Trước đây, cây rau má mang lại thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm/ha cho người dân, từ ngày thay đổi phương thức canh tác..., giá trị rau má tăng lên gấp đôi, nhiều người dân xây nhà, gửi ngân hàng, lo cho con ăn học...
“Về Quảng Thọ, thấy ai làm nhà làm cửa là nhờ cây rau má mà nên cơ nghiệp đó”, ông Nguyễn Lương Bảo, 58 tuổi, ở La Vân Thượng, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, nói dứt khoát.
Ngồi cạnh ngôi nhà khang trang vừa xây dựng với kinh phí 1,5 tỷ đồng từ việc tích lũy khi trồng rau má và chăn nuôi, ông Bảo nhặt nhạnh cỏ sót trong 80 kg rau má chuẩn bị chở qua bến xe giao cho khách.
Là nông dân “chân lấm tay bùn”, ông lấy cây lúa, rau má... làm kế sinh nhai. Sau đó, ông xách gói vào Đà Lạt làm ăn. Không chịu được “một cảnh hai quê”, ông Bảo trở về quê hương.
Từ năm 2011, ông Bảo trồng lại rau má và xem như nghề chính do rau phát triển tốt, đem lại giá trị kinh tế. Từ 1.500 m2, ông Bảo mở rộng diện tích đến nay lên 1 ha, có thời điểm 1,5 ha.
“Vì chưa qua trường lớp, chưa ai nghiên cứu rau má làm thế nào nên nông dân ưa chi trồng nấy, tự mò mẫm từ cách chăm sóc đến phân thuốc... Chúng tôi làm đất, kiếm rau má mọc hoang dại, đem về trồng, chiết ra khi sống khi chết. Nhiều lúc 1,5-2 tháng mới cắt được 1 lứa, thu nhập bấp bênh...”, ông Bảo chia sẻ.
Ông Nguyễn Lương Bảo, 58 tuổi, ở La Vân Thượng, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm giàu, xây được nhà tiền tỷ nhờ trồng rau má VietGAP-loại rau tốt lành, có tác dụng cải thiện trí nhớ.
Mãi vài năm sau, thấy mô hình trồng rau má mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, để phát triển bền vững, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quảng Thọ II cùng chính quyền đưa ra chủ trương trồng rau má có quy hoạch và thực hiện đúng quy trình.
HTX được Sở và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thử nghiệm mô hình 2 ha rau má VietGAP.
Thử nghiệm thành công nên mô hình được nhân rộng, đến năm 2015 đã phát triển lên 30 ha. Thời gian đầu, nông dân bỡ ngỡ vì quen cách trồng truyền thống.
Từ chưa hiểu lợi ích của VietGAP, qua vận động của HTX cũng như thực tế mang lại, người dân thấy lợi ích và học hỏi. Quen với VietGAP, bà con tăng thêm diện tích, dẫn đến thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba, cuộc sống sung túc hơn.
Thuộc diện trồng nhiều rau má ở Quảng Thọ, anh Nguyễn Văn Thành Nhân, 37 tuổi, ở Tân Xuân Lai, đang thu hoạch 1 ha rau má. Trước đây, anh Nhân làm nghề thợ điện ô-tô, rồi lái xe... Công việc vất vả, xa nhà nên anh về trồng rau má để gần vợ con.
Rau má anh Nhân xuất đi từ bắc vào nam, mang đến thu nhập ổn định hơn cho hai vợ chồng nuôi 4 con ăn học. Trồng theo hướng VietGAP giúp rau má anh Nhân có thời gian cách ly nên rau chất lượng hơn, di chuyển xa đỡ bị hư hỏng.
Nông dân Quảng Thọ còn đúc kết nhiều kinh nghiệm như nhổ cỏ sớm khi cỏ còn non để không kịp nở hoa, quản lý sâu bệnh để xử lý kịp thời... Nhờ thương hiệu Rau má Quảng Thọ, người dân có nhiều mối tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Lương Trí, 57 tuổi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II, cho hay, trong số hơn 600 thành viên ở HTX, có gần 300 hộ trồng rau má. HTX định hướng người dân sản xuất rau má bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, thu mua và chế biến một phần sản lượng rau má...
Làm “bà đỡ” để người dân trồng rau VietGAP, HTX đã giúp nông dân nâng cao giá trị thu nhập lên gấp 2 lần. Doanh thu bình quân của HTX khoảng 4 - 4,5 tỷ đồng/năm, riêng rau má chiếm khoảng 50%.
“Trước đây khi thị trường trôi nổi, rau má mang lại thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm/ha cho người dân. Từ 2015 - 2019, giá trị rau má hơn 300 triệu đồng. Nhờ trồng rau má theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nhiều người dân giàu lên, xây nhà, gửi ngân hàng, lo cho con ăn học...”, ông Trí cho hay.
Nhờ nỗ lực của tập thể HTX, Rau má Quảng Thọ đã thành thương hiệu toàn quốc, giúp người dân có thu nhập ổn định quanh năm suốt tháng.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn cây rau má là một trong 24 sản phẩm chủ lực của Thừa Thiên Huế. HTX còn phát triển sản phẩm từ cây rau má mang thương hiệu Rau má Quảng Thọ như rau má tươi an toàn VietGAP, trà rau má Quảng Thọ túi lọc, bột matcha rau má...
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, nói: “HTX đã xây dựng thành công mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất rau má, bao tiêu sản phẩm rau má tươi cho bà con nông dân và chế biến các loại trà rau má, bảo đảm tạo nguồn thu cho HTX, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác...”.
“Quảng Thọ hiện có khoảng 70 ha rau má, trong đó có 50 ha rau má tiêu chuẩn VietGAP và 1,5ha rau má hữu cơ. Sản lượng bình quân hằng năm đạt từ 2.500 - 2.800 tấn rau má tươi. So với rau má miền nam, rau má Quảng Thọ có lá nhỏ, cọng tím, hương vị đắng nên thị trường ưa chuộng”, ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.