Du lịch đất Long An, qua nhà cổ trăm cột, cảng quốc tế, vườn nuôi động vật hoang dã
Du lịch vùng đất Long An, qua nhà cổ trăm cột, cảng quốc tế, vườn nuôi động vật hoang dã
Thứ bảy, ngày 26/10/2024 05:42 AM (GMT+7)
Với 126 di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH), trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, Long An đang có tiềm năng lớn về việc phát triển du lịch gắn với các di tích nhằm giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, xây dựng văn hóa, con người.
Thời gian gần đây, tỉnh không ngừng nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị các di tích; đồng thời, kết nối, xây dựng các khu, điểm du lịch nhằm thu hút du khách, góp phần phát triển KT-XH.
Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn ký kết liên tịch về việc phối hợp thực hiện bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DTLS-VH gắn với phát triển du lịch, việc thúc đẩy hoạt động tham quan du lịch trong giới trẻ, học sinh, sinh viên từng bước được cải thiện.
Các tour du lịch kết hợp với tham quan DTLS trên địa bàn tỉnh được thiết kế khá phong phú, phù hợp với tiêu chí vừa giáo dục truyền thống, vun bồi tình yêu quê hương, đất nước, vừa kết hợp hoạt động vui chơi, giải trí.
Chỉ trong vòng vài phút, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh liệt kê 5 tour mẫu có thể khai thác ở cả vùng thượng, vùng hạ và Đồng Tháp Mười, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về khoảng cách, kết hợp giữa giáo dục và vui chơi, giải trí.
Hoài cổ tour vùng hạ
Vùng hạ của tỉnh vốn được khai mở sớm, có nhiều công trình nổi bật, ẩn chứa những câu chuyện đầy thu hút, giúp người đến thăm có thể hiểu hơn về đất, về người của nơi mình đến.
Ở đó, DTLS Nhà trăm cột đưa khách tham quan trở về với câu chuyện đời sống xã hội trăm năm trước và Đồn Rạch Cát là lời khẳng định về vị trí chiến lược của vùng Cần Đước, Long An. Cả 2 công trình đều xây dựng khoảng những năm 1900.
Di tích lịch sử Nhà Trăm cột (tỉnh Long An) đượm màu hoài cổ (Ảnh tư liệu).
Nhà Trăm cột là công trình nhà ở của một hương sư miền Nam trong thời Pháp thuộc, có giá trị độc đáo về nghệ thuật, thể hiện ở những hoa văn trang trí và kiến trúc của ngôi nhà.
Trong không gian đượm màu hoài cổ của ngôi nhà đồ sộ, quy mô nhất trong vùng ngày ấy, du khách có thể nếm chút bánh ngon, uống chút trà thơm và nghe chính hậu duệ của chủ nhà kể chuyện.
Cách đó không xa là pháo đài lớn nhất Đông Dương được thực dân Pháp xây dựng.
Đồn Rạch Cát không chỉ là những bức tường cao với các công trình bêtông cốt thép mà còn là công trình quân sự quy mô, án ngữ ở vị trí đắc địa có khả năng chặn được tất cả tàu thuyền từ biển muốn đến miền Đông và miền Tây của nước ta.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ giúp du khách hình dung đôi chút về lịch sử vùng Cần Đước và tự hào rằng Long An là nơi sở hữu những công trình nổi bật khó có thể tìm được ở địa phương khác.
Cảng Quốc tế Long An là điểm nhấn cho tour vùng hạ.
Sau chuyến đi “ngược dòng thời gian”, du khách có thể ghé thăm Cảng quốc tế Long Anđể hình dung cơ bản về sự phát triển của quê hương hiện tại.
Những công trình hiện đại, quy mô, những cầu cảng, tàu hàng đồ sộ mở ra một thế giới rộng lớn về sự năng động, sáng tạo và hiện đại, là nơi các du khách trẻ có thể “tựa” vào đó và “vẽ” ra ước mơ của riêng mình. Bữa trưa tại cảng hẳn sẽ là một trải nghiệm thú vị và độc đáo.
Tự hào về vùng thượng
Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa là điểm đến không nên bỏ qua nếu đến thăm huyện Đức Hòa
Ngược lên vùng thượng, tour liên kết các điểm đến: DTLS Ngã tư Đức Hòa; DTLS Vườn, nhà ông Bộ Thỏ; Vườn thú Mỹ Quỳnh lại mang đến một trải nghiệm hoàn toàn khác.
Trong chuyến đi, khách tham quan không chỉ “nhìn sâu”, hiểu rõ về một giai đoạn kháng chiến hào hùng chống thực dân Pháp của cha anh mà qua đó còn được khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Nếu không tận mắt nhìn, tận tai nghe, có lẽ học sinh sẽ không hình dung được nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn là như thế nào. Một ao nước nhỏ, một căn hầm bí mật và câu chuyện về những người cộng sản kiên trung sẽ là bài học dễ hiểu, dễ nhớ nhất về lòng yêu nước.
DTLS Ngã tư Đức Hòa - nơi diễn ra cuộc biểu tình của hơn 5.000 nông dân nhằm chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp. Đó cũng là nơi những người chiến sĩ cách mạng kiên trung ngã xuống sau Nam Kỳ khởi nghĩa.
Câu chuyện về anh em nhà cách mạng Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của nhà trí thức yêu nước Châu Văn Liêm cùng các chiến sĩ cách mạng khác sẽ được kể lại qua những thông tin, hình ảnh, mô hình,... tại khu di tích. Sắp tới đây, khu DTLS Ngã tư Đức Hòa được đầu tư xây dựng mới, chắc chắn sẽ là một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi đến thăm vùng đất Đức Hòa.
Vườn thú Mỹ Quỳnh với động vật hoang dã là điểm đến ấn tượng khi tổ chức tour tham quan các di tích lịch sử kết hợp tham quan du lịch khu vực huyện Đức Hòa.
Rời các khu DTLS, Vườn thú Mỹ Quỳnh chắc chắn là điểm đến phù hợp tiếp theo để chuyến hành trình thật sự trở nên trọn vẹn.
Vườn thú không chỉ độc đáo bởi mô hình vườn thú bán hoang dã mà còn có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí trong nhà, ngoài trời kết hợp công viên nước, phù hợp nhu cầu vui chơi, giải trí của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên.
Cần nhiều nỗ lực
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 21.000 lượt khách tham quan đến với Bảo tàng, các di tích và công trình văn hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý, trong đó, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh.
Tính chung trên toàn tỉnh, có hơn 67.000 học sinh, đoàn viên, thanh niên đến học ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại các DTLS-VH.
Đó là một con số đáng ghi nhận trong sự nỗ lực của các đơn vị cho đến giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, lượt khách ghé thăm các điểm di tích có tăng nhưng lượng du khách trong tỉnh đến các khu, điểm du lịch còn khiêm tốn.
Điều đó đặt ra nhiều vấn đề mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn, Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp làm du lịch, các trường học cần nghiêm túc nhìn nhận lại.
Những khó khăn, vướng mắc về giao thông, hạ tầng, công tác quảng bá,... được đưa ra bàn bạc, từ đó đi tới thống nhất chung là chung tay đẩy mạnh bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DTLS-VH gắn với phát triển du lịch.
Năm 2023, tỉnh triển khai Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Đây cũng là nền tảng vững chắc để đẩy mạnh việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DTLS-VH gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Văn hóa, con người Long An cần được dựng xây, vun đắp ngay từ trong gia đình, nhà trường, những tiết học, chuyến đi khơi gợi tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc trong tỉnh để mỗi học sinh, sinh viên, mỗi người trẻ hiểu thật rõ, yêu thật sâu vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.