Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, năm 2017, nguồn cát sông ở ĐBSCL rất lớn (đặc biệt là ở An Giang và Đồng Tháp), thậm chí phục vụ cho xuất khẩu sang Singapore.
Lúc bấy giờ, nguồn cát sông là nguồn kinh tế nhỏ trong nền kinh tế lớn của vùng ĐBSCL liên quan đến sông Tiền và phụ lưu sông Tiền.
"Thời điểm đó, nguồn cát sông thừa rất nhiều, đến mức ở một số nơi, phải bơm cát ra giữa sông để cho tàu, phà cập bến" - ông Hoan nói.
Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nguồn cát ở thượng nguồn hạn chế đưa về, dẫn đến trữ lượng ít, thậm chí không đạt yêu cầu để khai thác được.
Ông Hoan giải thích: "Cái nhìn thấy, biết có mỏ cát, nhưng thực tế trữ lượng không như chúng ta nghĩ. Thậm chí mỏ cát đó có đủ trữ lượng rồi mà tính hữu dụng của cát đó cũng không đảm bảo, bởi có lượng lớn bùn như đại diện Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn vừa trình bày tại hội nghị".
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TNMT cũng như các đơn vị có liên quan cùng 1 lúc đi khảo sát, kiểm tra tất cả các mỏ cát ở ĐBSCL. Để từ đó nắm chắc dữ liệu về tài nguyên cát hiện nay và có hướng chỉ đạo lâu dài.
Sở dĩ Bộ trưởng Bộ NNPTNT có đề nghị như vậy là vì tài nguyên cát sông ở ĐBSCL không phải phục vụ ngắn hạn cho các dự án đường cao tốc như hiện nay mà còn cho các công trình ở địa phương, khu đô thị, khu công nghiệp mọc cạnh đường cao tốc về sau.
"Phải khảo sát, kiểm tra để xác định lại chúng ta đang có cái gì, có bao nhiêu và sử dụng được bao lâu. Như vậy, sẽ đỡ đi câu chuyện nhà thầu trúng thầu mỏ cát này nhưng khai thác không được (do nguồn cát sông không đạt chất lượng) rồi lại loay hoay đi tìm mỏ cát khác. Sau đó, các bộ, ngành và Thủ tướng phải vất vả xử lý nguồn nguyên liệu cho các dự án cao tốc" - ông Hoan nói thêm.
Theo báo của Bộ GTVT tại hội nghị, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương vùng ĐBSCL đã nỗ lực triển khai thủ tục cấp mỏ cát sông cho các dự án cao tốc. Tuy nhiên, hiện nay do công suất khai thác còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhiều mỏ tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ. Các mỏ cát sông tại tỉnh Sóc Trăng mặc dù có trữ lượng lớn nhưng công suất cấp phép khai thác rất hạn chế, không đáp ứng nhu cầu.
Tại tỉnh An Giang đang triển khai dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao để sử dụng khoáng sản thu hồi cung ứng cho Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (1,5 triệu m3), công suất khai thác 1,2 triệu m3/năm. Tuy nhiên, hiện mới cấp cho dự án được 0,87 triệu m3 đã phải dừng khai thác do hết công suất...