Dân Việt

Chủ tịch tỉnh Gia Lai thăm dự án nông nghiệp công nghệ cao quy mô nghìn tỷ

Minh Huệ 17/10/2024 16:44 GMT+7
Đoàn lãnh đạo tỉnh Gia Lai do Chủ tịch UBND tỉnh vừa có buổi thăm và làm việc tại dự án Khu trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Dự án có diện tích 53ha, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Ngày 17/10, ông Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và lãnh đạo các phòng chức năng của UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Chư Pưh, lãnh đạo xã Ia Le và đại diện các cơ quan chức năng huyện, xã đã có chuyến thị sát và làm việc tại dự án "Khu trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai", tại thôn 6, xã Ia Le, huyện Chư Pưh.

Phía chủ đầu tư có ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn và ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc Đối ngoại Công ty THHH De Heus Việt Nam. 

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thăm dự án nông nghiệp công nghệ cao vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ông Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (thứ 2 từ trái sang) cùng đoàn công tác có chuyến thị sát và làm việc tại dự án Khu trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai. Ảnh: M.H

Báo cáo với lãnh đạo địa phương, đại diện chủ đầu tư dự án - ông Vũ Mạnh Hùng cho biết, dự án "Khu trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai" có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, tổng diện tích đất 53ha. Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng các hạng mục công trình gồm: Khu chuồng nuôi chính; khu phụ trợ; các công trình bảo vệ môi trường và hạ tầng kỹ thuật. Hiện tiến độ thi công đã đạt 60% khối lượng công việc. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 12/2024.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, dự án trước đó gặp một số vướng mắc trong quá trình thực hiện khiến thời gian triển khai kéo dài hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, sau khi được sở ngành và địa phương quan tâm tháo gỡ, dự án đã được hoàn thiện các thủ tục pháp lý về xây dựng để chính thức khởi công xây dựng vào ngày 10/5/2024. 

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thăm dự án nông nghiệp công nghệ cao vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng - Ảnh 5.

Dự án Khu trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai có các hạng mục công trình gồm: Khu chuồng nuôi chính; khu phụ trợ; các công trình bảo vệ môi trường và hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: M.H

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thăm dự án nông nghiệp công nghệ cao vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Theo kế hoạch của chủ đầu tư (Công ty DHN Gia Lai), toàn bộ dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12/2026, với công suất 2.500 con heo giống cụ kỵ. Ảnh: M.H

Bên cạnh dự án trang trại, ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH De Heus Việt Nam cũng chia sẻ về kế hoạch của liên doanh De Heus - Hùng Nhơn trong việc đầu tư vào dự án nghiên cứu, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt chuẩn gắn liền với mô hình hợp tác xã kiểu mới tại khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai. 

Ông Hiếu cho biết, việc phát triển các diện tích trồng ngô không chỉ nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước, mà còn góp phần thực hiện chiến lược phát triển ngành chăn nuôi bền vững của Bộ Nông nghiệp và PTNT, qua đó tăng cường đảm bảo an ninh lương thực và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Việc phát triển các vùng trồng ngô càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nhu cầu trong nước và toàn cầu đang tăng cao.

"Gia Lai với lợi thế diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và khí hậu thuận lợi, được xem là nơi lý tưởng cho việc trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi để phục vụ chiến lược này. Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp với Tổ chức phát triển HTX Hà Lan (Agriterra) xây dựng vùng trồng ngô nguyên liệu trên cơ sở phát triển các HTX tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum", ông Hiếu thông tin, đồng thời nhận định sự kết hợp các dự án này sẽ phát huy tối đa thế mạnh đất đai và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thăm dự án nông nghiệp công nghệ cao vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, dự án không đơn thuần là dự án trang trại chăn nuôi và sản xuất lợn giống mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành nông nghiệp tỉnh. Ảnh: M.H

Đánh giá về dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - ông Rah Lan Chungcho biết, Khu trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai có tính chất đặc thù, không đơn thuần là dự án trang trại chăn nuôi và sản xuất lợn giống. Các mục tiêu của dự án sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành nông nghiệp ở địa phương, hướng tới xây dựng một chuỗi giá trị cùng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại Gia Lai và các vùng phụ cận. 

"Đặc biệt, dự án góp phần tạo thêm việc làm cho người dân địa phương và gắn kết xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương là hình mẫu về mô hình chăn nuôi hiện đại phát triển bền vững, hiệu quả và thân thiện môi trường", đại diện UBND tỉnh Gia Lai cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thăm dự án nông nghiệp công nghệ cao vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Được biết, bên cạnh dự án tại Gia Lai, chủ đầu tư này đã đưa vào hoạt động dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk (diện tích 200ha), với tổng vốn đầu tư 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng). 

Đây là tổ hợp dự án nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trong chuỗi dự án Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn hợp tác triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên. Còn tại tỉnh Lâm Đồng, liên doanh De Heus - Hùng Nhơn còn có 3 dự án chăn nuôi gà với tổng quy mô 30ha, tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng. 

Sau khi hoàn thành, chuỗi dự án DHN sẽ đưa Tây Nguyên trở thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín. Ước tính doanh thu các dự án của DHN tại Tây Nguyên sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD vào năm 2030. 

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thăm dự án nông nghiệp công nghệ cao vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng - Ảnh 6.

Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai tặng quà cho các công nhân đang làm việc tại dự án.

Ông Vũ Mạnh Hùng tự hào nói: "Liên doanh DHN còn là điểm nhấn cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Hà Lan. Năm 2022, khi hai tập đoàn ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư chiến lược tại Hà Lan, có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan. Đặc biệt, chuỗi dự án sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao của Việt Nam và châu Á".

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, thế mạnh của chuỗi các dự án DHN là ứng dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan; sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2. Dự án áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.