Nhóm doanh nghiệp của AIC thao túng 7 gói thầu mua sắm tại tỉnh Bình Phước ra sao?

Vũ Khoa Thứ sáu, ngày 11/10/2024 13:35 PM (GMT+7)
Kết luật thanh tra cho thấy, hàng loạt gói thầu thuộc các ngành y tế, giáo dục, môi trường bị AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn "nhúng tay", gây hậu quả thất thoát ngân sách nhà nước.
Bình luận 0

Khái quát về tình hình, UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh được tái lập từ năm 1997. Trong giai đoạn này, tỉnh phải đối diện với rất nhiều khó khăn về kinh tế, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém, nhất là về giao thông, y tế, giáo dục,... Đời sống nhân dân trong tỉnh thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao..

Do đó, những gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, giáo dục, môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong giai đoạn 2011 – 2018 có mục đích lớn lao, nhằm giải quyết những khó khăn đang gặp phải, đồng thời nâng cao đời sống, tri thức và môi trường sống của người dân Bình Phước.

Tuy nhiên, một số cá nhân lợi dụng tình hình cấp bách để thực hiện những hành vi nhằm bòn rút ngân sách. Năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các dự án có liên quan đến Công ty CP Tiến bộ Quốc tế.

Nhóm doanh nghiệp của AIC thao túng 7 gói thầu mua sắm Bình Phước ra sao? - Ảnh 1.

UBND tình Bình Phước thực hiện thanh tra các gói thầu liên quan đến AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh chụp màn hình.

Hệ sinh thái AIC "dàn cảnh" đấu thầu, nâng khống giá thiết bị mua sắm

Theo Kết luận số 294/KL-UBND ngày 20/9/2024 của UBND tỉnh Bình Phước về kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật với các gói thầu liên quan đến Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, trong niên độ từ 2011 – 2018, Công ty AIC trúng thầu 7 gói mua sắm hình thức đấu thầu rộng rãi và 39 gói tư vấn được chỉ định thầu trên địa bàn tỉnh.

Tổng mức dự toán của các gói thầu nêu trên là 110,3 tỷ đồng. Kết luận thanh tra cho biết, tổng kinh phí đã phân bổ 115 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương và trái phiếu chính phủ. Tổng giá trị đã thanh quyết toán 110,5 tỷ đồng.

Đối với giá hàng hoá, thiết bị, từ kết quả đối chiếu giá nhập khẩu do Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Bình Phước cung cấp, Đoàn thanh tra xác định giá thanh toán các trang thiết bị của 7 gói mua sắm có sự chênh lệch lớn về giá trị; có dấu hiệu nâng khống giá thiết bị để bán, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Để thực hiện trót lọt, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Công ty AIC thành lập một nhóm doanh nghiệp thành "hệ sinh thái". Trong đó, Công ty CP Mopha được bà Nhàn nhờ người nhà đứng tên cổ đông sáng lập; Công ty CP Tư vấn Công nghệ cao do ông Tạ Hải Anh, Trưởng ban Xuất khẩu lao động của công ty AIC đứng tên đại diện pháp luật.

Nhóm doanh nghiệp của AIC thao túng 7 gói thầu mua sắm Bình Phước ra sao? - Ảnh 2.

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Sau đó, các công ty được sử dụng để cùng tham gia vào hàng loạt gói thầu như đã nêu. Tại Kết luận 294, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng nhóm doanh nghiệp này đã có dấu hiệu thông thầu.

Kết quả, tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước, AIC trung 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị quan trắc năm 2017, 2018; Cùng đó là 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế năm 2011, 2017 do Sở Y tế làm Chủ đầu tư, cũng có chênh lệch lớn về giá trị, có dấu hiệu cho thấy AIC và các Công ty đã nâng khống giá thiết bị để bán, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.

Đối với các gói thầu giáo dục, AIC trúng 3 gói mua sắm trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ cho các trường phổ thông năm 2014, 2015, 2016 do Sở Giáo dục và Đào tạo làm Chủ đầu tư.

Ngoài ra, việc những hành vi nâng khống giá thiết bị còn có vai trò góp sức lớn của một số công ty thẩm định giá như BTCValue, Công ty Đông Nam Á, Công ty Trung Tín với hàng loạt hồ sơ có dấu hiệu giả mạo, thẩm định không đúng đối tượng.

Chưa xác định được thiệt hại

Đối với công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ ra một số vấn đề thiếu sót của các sở, ngành giữ vai trò chủ đầu tư trong những gói có liên quan đến Công ty AIC.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường không gửi quyết định sửa đổi hồ sơ mời thầu kèm theo những nội dung sửa đổi hồ sơ mời thầu đến các nhà thầu đã mua, hoặc nhận hồ sơ mời thầu là không đúng quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Sở Tài nguyên và Môi trường đăng tải thiếu thông tin về đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong quá trình lựa chọn nhà thầu, việc này được xác định không đúng quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013.

Đối với Sở Y tế tỉnh Bình Phước, trong vai trò Chủ đầu tư, Sở Y tế không kiểm tra thẩm định về tiêu chuẩn đánh giá năng lực của các nhà thầu được chỉ định thầu, không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả chỉ định thầu đối với các gói tư vấn là vi phạm Luật Đấu thầu năm 2013.

Về Sở Giáo dục và Đào tạo, Kết luận của UBND tỉnh xác định đối với các gói chỉ định thầu không thực hiện việc thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Nghị định số 63.

Mặt khác, các gói đấu thầu rộng rãi bị đăng tải thiếu thông tin trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, không thực hiện đúng theo quy định của Luật Đấu thầu.

Mặc dù quá trình thanh tra chưa phát hiện dấu hiệu các sở, ngành có liên quan cố ý làm trái quy định, nhưng qua một số vụ án khác cho thấy Công ty AIC và các công ty thẩm định giá có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu.

Kết luật thanh tra của UBND tỉnh Bình Phước cho biết, việc xác định chứng cứ vi phạm, thu thập dữ liệu hồ sơ gặp nhiều khó khăn do địa chỉ các công ty, doanh nghiệp không còn tồn tại, các công ty thẩm định giá, cá nhân có vi phạm trong công tác đấu thầu bỏ trốn hoặc bị khởi tố bắt giam nên đoàn thanh tra không xác định được mức độ thiệt hại. Mặt khác, việc xác định chính xác tổng giá trị thiệt hại đối với ngân sách nhà nước nằm ngoài khả năng của Đoàn thanh tra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem