Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn: Tham gia mạnh mẽ vào liên kết chuỗi, chuyển đổi xanh trong chăn nuôi
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn: Tham gia mạnh mẽ vào liên kết chuỗi, chuyển đổi xanh trong chăn nuôi
Minh Huệ
Thứ hai, ngày 14/10/2024 17:35 PM (GMT+7)
"Nông dân Việt Nam có thể nhỏ bé, nhưng khi tập hợp cùng nhau, sánh vai với các doanh nghiệp lớn thì chúng ta sẽ giảm bớt rủi ro. Nhất là khi hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, họ sẽ dẫn dắt chúng ta cùng phát triển, trở thành mắt xích quan trọng", ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho hay.
Sáng nay 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024: "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lắng nghe nông dân nói".
Tại Diễn đàn, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Trưởng ban công tác kết nối Tiểu ban Nông nghiệp, Thuỷ sản (EuroCham), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn đã đại diện cho các doanh nghiệp nông nghiệp chia sẻ về thực trạng nền nông nghiệp cũng như mô hình liên kết chuỗi của Hùng Nhơn trong chăn nuôi.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất tại Việt Nam hiện nay, có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến sự ổn định và phát triển của đất nước, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành nông nghiệp của chúng ta còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, về cơ bản vẫn còn là nền nông nghiệp quảng canh, quản trị theo hình thái tiểu nông nên rủi ro cao và hiệu quả thấp, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa còn thấp hơn nữa. Các ngành công nghiệp chế biến và chế biến sâu nông sản chậm phát triển, đa phần là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Nhiều chính sách thu hút nguồn lực vào nông nghiệp không phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng chưa gắn bó với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, khó khăn không chỉ ở những vấn đề mà tôi vừa trình bày. Năm 2024 có thể nói là thời khắc khó quên khi chúng ta đang phải chứng kiến những thách thức chưa từng có. Từ các hiện tượng thời tiết bất thường, căng thẳng địa chính trị toàn cầu, cho tới suy thoái kinh tế… Tất cả đang tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp".
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các doanh nhân thể hiện sự năng động, bản lĩnh, quyết đoán để chuyển đổi mô hình phù hợp với tình hình mới. Ông Vũ Mạnh Hùng lấy dẫn chứng từ bước chuyển mình của Tập đoàn Hùng Nhơn, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
"Sau thất bại với mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, chúng tôi quyết định bắt tay với đối tác là các tập đoàn nông nghiệp lớn như De Heus (Hà Lan), đứng trong top 10 thế giới; Belga (Bỉ). Từ sự hợp tác này, Hùng Nhơn đã nhanh chóng khẳng định vị thế của một trong những tập đoàn nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt là trong chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Hiện nay, chuỗi liên kết chăn nuôi De Heus - Hùng Nhơn đang tập trung mạnh vào các mô hình liên kết HTX, tham gia xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. "Sáng nay, khi nghe nhiều ý kiến của các nông dân, chủ trang trại thì tôi nhận thấy một điều, hầu hết chúng ta vẫn làm ăn riêng lẻ. Năm 1999, Hùng Nhơn cũng chỉ là một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng sau đó tôi nhận thấy, nếu cứ làm ăn một mình như vậy thì sẽ rất khó lớn mạnh. Muốn đột phá thì phải bắt tay với các doanh nghiệp lớn hình thành chuỗi cung ứng hiện đại hơn" - ông Hùng nói.
Ví dụ trong chuỗi của chúng tôi hiện nay, Hùng Nhơn là doanh nghiệp chuyên về chăn nuôi; De Heus cung cấp thức ăn chăn nuôi, giải pháp về dinh dưỡng; Bel Gà cung cấp con giống, còn Green Chicken phụ trách giết mổ, chế biến, cùng với 1 đơn vị thực hiện xuất khẩu và hình thành một chuỗi hoàn thiện từ đầu vào tới đầu ra.
Đến nay, hệ sinh thái của Hùng Nhơn - De Heus đã phát triển trở thành một điển hình về hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Minh chứng là cơn bão số 3 vừa qua cho thấy, nếu đầu tư mạnh cho công nghệ, chuyển đổi số thì sẽ giảm thiểu được thiệt hại.
"Đặc biệt là trong chăn nuôi, nếu đầu tư nửa vời thì chúng ta sẽ "chết". Nông dân Việt Nam có thể nhỏ bé, nhưng khi cùng nhau tập hợp lại, sánh vai với các doanh nghiệp lớn thì chúng ta sẽ giảm bớt rủi ro. Nhất là khi hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, họ sẽ dẫn dắt chúng ta cùng phát triển, trở thành mắt xích quan trọng"- ông Hùng khẳng định.
Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn nói: "Chúng tôi quyết tâm "khổ trước sướng sau", cứ đầu tư rồi sẽ có ngày thành công, còn nếu không đưa ra được quyết định táo bạo thì sẽ mãi không lớn được. Nhờ suy nghĩ đó, Hùng Nhơn đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia vào chuỗi xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản.
Điều khiến tôi hạnh phúc nhất, đó là mô hình liên doanh giữa Hùng Nhơn và De Heus không chỉ giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam đón nhận "luồng gió mới" trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng bền vững, sản xuất gắn với tiêu thụ; xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo kinh nghiệm của Hà Lan…, mà còn là điểm nhấn cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Hà Lan".
Thành công điển hình nhất từ cái "bắt tay" giữa De Heus và Hùng Nhơn chính là các dự án Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN. Trong đó, Tổ hợp DHN tại Đắk Lắk đã đi vào hoạt động từ năm 2021; DHN Gia Lai cũng đang dần hoàn thiện. Đặc biệt, với cam kết đầu tư giai đoạn 2023-2030, DHN đã thống nhất đầu tư 12 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Hiện giai đoạn 1 với dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao 200 tỷ đồng đã hoàn thành tại huyện Tân Châu (Tây Ninh) và đi vào hoạt động từ quý 2. Giai đoạn 2 (2025-2030), DHN sẽ đầu tư cùng lúc 6 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng.
Đặc biệt, DHN đang khảo sát để tiếp tục thực hiện thêm 4 dự án giai đoạn 2030-2035 gồm: nhà máy sản xuất thức ăn, trang trại chăn nuôi xuất khẩu sang thị trường Halal (Hồi giáo). Tổng doanh thu của các dự án này ước đạt doanh thu trên 2 tỷ USD/năm.
Điểm nổi bật trong những dự án DHN là sử dụng công nghệ cao theo hướng bền vững. "Các dự án của DHN đều ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế ISO và Global GAP. Đặc biệt, các dự án đều sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống", ông Hùng tự hào nói.
Không dừng lại ở những điều này, Tập đoàn Hùng Nhơn còn tham gia mạnh mẽ vào xu hướng chuyển đổi xanh với mô hình "từ trang trại đến bàn ăn". Đây có thể xem là giải pháp làm thay đổi tất cả mô hình sản xuất manh mún, đứt gãy trong chuỗi giá trị và rời rạc lâu nay trên thị trường sản phẩm nông nghiệp.
"Nông dân Việt Nam chúng ta rất giỏi, nhưng khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì còn thiếu sự minh bạch; liên kết chuỗi còn yếu. Trong khi hiện nay Hùng Nhơn và De Heus đang triển khai 12 dự án khác nhau, liên kết với hàng nghìn hộ nông dân ở khắp các tỉnh thành. Quan điểm của tôi là mỗi người chỉ làm mạnh một thứ, nếu chúng ta giỏi chăn nuôi thì hãy liên kết với các công ty có thế mạnh về con giống, bán hàng chứ không nên một mình ôm tất cả" - ông Hùng chia sẻ.
Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn cũng cho biết, trong quá trình thực hiện loạt dự án, Tập đoàn đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ lãnh đạo chính quyền và các sở, ban, ngành tại địa phương, đặc biệt là trong các dự án tại DHN Gia Lai và DHN Tây Ninh.
"Mặc dù gặp phải một số thách thức liên quan đến quá trình giải tỏa, đền bù đặc biệt là khi phải thích nghi với các quy định mới của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8, song chúng tôi nhận thức đây là những thay đổi lớn buộc doanh nghiệp phải nâng cao năng lực lãnh đạo và cải tiến hệ thống thông tin, nhằm quản lý và theo dõi dự án một cách chính xác, kịp thời", ông Hùng phân tích.
Ông Hùng khẳng định: "Nhờ sự hỗ trợ và cam kết mạnh mẽ từ phía lãnh đạo chính quyền và các sở, ban, ngành, chúng tôi tin tưởng rằng các khó khăn hiện tại sẽ sớm được giải quyết và các dự án sẽ tiếp tục được triển khai thuận lợi, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương". Đồng thời, "tỷ phú gà lạnh" Hùng Nhơn cũng cam kết sẽ tiếp tục làm việc không mệt mỏi để đạt được mục tiêu này và duy trì cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đảm bảo tiến độ dự án được hoàn thành, đi vào vận hành đúng thời hạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.