Nguyệt Minh
Thứ ba, ngày 15/10/2024 17:45 PM (GMT+7)
Tại TP.HCM, học sinh THCS ngay từ lớp 8 đã được tham gia các hoạt động định hướng nghề nghiệp nhằm giúp cho các em lựa chọn lộ trình học tập sau khi tốt nghiệp bậc trung học cơ sở.
Thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" ban hành kèm Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, Sở LĐTBXH TP.HCM đã phối hợp cùng Sở GDĐT TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động.
Trong đó, có tổ chức các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học cơ sở ngay từ lớp 8 nhằm giúp cho học sinh xác định sở trường, sở thích của bản thân hướng đến nghề nghiệp trong tương lai; và lựa chọn lộ trình học tập sau khi tốt nghiệp bậc trung học cơ sở.
Thí điểm việc phối hợp giữa trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tổ chức triển khai nội dung hướng nghiệp của chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cùng với đó, Sở LĐTBXH TP.HCM đã phối hợp cùng Sở GDĐT TP.HCM tổ chức các ngày Hội tuyển sinh, hướng nghiệp dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trong năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở tại 22 điểm (mỗi quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ tổ chức 1 điểm).
Thông qua các ngày hội, học sinh sẽ được tư vấn, giải đáp các thắc mắc trong việc chọn trường, chọn nghề phù hợp với khả năng của bản thân và xu hướng tuyển dụng lực lượng lao động trong tình hình mới.
Bên cạnh đó là việc tổ chức lựa chọn và đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học cho 2 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để thực hiện thí điểm tổ chức đào tạo nghề kết hợp đào tạo kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo mô hình đào tạo nghề ngắn hạn của Đức.
Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, học sinh sẽ được trải nghiệm thực tế học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giải đáp - tư vấn các thắc mắc trong việc chọn nghề phù hợp với năng lực của mỗi học sinh; tổ chức giảng dạy một mô-đun thực hành đơn giản với thời lượng khoảng 2 tiết/tuần tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học sinh có thể nhận thức được thực tế sản xuất khi tham gia thị trường lao động.
26,19% học sinh nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp
Việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế, tạo cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người, hướng tới xây dựng xã hội học tập.
Tháng 9/2024, ngành GDĐT và ngành LĐTBXH đã tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện chương trình phối hợp, công tác phân luồng được một số kết quả bước đầu.
Trong đó, phải nói đến việc các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phối hợp với các trường Cao đẳng, trường Trung cấp thực hiện việc giải đáp thắc mắc, tư vấn chọn ngành, chọn trường cho học sinh cuối cấp.
Đồng thời tổ chức tham quan, tìm hiểu thực tế cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học, thông tin về các cơ hội việc làm ở từng ngành nghề cũng như tổ chức các hoạt động trắc nghiệm tâm lý, sở trường để giúp cho học sinh xác định chính xác năng lực bản thân, dễ dàng lựa chọn hướng đi thích hợp sau khi tốt nghiệp bậc trung học.
Theo kết quả báo cáo công tác tuyển sinh hàng năm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp bình quân hàng năm khoảng 26,19%.
Nhằm tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành GDĐT và ngành LĐTBXH, góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM giai đoạn 2020-2025, Sở GDĐT cùng với Sở LĐTBXH đã ký kết thực hiện Chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông giai đoạn 2023-2025.
Các nội dung trọng tâm gồm:
(1) Tổ chức các hoạt động để thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học vào học giáo dục nghề nghiệp.
(2) Thực hiện định kỳ 3 tháng/lần việc trao đổi thông tin theo biểu mẫu thu thập thông tin của đôi bên.
(3) Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc tổ chức đào tạo kiến thức văn hóa trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.
(4) Phối hợp và phát huy thế mạnh của đôi bên, cùng nhau hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh trên địa bàn TP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.