Dân Việt

Con vật nguồn gốc hoang dã này ăn tạp, nhai rau chuối rau ráu, chị nông dân Đắk Lắk bán 110.000 đồng/kg

Thu Thảo 15/10/2024 16:04 GMT+7
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt heo rừng lai trên thị trường ngày càng cao, chị H’Mat Niê, xã Cư Huê, huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) đã cải tạo lại khu đất rộng khoảng 1 ha để chăn nuôi heo, trong đó 1 sào dùng xây dựng chuồng trại, phần đất còn lại trồng một số loại cây dùng làm thức ăn cho vật nuôi.

“Trước đây, khu vườn này được tôi dùng để trồng cà phê, tiêu… Những năm nông sản xuống giá khiến kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn. 

Từ đó, tôi nghĩ mình cần phải thay đổi hướng phát triển kinh tế để cải thiện thu nhập cho gia đình. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi quyết định khởi nghiệp từ mô hình nuôi heo rừng lai”, chị H’Mat Niê chia sẻ.

Năm 2019, chị đã mua 3 cặp heo rừng giống với giá gần 6 triệu đồng về nuôi. Lúc đầu, do đàn heo giống chưa thích nghi được với điều kiện khí hậu địa phương, gia đình chị cũng chưa nắm được kỹ thuật chăn nuôi đúng cách nên heo bị nhiễm bệnh, chậm phát triển.

Không nản lòng, chị H'Mát chịu khó tìm hiểu và áp dụng cách xử lý các yếu tố gây hại cho vật nuôi, giữ chuồng trại sạch sẽ, khử trùng khu vực nuôi bằng vôi…, nhờ vậy đàn heo rừng giống đã khỏi bệnh và sinh sản lứa đầu tiên được 21 con.

Sau 6 tháng nuôi, heo rừng lai đạt trọng lượng từ 15 – 20 kg/con, chị bán với giá 110.000 đồng/kg, thu được 36 triệu đồng.

Từ đó, chị tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi con đặc sản, đến nay, trại heo rừng đã có hơn 40 con lớn nhỏ, trong đó có 8 con heo rừng mẹ đang sinh sản.

Heo rừng nguồn gốc động vật hoang dã, chị nông dân Đắk Lắk nuôi thành công, bán 110.000 đồng/kg- Ảnh 1.

Chị H' Mat Niê, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) dùng những loại cây trồng sẵn có trong vườn làm thức ăn cho heo rừng lai-vật nuôi có nguồn gốc động vật hoang dã. Nuôi heo rừng lai là một trong những mô hình nuôi con đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.

Heo rừng lai là loài ăn tạp nên chị H'Mát trồng chuối, cỏ và một số loại trái cây để làm thức ăn cho heo rừng lai. 

Có những lúc mùa khô, số lượng thức ăn tươi không đủ, chị mua thêm cám gạo hoặc xin trái cây rụng từ vườn của hàng xóm để cho heo rừng lai ăn. 

Điều này không chỉ giúp giảm chi phí đầu tư mà còn khiến thịt heo rừng lai săn chắc, thơm ngon hơn nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Qua thực tế chăn nuôi, chị H'Mat Niê nhận thấy, chuồng trại nên làm theo kiểu bán tự nhiên, khoảng 10 - 15% diện tích sẽ có mái che, chừa một khoảng sân rộng cho heo rừng lai chạy nhảy. 

Tuy nhiên, vào mùa mưa heo rừng phải được nuôi nhốt trong chuồng để tránh bị ký sinh trùng ngoài da. Bên cạnh đó, để tránh việc heo rừng bị nhiễm bệnh, khi mới sinh ra heo cần phải được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, chị H'Mát còn đi thu mua thêm heo rừng lai con từ nhiều trang trại khác về nuôi để bán heo rừng thịt. 

Mỗi năm, trang trại nuôi con đặc sản của chị cung ứng từ 500 - 700 con heo rừng giống và heo rừng thương phẩm cho khách hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 20 – 30 triệu đồng/tháng. 

Chị H'Mat Niê mong muốn thời gian tới được Hội Nông dân địa phương tư vấn, hỗ trợ thêm về kiến thức, kỹ thuật nuôi heo rừng lai, kinh nghiệm nuôi heo rừng lai và nguồn vốn để có điều kiện mở rộng mô hình chăn nuôi con đặc sản này.