ đâm chồi, xanh tía, sáng long lanh dưới mặt trời. Nậm Tông đang hồi sinh từng ngày, như rừng quế vẫn bám đất đồi vươn lên mạnh mẽ.

Nậm Tông gượng dậy sau bão lũ- Ảnh 11.
Nậm Tông gượng dậy sau bão lũ- Ảnh 12.

Giàng Thị Dở (SN 1988) bế đứa con trai chưa đầy 1 tuổi tham dự buổi khởi công.

Võ Hồng Nhân

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem