Công nghiệp hỗ trợ ô tô: Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rơi vào “bẫy năng suất thấp”

Nguyễn Thịnh Thứ tư, ngày 09/10/2024 11:10 AM (GMT+7)
Đã có những điểm sáng trong phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy tại Việt Nam, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất cần chính sách khuyến khích đồng bộ và đột phá.
Bình luận 0

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của nhóm linh kiện về dây điện đạt khoảng 1,17 tỷ USD, chiếm 38% giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô và đứng thứ 3 thế giới. Sản phẩm dây điện của doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư lắp ráp ô tô toàn cầu. 

Các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất các bộ phận linh kiện về điện của ô tô và đứng thứ 3 thế giới. Sản phẩm dây điện của doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư lắp ráp ô tô toàn cầu.

Công nghiệp hỗ trợ ô tô: Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rơi vào “bẫy năng suất thấp” - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng phát triển chưa đồng bộ. Ảnh Bộ Công thương.

Dù vậy "điểm sáng" đó còn khiêm tốn trong bức tranh tổng thế khi mà ngành công nghiệp ô tô đang nhập khẩu 80% linh kiện sản xuất. Hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...

Thực tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. 

Những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, doanh nghiệp nội địa chưa sản xuất được và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe. Trong khi đó, hiện nay chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

TS Trương Thị Chí Bình, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, có tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ tổng giá trị sản phẩm công nghiệp ô tô đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể là từ 12% vào năm 2018 đã lên 25% vào năm 2023. Đồng thời, xu thế của các doanh nghiệp là gia tăng giá trị sản phẩm. Thay vì tập trung vào linh kiện phụ tùng riêng lẻ, doanh nghiệp đã tập trung sản xuất cụm linh kiện, bắt đầu sản xuất thiết bị gốc (OEM) và hướng tới sản xuất thương hiệu gốc (OBM).

Phân tích thêm về sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam, TS Trương Thị Chí Bình cho rằng, lĩnh vực này chia làm 2 nhánh: Những hoạt động có giá trị cao, được thực hiện bởi các doanh nghiệp FDI và những thương hiệu lớn trong nước; còn các hoạt động có giá trị thấp tập trung bởi những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rơi vào "bẫy năng suất thấp". 

Do đó, theo TS Bình, cần phải thúc đẩy khu vực này chuyển đổi toàn diện, từ mục đích đến quy trình và con người. Phải đẩy mạnh chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi xanh.

Công nghiệp hỗ trợ ô tô: Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rơi vào “bẫy năng suất thấp” - Ảnh 2.

TS Trương Thị Chí Bình, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI). Ảnh Lao Động.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Quyết, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, thị trường ô tô Việt Nam rất có tiềm năng, nhờ quy mô dân số 100 triệu người và thu nhập bình quân ngày càng tăng. 

Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đang ở giai đoạn 1 (giai đoạn duy trì). Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất ra những linh phụ kiện có giá trị không cao và ít tính cạnh tranh. Một trong những vấn đề chính là do quy mô thị trường ô tô còn nhỏ bé, dẫn đến sản xuất nhỏ, khó phát triển chuỗi cung ứng.

Theo đại diện VAMA, cộng đồng doanh nghiệp đang chờ đợi một hệ thống chính sách khuyến khích đồng bộ và đột phá, để đầu tư vào sản xuất, lắp ráp xe xanh. Chính sách phải khuyến khích và huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong nước; phải thúc đẩy liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới; phải chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp để tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới. Tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước theo hướng hiện đại…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem