Có hay không lúa chết do làm đường cao tốc ở Hậu Giang?: Cần làm rõ nguồn cát từ đâu, cát sông hay cát biển
Có hay không lúa chết do làm đường cao tốc ở Hậu Giang?: Cần làm rõ nguồn cát từ đâu, cát sông hay cát biển
Huỳnh Xây
Thứ năm, ngày 30/05/2024 09:37 AM (GMT+7)
Việc lúa chết do làm đường cao tốc Bắc-Nam (đoạn đi qua ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) cần phải xác định rõ là cát sông hay cát biển để có hướng khắc phục triệt để, nhằm tránh những hệ lụy nặng nề cho vùng đất trồng lúa vốn có nguồn nước ngọt quanh năm.
Liên quan đến việc lúa chết cặp công trình đường cao tốc Bắc - Nam đi qua đoạn ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, sau khi nhận được phản ánh từ người dân bị thiệt hại, UBND tỉnh Hậu Giang đã có chỉ đạo ngành nông nghiệp đi khảo sát hiện trạng.
Xuất hiện độ mặn bất thường, lúa chết do "nhân tai"?
Theo đó, đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang đã phối hợp đi khảo sát hiện trạng ở cả vụ đông xuân 2023-2024 và vụ hè thu 2024 (đang trong giai đoạn mạ).
Trong đó, ở vụ đông xuân, độ mặn đo được tại vị trí lúa chết từ 2-3‰, ở vụ hè thu 2024 độ mặn đo được tại vị trí lúa chết là 6,6‰ (riêng khu vực công trình đường cao tốc độ mặn đo được từ 0,5 - 1,8‰, khu vực xa công trình không phát hiện độ mặn).
Để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân nước mặn xuất hiện làm lúa chết cặp công trình đường cao tốc Bắc - Nam, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng tiến hành kiểm tra tất cả các trà lúa trong toàn tỉnh và xác định không ghi nhận tình trạng sâu rầy gây hại hoặc có nhưng không đáng kể.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang cho biết, đối với đông xuân, các đơn vị có liên quan xác định tổng thiệt hại lúa chết do nguồn nước nhiễm mặn là 44 triệu đồng.
Đến vụ hè thu, lúa chết tiếp tục xảy ra và ngành nông nghiệp khảo sát lại, lúc này độ mặn được ghi nhận cao hơn vụ trước (do nguồn nước rò rỉ ra công trình và ứ lại ruộng lúa của người dân trong những ngày nắng nóng gay gắt), dẫn đến lúa không thể sống nổi.
"Từ thực tế kiểm tra cùng với việc thời điểm này trên địa bàn tỉnh không ghi nhận sinh vật gây hại đáng kể nên khẳng định, nguồn nước mặn làm lúa chết cặp công trình đường cao tốc Bắc - Nam không phải do nước mặn tự nhiên" - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, vụ lúa đông xuân vừa qua bị thiệt hại khoảng 44 triệu đồng, có thể con số này không nhiều đối với doanh nghiệp, nhưng là nguồn thu nhập lớn đối với người dân, bởi đây là vụ chính trong năm.
Ông Tuấn cũng lưu ý, đối với khu vực lúa chết do nguồn nước nhiễm mặn cặp công trình đường cao tốc, nếu không làm đường mương thoát nước thì chắc chắn vụ lúa tới sẽ còn bị thiệt hại.
Ông Trần Thanh Toàn – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang thì cho biết, khu vực lúa chết cặp công trình đường cao tốc là vùng sinh thái nước ngọt, lịch sử chưa bao giờ ghi nhận có nước mặn do thiên tai gây ra.
Hơn nữa, thời gian qua, cụ thể trong mùa khô 2024, ngành nông nghiệp luôn chủ động trong công tác phòng chống mặn xâm nhập, các công trình trình thuỷ lợi vận hành rất tốt do đó các vùng được bảo vệ (bao gồm ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy) không có chuyện bị nhiễm mặn.
Ông Toàn nhấn mạnh, từ các yếu tố kết hợp lại, nước mặn không bao giờ đến được xã Vị Thắng, tức lúa chết do "nhân tai" chứ không phải "thiên tai".
Bởi lúa chết do "nhân tai" nên theo ông Toàn, việc hỗ trợ không thể áp dụng theo Luật phòng chống thiên tai cũng như Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
"Nhà thầu khẳng định không dùng cát biển"
Liên quan việc lúa chết do làm đường cao tốc Bắc-Nam (đoạn đi qua ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), UBND huyện Vị Thủy vừa tổ chức cuộc họp để tìm hướng giải quyết.
Tại cuộc họp, ông Trần Hải Bắc - Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn - nhà thầu thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn đi qua ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy) khẳng định, không dùng cát biển làm đường tại khu vực lúa chết mà người dân phản ánh.
Ông Trần Hải Bắc - Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn - nhà thầu thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn đi qua ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy) khẳng định, nguồn cát được lấy từ An Giang và Đồng Tháp. Video: Huỳnh Xây
"Chúng tôi khẳng định, nguồn gốc, xuất xứ cát được lấy từ An Giang và Đồng Tháp. Việc quản lý nguồn cát được chúng tôi thực hiện rất tốt" - ông Bắc nói.
Ông Bắc cho biết thêm, đơn vị đã lấy mẫu cát ở công trình để kiểm định xem có phù hợp với các chỉ tiêu theo quy định hay không, khi có kết quả sẽ cung cấp cho địa phương.
Trước mắt, ông Bắc đề xuất đào mương nhỏ chạy dọc theo công trình đường cao tốc đang làm để thoát nước mặn ra bên ngoài sông lớn. "Việc này sẽ giải quyết được vấn đề tích tụ nước mặn trong ruộng, giúp cho các vụ lúa sau không bị ảnh hưởng" - ông Bắc nói.
Ông Nguyễn Quang Dũng - Đại diện chủ đầu tư dự án cho hay, đã thống nhất với nhà thầu về việc hỗ trợ cho các hộ dân có lúa chết do ảnh hưởng từ công trình đường cao tốc Bắc- Nam đối với vụ lúa đông xuân 2023-2024 với tổng số tiền gần 44 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với vụ lúa hè thu đang trong đoạn sinh trưởng phải nhờ địa phương thống kê lại con số thiệt hại cụ thể, từ đó mới tính tiếp.
Ông Dũng cho cho biết, sẽ cùng địa phương khảo sát vị trí để đào mương thoát nước mặn, khắc phục triệt để tình trạng này, không để ảnh hưởng tiếp vụ lúa sau.
Ông Nguyễn Quang Dũng - Đại diện chủ đầu tư dự án nói về việc hỗ trợ người dân có lúa chết. Video: Huỳnh Xây
Tại cuộc họp, ông Trương Trần Trọng Hiếu - Phó chủ tịch UBND huyện Vị Thuỷ cho rằng, khi thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đã làm cho các thửa ruộng của người dân bị xé lẻ, đường nước nhiều đoạn bị lấp, hệ thống mới thì chưa hình thành.
Do đó, UBND huyện đã kiến nghị với UBND tỉnh Hậu Giang để có chủ trương đào những đường nước mới phục vụ sản xuất. Việc này cũng đang được địa phương phối hợp khảo sát các vị trí, lập dự toán.
Theo ông Hiếu, trước mắt nhà thầu cần nhanh chóng hỗ trợ cho bà con có diện tích lúa chết do nguồn nước nhiễm mặn từ công trình (Ngày 24/5 vừa qua, người dân đã được hỗ trợ thiệt hại đối với vụ lúa đông xuân 2023-2024 nhưng chưa được hỗ trợ vụ hè thu - PV).
Nếu lúa tiếp tục chết, sẽ kiến nghị tìm đơn vị tư vấn độc lập để xác định nguyên nhân
Về lâu dài, nếu còn xảy ra tình trạng ruộng lúa nhiễm mặn thì huyện Vị Thuỷ sẽ kiến nghị tỉnh có chủ trương tìm một đơn vị tư vấn độc lập để vào cuộc xem nguyên nhân xuất phát từ đâu.
Lãnh đạo huyện Vị Thuỷ cũng đề nghị trong thời gian tới, chủ đầu tư, nhà thầu cần có biện pháp thi công an toàn, tránh trường hợp rò rỉ các nguyên vật liệu ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa của người dân.
Theo nguồn tin của phóng viên Dân Việt, liên quan đến vụ việc trên, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo ngành chức năng lấy mẫu cát tại công trình đường cao tốc Bắc-Nam (đoạn đi qua ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy) để xác định là cát sông hay cát biển, để từ đó có hướng xử lý tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.