Hào hùng thành phố hướng mặt trời
Dự lễ kỷ niệm có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương; ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương; ông Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương, cùng nhiều nguyên lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; nguyên lãnh đạo tỉnh Hải Dương qua các thời kỳ; Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các huyện, thị xã thành phố trong tỉnh; cán bộ, đảng viên thành phố Hải Dương.
Tại lễ kỷ niệm, ông Lê Đình Long, Bí thư Thành uỷ Hải Dương thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hải Dương đã trình bày diễn văn kỷ niệm 220 năm khởi lập Thành Đông, 70 năm ngày Giải phóng và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất.
Lãnh đạo TP. Hải Dương nhân mạnh, trong tiến trình dựng nước và giữ nước, Thành Đông được coi là "phên dậu phía Đông", của kinh thành Thăng Long. Hơn hai thế kỷ qua, Thành Đông xưa - thành phố Hải Dương nay, luôn mang trong mình tinh thần quật khởi, khí phách dũng cảm, kiên cường chống giặc ngoại xâm, cùng ý chí mãnh liệt vươn lên trong xây dựng, phát triển.
"Chúng ta mãi mãi không bao giờ quên thời khắc lịch sử, 8 giờ 17 phút ngày 30/10/1954, khi hồi còi vang lên trên nóc rạp chiếu bóng Hoà Bình cũng là lúc báo hiệu thị xã Hải Dương đã sạch bóng quân viễn chinh Pháp. Chúng ta cũng khắc ghi vào 13 giờ cùng ngày 30/10/1954, đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản; thị xã Hải Dương của chúng ta được hoàn toàn giải phóng", Bí thư Thành uỷ Hải Dương Lê Đình Long cho hay.
Từ đó, Hải Dương tham gia cùng cả nước bước vào thời kỳ mới, khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện Hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân thị xã hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững chắc, dốc sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"; từ thành phố này, hàng nghìn người con ưu tú đã tham gia bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân quân du kích, dân công hỏa tuyến, phục vụ kháng chiến, đã cống hiến xương máu, hy sinh để giành độc lập cho Tổ quốc, thống nhất đất nước.
Ghi nhận những chiến công và sự đóng góp to lớn của cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân thị xã Hải Dương, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, đặc biệt là: danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cùng với các danh hiệu cao quý được Đảng, Nhà nước trao tặng, Thành phố Hải Dương cũng đã rất vinh dự được đón Bác về thăm, lời Bác dạy: "Phải cố gắng tiến bộ", ghi nhớ lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền nhân dân thành phố luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng, lao động cần cù, sáng tạo dựng xây thành phố, góp phần xây dựng đất nước ta ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Với sự cố gắng, nỗ lực đó, năm 1997, thị xã Hải Dương trở thành đô thị loại III trực thuộc tỉnh và được Chính phủ quyết định thành lập thành phố. Phát huy truyền thống của các thế hệ cha, anh, Đảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường công tác quản lý, xây dựng phát triển đô thị, nâng cao đời sống của người dân.
Bằng quyết tâm cao, sự phấn đấu không ngừng nghỉ, Năm 2009, thành phố Hải Dương được công nhận là đô thị loại II, được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã đưa thành phố phát triển lên một tầm cao mới... và năm 2019, thành phố được công nhận là đô thị loại I.
Đây là những mốc son lịch sử quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố; với vị thế mới, thời cơ mới, thành phố được tiếp thêm sức mạnh để vững bước đi lên. Sau 220 năm khởi lập Thành Đông, 70 năm giải phóng thành phố: từ một Thành Đông xưa chỉ có diện tích chưa đầy nửa km2 , với dân số chưa đến 1000 người, thì nay, thành phố Hải Dương đã phát triển với diện tích hơn 110 km2, dân số hơn 300.000 người.
Nhìn lại chặng đường đã qua, về phát triển kinh tế, khi mới được công nhận là thành phố vào năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố chỉ đạt 200 tỷ thì nay đạt trên 120 nghìn tỷ, gấp 600 lần; giá trị sản xuất nông nghiệp là 63 tỷ đồng thì nay đạt 1.400 tỷ, gấp 22 lần. Những năm gần đây, thành phố có mức tăng trưởng kinh tế thương mại trên 14%, cơ cấu chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp.
Hiện nay, thành phố đã có 3 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%, với hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đã đóng góp quan trọng, chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu của thành phố, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Thu nhập bình quân đầu người năm 1997 là 2.9 triệu đồng/người/năm, thì nay đạt 80 triệu đồng/người/năm, gấp 28 lần.
Từ khi được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, đô thị thành phố không ngừng được đầu tư, phát triển thông qua nhiều dự án xây dựng đô thị mới với diện tích quỹ đất quy hoạch phát triển mới đô thị lên tới 1200 ha, quỹ đất ở mới gần 400ha, trong đó hoàn thành đưa vào sử dụng trên 260ha đất ở, đáp ứng được nhu cầu phát triển trên 30.000 căn hộ ở thành phố.
Cùng với đó, nhiều công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao được làm mới, nâng cấp; đời sống tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Thành phố hiện có 7 bệnh viện, mạng lưới cơ sở y tế đồng bộ ở tất cả các xã, phường để chăm cho sức khoẻ cho người dân. Công tác giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, thực chất, với mục tiêu đào tạo, phát triển giáo dục toàn diện về tri thức, thể chất, kỹ năng, đạo đức, lối sống, "Lấy học sinh làm trung tâm" ươm trồng thế hệ chủ nhân tương lai của thành phố.
Cùng với phát triển giáo dục để hướng tới tương lai, thành phố quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Thành Đông xưa- thành phố Hải Dương nay, thành phố đang giữ gìn, phát huy giá trị của hơn 300 văn hóa vật thể, gần 1000 văn hóa phi vật thể; 29 di tích được xếp hạng Quốc gia, 39 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Tại lễ kỷ niệm, thừa uỷ quyền Chủ tịch Nước, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng đã trao Huân Chương Lao động hạng Nhất cho lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ TP. Hải Dương.
Khẳng định vị thế "đầu tàu", "hạt nhân", "động lực" của thành phố trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Hải Dương
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng, chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hải Dương đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc đưa thành phố Hải Dương trở thành đô thị loại I, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hải Dương và của đất nước.
Tỉnh Hải Dương đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó xác định, Thành phố Hải Dương là đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm, đảm bảo liên kết, thúc đẩy phát triển giữa các đô thị trong tỉnh với vùng thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Sông Hồng.
Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương đề nghị Thành phố Hải Dương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố cần nhận thức sâu sắc vai trò, vị thế "đầu tàu", "hạt nhân", "động lực" của Thành phố trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Hải Dương. Chú trọng xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện; nỗ lực xây dựng, phát triển thành phố Hải Dương trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, kinh tế đô thị phát triển, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Thứ hai: Tập trung thực hiện đồng bộ Quy hoạch chung thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để mở rộng không gian đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường và hệ thống các trung tâm lớn như: trung tâm hành chính, trung tâm thể dục thể thao, công viên cây xanh, dịch vụ, khách sạn, khu vui chơi giải trí cho người dân, khách du lịch, khu vực sản xuất công nghiệp... Đồng thời rà soát, điều chỉnh bổ sung quy mô dân số, đất đai và định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật để phù hợp với mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch cấp quốc gia.
Đề nghị Thành phố cùng với tỉnh tập trung huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, thân thiện của người Thành Đông, quan tâm phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp, tạo sự phát triển chung cho tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, thu hút đầu tư; xây dựng thành phố Hải Dương trở thành đô thị thông minh, hiện đại, thành phố đáng sống, thân thiện.
Thứ ba, thực sự quan tâm công tác đảm bảo cảnh quan, mỹ quan đô thị, môi trường sinh thái; phát triển dịch vụ, văn hóa, du lịch, tạo nhiều điểm đến hấp dẫn cho nhân dân và du khách. Chú trọng phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đảm bảo giữ vững quốc phòng- an ninh trật tự trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội, vì sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.