Hướng đến đô thị loại I
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết: "Hơn 12 năm thực hiện chương trình NTM, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã góp phần làm đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, môi trường nông thôn được cải thiện, an ninh được đảm bảo, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, ý thức về vai trò chủ thể của người dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được nâng lên, thu nhập người dân ngày càng tăng".
Thành phố Tam Kỳ có 4 xã tham gia xây dựng NTM gồm: Tam Ngọc, Tam Thăng, Tam Phú và Tam Thanh. Trong đó, Tam Ngọc và Tam Thăng đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015; Tam Thanh được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2017; Tam Phú được công nhận vào cuối năm 2018 và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 474/QĐ-TTg ngày 29/3/2021.
Thực hiện Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022-2025, các xã đã tập trung thực hiện cơ bản tốt công tác duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM, xây dựng thôn NTM kiểu mẫu.
Kết cấu hạ tầng thiết yếu tiếp tục được đầu tư; lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được củng cố; an ninh trật tự xã hội cơ bản được giữ vững. Những kết quả đạt được tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu gắn với định hướng phát triển đô thị.
Giai đoạn 2021-2023, thành phố Tam Kỳ huy động nguồn lực xây dựng NTM là 195.278 triệu đồng. Trong đó: ngân sách nhà nước 26.493 triệu đồng, trung ương 7.071 triệu đồng, tỉnh 13.310 triệu đồng, thành phố và xã 6.112 triệu đồng. Tổng kinh phí ngân sách nhà nước lồng ghép từ các dự án khác 129.536 triệu đồng.
Đặc biệt, ngoài kinh phí đóng góp là 39.249 triệu đồng, nhân dân còn tự nguyện hiến đất, ngày công lao động và vật kiến trúc (tường rào, cổng ngõ, chuồng trại, nhà cửa...).
Tam Kỳ luôn xác định xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài và đạt chuẩn NTM không phải là về đích. Vì vậy, địa phương tập trung nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là các nội dung về: việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng, bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp, đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn.
Tập trung phát triển nông nghiệp đô thị
Là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam, Tam Kỳ có quỹ đất phát triển nông nghiệp còn khá ít khoảng 3.800ha/năm. Trong đó cây lúa là 2.400ha, đất nuôi trồng thủy sản 350ha, đất rau màu khác khoảng 1.000ha.
Theo ông Nam, hiện nay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh gắn với phát triển du lịch sinh thái là chủ trương, định hướng lớn được tập trung chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở và là mục tiêu phát triển của nông nghiệp thành phố Tam Kỳ từ nay đến năm 2030.
Địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; nâng cao giá trị gia tăng, ưu tiên những sản phẩm chủ lực có lợi thế và theo nhu cầu sản phẩm của xã hội.
Đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ, du lịch nông nghiệp, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thực hiện tốt việc chuyển đổi cây trồng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn; thúc đẩy tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, khởi nghiệp trong nông nghiệp.
Những năm qua, Tam Kỳ đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: trồng rau thủy canh trong nhà lưới; nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo; ứng dụng công nghệ trong mô hình sản xuất nấm linh chi, nấm bào ngư; ứng dụng năng lượng mặt trời vào trong quy trình sản xuất nước mắm tại Tam Thanh....
Ngoài ra, từ nguồn ngân sách của thành phố đã hỗ trợ hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: 94ha lúa chất lượng cao (tại Tam Thăng, An Phú, Tam Phú); 12ha lúa hữu cơ (Hòa Thuận, Tam Phú); thử nghiệm 10ha lúa giống mới thích ứng biến đổi khí hậu tại Tam Thăng; 4ha vùng rau củ quả và 23ha tại Tam Ngọc cây ăn quả gắn với phát triển du lịch Làng Cà Ban; 25ha sen phục vụ phát triển du lịch sông Đầm....
Thực hiện định hướng xây dựng thành phố Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 và xây dựng đô thị xanh, thông minh vào năm 2030, UBND thành phố định hướng mục tiêu duy trì, nâng chuẩn theo Bộ tiêu chí "Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM" giai đoạn 2021-2025; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Tam Thanh và Tam Ngọc); 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Tam Phú và Tam Thăng); 19/24 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.