Dân Việt

Nhu cầu tuyển dụng lao động tại TP.HCM: Vẫn mất cân đối giữa cung và cầu

Nguyệt Minh 15/10/2024 19:40 GMT+7
TP.HCM luôn chú trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thế nhưng vẫn còn trường hợp mất cân đối giữa cung - cầu.

Thương mại - dịch vụ là lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhất tại TP.HCM 

Mới đây, Sở LĐTBXH đã có kết quả khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố bình quân giai đoạn 2022-2024 do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thực hiện.

Hi hữu chuyện "vừa thiếu, vừa thừa" lao động tại TP.HCM - Ảnh 1.

Ở TP.HCM vẫn còn trường hợp mất cân đối giữa cung - cầu lao động. Ảnh: Huỳnh Như

Cụ thể, lĩnh vực thương mại - dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhất tại TP.HCM với bình quân khoảng 210.000 nhu cầu, chiếm 70,36% trong tổng số nhu cầu. 

Xếp thứ 2 là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng với bình quân khoảng 90.000 nhu cầu tuyển dụng lao động, chiếm 29,54% trong tổng số nhu cầu. 

Đối với lĩnh vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản, chỉ có bình quân khoảng 300 nhu cầu tuyển dụng lao động, chiếm 0,1% trong tổng số nhu cầu.

Cũng theo khảo sát, trình độ đại học và trên đại học chiếm 21,26%, trình độ cao đẳng chiếm 21,08%, trình độ trung cấp chiếm 25,79, trình độ sơ cấp chiếm 18,32%, lao động chưa qua đào tạo chiếm 13,55% trong tổng số nhu cầu.

Theo thông tin từ Sở LĐTBXH TP.HCM, hàng năm, số lượng người học tốt nghiệp các trình độ từ sơ cấp đến đại học trên địa bàn khoảng 270.300 người. Trong đó, trình độ đại học khoảng 65.000 người (chiếm tỉ lệ 24,05%) và trình độ giáo dục nghề nghiệp khoảng 205.300 người (chiếm tỉ lệ 75,95%).

Đối với nhân lực sau tốt nghiệp, trình độ giáo dục nghề nghiệp hàng năm có bình quân khoảng 9,25% là trình độ cao đẳng (tương đương khoảng 25.000 người), khoảng 3,44% là trình độ trung cấp (tương đương khoảng 9.300 người) và khoảng 63,26% là trình độ sơ cấp (tương đương khoảng 171.000 người). 

Tỷ trọng nhân lực ở các nhóm ngành như sau: 40,65% ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu; 50,06% ở 9 ngành dịch vụ chủyếu; 2,13% ở các ngành tự do dịch chuyển trong khối ASEAN và 7,16% ở cácngành khác (trong đó có 0,57% thuộc ngành nông nghiệp).

Hi hữu chuyện "vừa thiếu, vừa thừa" lao động tại TP.HCM - Ảnh 2.

Bảng so sánh nhu cầu tuyển dụng với tỉ trọng nhân lực sau tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp

Công tác đào tạo nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp

Từ các cơ sở phân tích nêu trên, Sở LĐTBXH nhận định công tác đào tạo nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp mất cân đối giữa cung - cầu lao động trong khu vực công nghiệp - dịch vụ khi tỉ lệ người học tốt nghiệp ở nhóm ngành công nghiệp cao hơn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông (lao động chưa qua đào tạo).

Tuy vậy, tỷ trọng nhu cầu nhân lực trong khu vực công nghiệp - dịch vụ sẽ thay đổi theo hướng tăng nhu cầu nhân lực công nghiệp, khi đó, khả năng đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực như hiện nay của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ phù hợp với tình hình thực tế, giảm tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực.

Nhằm chuẩn bị các điều kiện đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo nhu cầu của doanh nghiệp trong các lĩnh vực trọng tâm thời gian tới của TP (gồm công nghiệp chất bán dẫn, đường sắt đô thị, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ...) cũng như phục vụ cho đề án Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP, Sở LĐTBXH đã chủ động tìm hiểu, trao đổi, đàm phán với các đối tác nước ngoài nhằm tìm kiếm các mô hình hay, chuyển giao các chương trình đào tạo tiên tiến từ phía nước ngoài.

Kết quả, Sở LĐTBXH thông tin đã chỉ đạo một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp của TP triển khai đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ bán dẫn (phối hợp với trường Đại học Đại Diệp, Đài Loan - Trung Quốc) gồm: Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM; Trường Cao đẳng Quốc tế TP.HCM; Trường Trung cấp Bách nghệ TP.HCM; Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt.

Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp của TP triển khai hợp tác đào tạo khối ngành Logistics, xây dựng với một số trường Cao đẳng tại bang Tây Úc - nước Úc gồm: Cao đẳng Kinh tế TP.HCM, Cao đẳng Công nghệ thông tin, Cao đẳng Kiến trúc - Xây dựng TP, Cao đẳng Giao thông vận tải TP.

Sở LĐTBXH cho biết đã triển khai các chương trình đào tạo nhận chuyển giao từ Tập đoàn Avestos của Đức theo biên bản ghi nhớ giữa Sở LĐTBXH TP.HCM với Tập đoàn Avestos. Dự kiến triển khai 20/22 nghề nhận chuyển giao gồm:

Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí; Chế biến và bảo quản thủy sản; Chế tạo thiết bị cơ khí; Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy; Cắt gọt kim loại; Công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Điều khiển tàu biển; Hàn; Khai thác máy tàu thủy; Kỹ thuật chế biến món ăn; Lắp đặt thiết bị cơ khí; Quản trị khách sạn; Quản trị lễ tân; Sửa chữa máy tàu thủy; Vận hành máy thi công nền; Thiết kế thời trang; Điện tàu thủy; Kỹ thuật xây dựng; Vận hành máy thi công mặt đường.