Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Liên quan đến Quyết định 218 của Bộ Chính trị về việc về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức giám sát năm 2023 với hai chuyên đề.
Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tiến hành Giám sát việc thực hiện Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 – 2023 tại 2 huyện (Đạ Tẻh, Di Linh) và Sở NNPTNT tỉnh. Đồng thời giám sát việc thực hiện thực hiện Chỉ thị số 06 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đối với UBND TP. Bảo Lộc, UBND huyện Đức Trọng, Sở NNPTNT và Cục Quản lý Thị trường.
Đối với Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 – 2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã thành lập đoàn giám sát, tiến hành giám sát trực tiếp đối với UBND huyện Đạ Tẻh, Di Linh, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, thực hiện đề án trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu dâu tằm chất lượng cao. Đồng thời, các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng còn hỗ trợ để ổn định và nâng cao chất lượng giống tằm phục vụ sản xuất. Hiện nay, tổng nhu cầu trứng giống tằm nhập khẩu đến năm 2022 trên 1,4 triệu hộp. Bình quân mỗi năm nhập khẩu trứng giống tằm trên 300.000 hộp từ Trung Quốc, sản lượng kén tằm hơn 14.700 tấn/năm, năng suất kén đạt bình quân 40-45 kg/hộp.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng xây dựng mô hình tự động, cơ giới hóa trồng dâu, nuôi tằm; Xây dựng chuỗi liên kết tổ chức sản xuất dâu tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm kén tằm, tơ lụa; Đào tạo tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng, đề án đã giúp người dân nắm bắt được những tiến bộ kỹ thuật trong trồng dâu nuôi tằm, thể hiện tính chuyên môn hóa, chuyển dần sản xuất dâu tằm dưới hình thức phân tán, manh mún sang tập trung chuyên canh theo hướng bền vững. Ngoài ra, đề án còn giúp ngành dâu tằm đã có thể cạnh tranh và phát huy lợi thế so sánh với các cây trồng khác trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2024, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành giám sát việc thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện được 14 mô hình về các loại cây trồng vật nuôi theo hướng hữu cơ. Trong đó có 11/14 mô hình đã được cấp giấy chứng nhận hữu cơ và 3/14 mô hình triển khai trong năm 2023, chưa đủ thời gian chuyển đổi để đánh giá cấp giấy chứng nhận.
Qua 3 năm qua triển khai thực hiện đề án, Trung tâm khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với phòng và cơ quan chuyên môn của các huyện, thành phố tổ chức 31 lớp tập huấn với hơn 1.170 lượt người tham gia, giúp bà con nông dân cập nhật kiến thức và kỹ thuật chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp vô cơ sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Theo Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, quá trình giám sát thực hiện các chương trình, đề án cụ thể trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã có những kiến nghị gửi UBND tỉnh, các đơn vị được giám sát và các cơ quan đơn vị có liên quan để kiến nghị một số nội dung nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc còn tồn tại. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo điều hành kịp thời.
Đối với đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 – 2023, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cơ sở hạ tầng ngành dâu tằm tại Lâm Đồng còn thấp, thiếu đồng bộ, công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tơ còn manh mún, mang tính tự phát, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, chưa ổn định và bền vững.
Bên cạnh đó, về công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi tằm còn hạn chế, việc đào tạo, nghiên cứu chưa gắn với nhu cầu thực tiễn của sản xuất, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo nguyên ngành về dâu tằm. Hơn nữa, một số tổ chức, cá nhân cung cấp trứng giống tằm chưa đảm bảo về nguồn gốc và chất lượng, cơ sở nuôi tằm con không bảo đảm, bảo hành đối với việc nuôi tằm lớn… là những trở ngại trong việc hợp tác để phát triển bền vững.
Chính vì vậy, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phát triển ngành dâu tằm tơ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, trong đó cần chú trọng ưu tiên hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với Bộ NNPTNT để đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc cho phép nhập khẩu trứng giống tằm theo đường chính ngạch. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu để sản xuất trứng giống tằm trong nước nhằm chủ động nguồn trứng giống tằm phục vụ cho bà con nông dân trồng dâu nuôi tằm.
Đối với đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng nhận định, chi phí đầu tư ban đầu cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao, song năng suất sản lượng sản phẩm sản xuất hữu cơ giai đoạn đầu lại không cao so với sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh. Cùng với đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tương đối thấp, chưa đủ tạo động lực để khuyến khích người dân tham gia.
Hơn nữa, người làm nông nghiệp hữu cơ sẽ mất nhiều thời gian để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp vô cơ sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Thế nhưng giá thành các sản phẩm hữu cơ lại cao hơn so với các sản phẩm thông thường, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ chưa rộng rãi.
Hiện, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị tỉnh Lâm Đồng yêu cầu TP. Đà Lạt, TP. Bảo Lộc, huyện Lạc Dương, huyện Đơn Dương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện đề án, đồng thời cân đối bố trí nguồn kinh phí của cấp huyện để phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tại địa phương.
Đồng thời, kiến nghị tỉnh chỉ đạo Sở Công thương, Sở NNPTNT chủ động kết nối, liên kết và tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được tham gia giới thiệu, tiêu thụ trên các sàn thương mại, các siêu thị, điểm bán lẻ trong và ngoài tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.