Hải Dương nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão lũ, sớm đưa kinh tế nông nghiệp vào trạng thái phục hồi
Hải Dương nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão lũ, sớm đưa kinh tế nông nghiệp vào trạng thái phục hồi
Nguyễn Việt
Thứ sáu, ngày 27/09/2024 14:51 PM (GMT+7)
Sau bão, lũ mặc dù thiệt hại lớn, hậu quả nặng nề, tuy nhiên các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, người dân trong tỉnh Hải Dương ngay lập tức "xắn tay" vào chỉ đạo thực hiện khắc phục, tái thiết, khôi phục để các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.
Nông dân thiệt hại lớn, vừa khắc phục thiệt hại, vừa khôi phục sản xuất
Sau bão lũ xảy ra, phóng viên Dân Việt đã về trang trại sinh thái của anh Vũ Văn Phong, thôn Triều Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) và chứng kiến anh cùng người nhà, nhân công đang dọn hiện trường nhà màng đổ sập sau bão. Người cắt, người tháo, người bê, vác khung thép của nhà màng, nhà lưới đã bị bão số 3 Yagi quật đổ.
Anh Phong cho biết, đợt bão đã làm 1 khu nhà màng, nhà lưới rộng 2000 m2 bị sập đổ hoàn toàn, 2 vườn trong 1500 m2 bị tốc 4 vòm mái nilong, 1500 cây dưa kém thu hoạch, không còn khả năng thu hoạch. Ước tính thiệt hại hơn 700 triệu đồng.
Khi được hỏi về kế hoạch khôi phục sản xuất thế nào? Anh Phong cho biết: Hiện gia đình và anh em nhân công vừa dọn cũng là để lựa chọn những phần khung, thân mái nhà màng bị sập, cái nào tận dụng được thì tận dụng, không sẽ mua mới để dựng lại nhà màng để kịp sản xuất vụ thu đông.
Tuy nhiên, hiện khó khăn nhất của anh Phong đó là vốn. Vì vậy, anh Phong cũng mong các cấp chính quyền, các tổ chức ngân hàng quan tâm hỗ trợ về tinh thần, cũng như vật chất. Mặt khác có chính sách hỗ trợ về lãi suất, tiếp tục cho vây vốn, khoan, giãn, chậm trả lãi để tạo điều kiện tái sản xuất.
Đến nhà vườn nông nghiệp công nghệ cao của anh Nguyễn Mạnh Đoàn, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, nhà vườn cũng trong tình trạng sập đổ, tốc mái vòm nhà lưới.
Anh Đoàn cho biết, toàn bộ nhà màng hơn 3000 m2, nhà lưới hơn 7000 m2 bị đổ sập hoàn toàn, hàng trăm gốc nho bị bật gốc. Ngoài ra, toàn bộ diện tích hoa giống hơn 2 ha cũng "đi" sạch. Ước thiệt hại gần 2 tỷ đồng.
Hiện một mặt anh Đoàn vừa thu dọn khu nhà màng nhà lưới bị đổ sập để chuẩn bị dựng lại, một mặt anh lấy lưới che tạm một khu để ươm hoa giống kịp bán cho dân trồng hoa Tết.
Tuy nhiên để phục hồi sản xuất như trước bão, anh Đoàn phải cần một lượng vốn không nhỏ nhưng do thiệt hại nên anh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phục hồi sản xuất.
Anh Đoàn đề nghị các cấp chính quyền, các tổ chức ngân hàng có chính sách an sinh, chính sách ưu đãi trong vay vốn, lãi suất được phần nào hay phần đó.
Về thôn Lê Hà, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, phóng viên Dân Việt gặp anh Nguyễn Xuân Thành, chủ nuôi cá lồng trên sông Thái Bình ở xã An Sơn cũng trong huyện Nam Sách. Anh dẫn tôi ra thăm nơi anh nuôi cá lồng ở xã An Sơn.
Lúc này, nước đã rút ra khỏi bãi, trên bãi còn "tàn tích" của một khung thép của lồng cá, do dòng nước xiết cuốn lên bãi. Đến khu đặt lồng cá, tàn tích còn thê lương hơn. Toàn bộ 34 lồng cá, bị cuốn đi hết, chỉ còn một ít lưới bị cuộn vào. Nhà để thức ăn toàn bùn, những bao thức ăn cho cá bị ngâm nước trương phềnh, bốc mùi lồng lặc.
Anh Thành cho biết, trong đợt bão lũ, vừa qua, toàn bộ 34 lồng cá của tôi bị cuốn đi hết. Như các nhà khác không bị trôi, cuốn lồng đi còn bán gỡ gạc được. Còn như nhà tôi bị cuốn đi hoàn toàn, không thu vớt vớt lại được ít nào.
Cũng theo anh Thành, gia đình anh thiệt hại toàn bộ 34 lồng cá, khoảng gần 300 tấn cá trong lồng, trị giá hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, anh Thành còn 9 mẫu ao thầu ở huyện Tứ Kỳ để nuôi cá lăng cũng bị ngập hết. Thiệt hại ở đây tầm từ 3 – 5 tỷ đồng. Tổng thiệt hại do bão lũ gây ra với gia đình anh là từ 23 – 25 tỷ đồng.
Anh Thành cho biết, chắc trong thời gian ngắn chỉ khôi phục sản xuất được ở 9 mẫu ao thầu ở Tứ Kỳ thôi, còn 34 lồng cá chắc trong thời gian ngắn sẽ không thể khôi phục được vì phải đầu tư làm lại. Hiện tại gia đình không còn vốn nữa, khó khăn chồng chất khó khăn.
Anh Thành cũng mong muốn các cấp chính quyền chia sẻ khó khăn, giúp đỡ người dân phục hồi sản xuất, có chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng thời các tổ chức ngân hàng cũng chung tay chia sẻ khó khăn với khách hàng vay vốn. Có chính sách ưu đãi về vay vốn, hạ lãi suất, giãn, chậm trả lãi… có như vậy mới có điều kiện phục hồi sản xuất.
Hải Dương triển khai nhiều giải pháp khắc phục hậu quả bão lũ, phục hồi sản xuất
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đánh giá "Có thể nói mưa bão số 3 vào Hải Dương là lịch sử, chưa từng có; cùng với mưa, bão, lũ xảy ra cũng rất khác thường, gió cũng lịch sử, mưa cũng lịch sử, lũ cũng lịch sử".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, nhận thức điều đó, công tác chuẩn bị ban đầu của Hải Dương cũng rất tốt, đặc biệt từ 4 - 5/9. Từ ngày 5/9, Hải Dương chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện bơm rút tiêu, gạn tháo, bơm tiêu, rút nước hồ đập. Đặc biệt bơm tiêu thực hiện tối đa. Yêu cầu bơm cạn đến đáy thì thôi. Điều đó, đã hạn chế đáng kể hậu quả thiệt hại do bão lũ gây ra.
Ngay khi bão vào, các anh lãnh đạo tỉnh, Bí thư, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo rất rát. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời, tỉnh đã bàn hành 19 văn bản chỉ đạo điều hành. Tỉnh đã cấp 60 tỷ đồng (trong đó có 20 tỷ đồng từ Chính Phủ, 40 tỷ đồng của tỉnh) cho 12 huyện, thị xã, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lũ. Đồng thời đã huy động kịp thời hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang quân đội, công an và đông đảo nhân dân cùng các lực lượng khác có mặt tại các nơi xảy ra sự cố đê điều để xử lý kịp thời.
Xử lý thành công, đúng kỹ thuật 497 sự cố đê, điều thủy lợi, trong đó có 269 sự cố thẩm lậu, đùn sủi, lỗ rò qua thân đê, tràn cục bộ, sạt trượt mái đê, rò mang cống, rò nước qua khe cánh cống; 228 sự cố rò rỉ, tràn bờ, sạt mãi kênh Bắc Hưng Hải.
Ngay sau bão lũ, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả, thu dọn cây bị gãy, đổ giải tỏa các vật cản, đảm bảo giao thông thông suốt, sửa chữa trụ sở, nhà cửa, vệ sinh môi trường tại cơ quan, đơn vị; dọn dẹp các trường học, cơ sở y tế và các công trình bị sự cố. Triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh ở khu vực bị ảnh hưởng do bão lũ.
Chỉ đạo ngành nông nghiệp rà soát, thống kê mức thiệt hại của người dân để có phương án, giải pháp hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại để phục hồi sản xuất.
Trong hoạt động phục hồi sản xuất nông nghiệp, tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ người dân theo Nghị định 02 của Chính phủ. Những nội dung nào không có trong Nghị định 02, tỉnh sẽ quy định thêm, ví dụ như: Đà điều, ngỗng, chim bồ câu… Tuy nhiên số lượng không nhiều.
Về lĩnh vực nông nghiệp còn có Nghị định 55 của Chính phủ, Nghị định 116 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 55 về việc khoanh nợ đối với các hộ cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp… Ngân sách nhà nước chi trả lãi suất trong thời gian khoanh nợ.
Ngoài ra, dự kiến tỉnh Hải Dương sẽ dành kinh phí dành cho công tác hỗ trợ người dân thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với lĩnh vực nhà màng nhà lưới sản xuât nông nghiệp công nghệ cao, trước đó để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuât trong nhà màng, nhà lưới tỉnh Hải Dương đã có chính sách hỗ trợ 100 nghìn đồng/m2. Hiện tỉnh đã hỗ trợ được hơn 10 ha nhà màng nhà lưới. Toàn tỉnh đã phát triển được 86 ha nhà màng, nhà lưới, hiện đang rà soát những hộ nào chưa được hỗ trợ khi làm nhà màng nhà lưới nếu tiếp tục phục hồi nhà màng nhà lưới sẽ được tỉnh hỗ trợ.
Đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, các ngân hàng cam kết giảm lãi suất, hoãn, giãn chưa tính lãi suất.
Tuy thiệt hại lớn do bão lũ gây ra, nhưng ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tin tưởng với sự chỉ đạo quyết liệt, cùng sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Hải Dương sẽ nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Đề xuất kiến nghị của tỉnh Hải Dương với các bộ ngành Trung ương:
Để hỗ trợ, khắc phục hậu quả sau bão, mưa, lũ và tu bổ hệ thống đê điều thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhiệm vụ phòng chống thiên tai, UBND tỉnh Hải Dương đề nghị đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT một số nội dung sau:
Sớm đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/ NĐ – CP, ngày 09/01/2017 nhất là nội dung mức hỗ trợ, chế độ, trình tự hồ sơ, thủ tục để các địa phương có căn cứ thực hiện
Xem xét sửa đổi, điều chỉnh một số văn bản sau:
Quyết định 3499/QĐ - BNN ngày 11/9/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc công bố thủ tục hành chính lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đặc biệt quy trình giải quyết thủ tục hành chính về hỗ trợ, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, thực tế nhiều bất cập ở cấp xã (cùng một thời điểm tiếp nhận hàng nghìn hồ sơ gây quá tải khó khăn trong việc thực hiện),
Quyết định số 17/2002/QĐ - BNN ngày 12/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy định quản lý và sử dụng vật tư dự trữ phòng chống lụt bão; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vật tư vật liệu mới thay thế các loại vật tư phương tiện máy móc thiết bị đã cũ lạc hậu (tre cây, rong rào, rơm rạ, sảo sắt, quang gánh sắt, đầm gang…) không còn phù hợp.
Đề nghị các Bộ: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ, kinh phí để tỉnh Hải Dương hỗ trợ, khắc phục hậu quả khôi phục sản xuất, tu bổ, sửa chữa khắc phục ngay một số công trình đê, điều, thủy lợi, cơ sở giáo dục, y tế và các công trình cần thiết khác bị hư hại sau bão lũ. Tổng số kinh phí đề nghị hỗ trợ khoảng 1.500 tỷ đồng
Tiếp tục quan tâm đề nghị các bộ, ngành trung ương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí kinh phí để tỉnh Hải Dương thực hiện xây mới, tu bổ công trình đê, điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu. Nội dung này tỉnh Hải Dương sẽ có báo cáo cụ thể đề nghị bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030
Xem xét, cho phép thực hiện nắn chỉnh và nâng cấp một số tuyến kênh trục trên hệ thống Bắc Hưng Hải để phù hợp với Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hải Dương thiệt hại khoảng 6.558 tỷ đồng do bão lũ gây ra:
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, tổng thiệt hại do bão lũ số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương khoảng 6.558 tỷ đồng. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn khoảng 3.558 tỷ đồng; các lĩnh vực khác như giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại, công nghiệp, công trình dân dụng, cây xanh khoảng 3.000 tỷ đồng.
Thiệt hại đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn về nông nghiệp ước tính 2.558 tỷ đồng, trong đó, trồng trọt 1.222 tỷ đồng, thủy sản 1.125 tỷ đồng, lâm nghiệp 80 tỷ đồng, chăn nuôi 131 tỷ đồng; khoảng 13.820 ha lúa bị đổ, bị ngập; khoảng 3.537 ha rau màu bị ngập, đổ, gãy, dập nát; khoảng 6.899 ha cây ăn quả bị đổ, gãy khoảng 354 ha cây hoa cây cảnh bị đổ, gãy; khoảng 65 ha nhà màng, nhà lưới bị hư hại; khoảng 2.250 ha rừng bị thiệt hại; khoảng 1.350.000 con gia súc, gia cầm bị chết; khoảng 4.327 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ; khoảng 3.301 lồng cá bị tràn, vỡ, trôi lồng.
Thiệt hại về công trình đê, điều thủy lợi và trụ sở các cơ quan, đơn vị trực thuộc: ước thiệt hại về kinh tế khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí đã thực hiện để xử lý ngay các sự cố trong lũ, bão; khoảng 100 tỷ đồng kinh phí để tu, bổ nâng cấp, xóa bỏ các trọng điểm xung yếu, các vị trí đã xảy ra sự cố đê, công trình bảo đảm an toàn khoảng 900 tỷ đồng.
Xuất hiện 269 sự cố thẩm lậu, đùn sủi, lỗ rò qua thân đê, tràn cục bộ, sạt trượt mái đê, rò mang cống, rò nước qua khe cánh cống trong đợt mưa lũ; 35 công trình trụ sở cụm chống lụt bão điếm cạnh đê bị hư hỏng; khoảng 192 bụi tre chắn sóng bị nghiêng, đổ trên hệ thống Bắc Hưng Hải thuộc địa bàn tỉnh; xuất hiện 228 sự cố rò, rỉ, tràn bờ, sạt mái kênh, hệ thống công trình thủy lợi do tỉnh quản lý; trên 60 công trình trụ sở, nhà quản lý, nhà tạm bị hư hỏng 10 tuyến kênh bị đổ; 23 sự cố máy móc thiết bị trạm bơm và một số sự cố khác.
Thiệt hại đối với các lĩnh vực khác như: Giao thông, giáo dục, y tế, văn hoá, thương mại, công nghiệp, công trình dân dụng, cây xanh khoảng hơn 3000 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.