Dân Việt

Vì sao doanh nghiệp trong nước triền miên nhập siêu hàng chục tỷ USD?

An Linh 16/10/2024 13:30 GMT+7
Trong 5 năm gần đây (2019 -2024) và có thể những năm tiếp theo, khu vực doanh nghiệp trong nước (gồm các doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước) nhập siêu từ 15 hơn 20 tỷ USD mỗi năm.

Thực trạng doanh nghiệp trong nước sau nhiều năm có tỷ lệ nhập khẩu cao hơn xuất khẩu minh chứng cho thực tế khu vực doanh nghiệp trong nước dù đã lớn mạnh, song vẫn chưa tạo dựng được giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế, thậm chí còn kéo giảm đà xuất siêu của nền kinh tế nói chung.

Doanh nghiệp trong nước: 5 năm liên tục nhập siêu hàng chục tỷ USD

Tại báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh tháng 9 và 9 tháng năm 2024, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 34,05 tỷ USD tăng hơn 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực kinh tế trong nước, xuất khẩu đạt gần 9,4 tỷ USD, giảm hơn 14% so với tháng trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô xuất khẩu đạt hơn 24,6 tỷ USD, giảm 8%.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tháng 9 ước đạt hơn 31,76 tỷ USD, giảm gần 6% so với tháng trước, riêng khu vực kinh tế trong nước ước nhập khẩu gần 11 tỷ USD, khu vực đầu tư nước ngoài hơn 20,8 tỷ USD.

Trong tháng 9, khu vực FDI đạt hơn 3,8 tỷ USD, khu vực trong nước nhập siêu 1,6 tỷ USD, khiến nền kinh tế chỉ xuất siêu hơn 2,3 tỷ USD.

Tính chung hết tháng 9/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước

Vì sao doanh nghiệp trong nước triền miên nhập siêu hàng chục tỷ USD? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp trong nước nhập siêu lớn giai đoạn 2019- tháng 9/2024

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4%, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu trong nước đạt khoảng 100,85 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, khu vực trong nước vẫn nhập siêu lớn với khoảng 17,4 tỷ USD.

Trong khi đó, khu vực FDI kể cả dầu thô xuất khẩu đạt hơn 216,16 tỷ USD, nhập khẩu gần 178 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu khoảng 38 tỷ USD. Do khu vực trong nước nhập siêu lớn do đó nền kinh tế trong 9 tháng năm 2024 chỉ xuất khẩu gần 21 tỷ USD.

Thực tế trong nhiều năm trở lại đây, khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn có tỷ lệ nhập khẩu cao hơn so với xuất khẩu, khiến tình trạng nhập siêu gia tăng. Khu vực doanh nghiệp trong nước dù chỉ chiếm khoảng 30% cơ cấu xuất nhập khẩu, song việc nhập siêu liên tục khiến nền kinh tế giảm xuất siêu lớn.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, cùng với sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu trong 9 tháng năm 2024, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu cũng có sự chuyển biến khi chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch sơ bộ đạt 248 tỷ USD, tăng tới 18,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Doanh nghiệp Việt vẫn "nặng" về gia công, khó chuyển đổi

Đáng nói, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sơ bộ đạt 79,1 tỷ USD, tăng tới 25,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 1,5%). Tiếp đến là kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt tỷ 35,4 tỷ USD, tăng 16,6% (cùng kỳ năm trước giảm 11,1%).

Tương tự, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng khá cao như: thép các loại tăng 18,9%; chất dẻo nguyên liệu tăng 18,1%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 18,3%; vải các loại tăng 14,3%.

Vì sao doanh nghiệp trong nước triền miên nhập siêu hàng chục tỷ USD? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp trong nước dù lớn mạnh song tỷ lệ nhập siêu vẫn rất lớn trong nhiều năm qua

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2023, khu vực trong nước xuất khẩu đạt hơn 95,5 tỷ USD, nhập khẩu 117,3 tỷ USD, nhập siêu khu vực này cả năm đạt hơn 21,8 tỷ USD.

Trong khi đó, khu vực FDI xuất khẩu đạt 259,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 210,2 tỷ USD, xuất siêu hơn 49,7 tỷ USD. Cả năm, Việt Nam xuất siêu chỉ 28 tỷ USD.

Tương tự, năm 2022, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu hơn 95,1 tỷ USD, nhập khẩu hơn 125,8 tỷ USD, khu vực này nhập siêu "khủng" hơn 30,7 tỷ USD.

Năm 2021, khu vực doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hơn 88,7 tỷ USD, nhưng nhập khẩu lên đến hơn 114, 07 tỷ USD, nhập siêu khu vực này đạt 25,37 tỷ USD.

Năm 2020, khu vực doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đạt hơn 78,2 tỷ USD, nhập khẩu hơn 93,6 tỷ USD, nhập siêu hơn 15,4 tỷ USD.

Năm 2019, khu vực doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hơn 82,1 tỷ USD, nhập khẩu hơn 108 tỷ USD, nhập siêu hơn 25 tỷ USD.

Trong 5 năm gần đây khu vực kinh tế trong nước luôn luôn trong tình trạng nhập siêu lớn từ 15 tỷ USD đến hơn 20 tỷ USD, việc nhập siêu dài hạn của doanh nghiệp trong nước khiến nền kinh tế suy giảm tỷ trong xuất siêu.

Theo Bộ KH&ĐT, tính đến hết năm 2023, khu vực doanh nghiệp trong nước đạt hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là DNNVV, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh,. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Hiện phần lớn doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu linh phụ kiện từ nước ngoài để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ở góc độ tích cực, doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nhiều cho thấy, doanh nghiệp Việt mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực gia công, lắp ráp để xuất khẩu nên giá trị còn thấp. Doanh nghiệp Việt đã tham gia vào một số chuỗi sản xuất của đại doanh nghiệp, FDI lớn.

Tuy nhiên, chuyên gia Phạm Chi Lan lập luận: Việc nhập siêu lớn và chậm được cải thiện của khu vực doanh nghiệp trong nước cho thấy một thực trạng doanh nghiệp Việt chậm đổi mới, vươn lên từ doanh nghiệp nhỏ lên doanh nghiệp lớn và tự chủ được sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu.

"Khu vực doanh nghiệp trong nước cần thay đổi quản trị để giảm tỷ lệ nhập khẩu, gia công và xuất khẩu. Cần chủ động tham gia vào xuất khẩu giá trị gia tăng, nghiên cứu chế tạo và quản trị mới hệ thống sản xuất", bà Lan cho hay.

Theo Bộ Công Thương, nền kinh tế mở cửa với hơn 17 FTAs thế hệ mới trong đó có nhiều FTA khu vực, toàn cầu như RCEP, CPTPP hay EVFTA… Tuy nhiên, việc tận dụng các cơ chế, ưu đãi mở cửa của các thị trường nước ngoài phần lớn được doanh nghiệp FDI khai thác triệt để.