Những năm gần đây, các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đây cũng là định hướng phát triển trong lĩnh vực ngành nuôi trồng thủy sản bền vững mà tỉnh đã đề ra.
Từ năm 2019 là một trong những hộ nuôi tôm thẻ ở xã Thái Thượng (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), anh Nguyễn Xuân Sử đã mạnh dạn đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng 3ha nuôi tôm công nghệ cao.
Trong đó, xây dựng hệ thống ao nuôi, ao ương dưỡng tôm giống, ao chứa, xử lý nước nuôi và xử lý nước thải cùng hệ thống công trình phụ trợ.
Từ những thành công bước đầu, anh Sử tiếp tục mở rộng mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao tại xã Thái Đô (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) trên diện tích 2ha, với tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng.
Anh Sử chia sẻ: Nuôi tôm công nghệ cao, quy trình lựa chọn giống tôm phải tốt, nuôi trong môi trường nước đã qua xử lý và đủ điều kiện về oxy, phải kiểm tra môi trường hàng ngày.
Nuôi tôm công nghệ cao giảm được dịch bệnh, sản lượng đạt cao hơn so với nuôi ở ao đất. Mỗi năm tôi nuôi được từ 3 - 4 vụ chứ không chỉ làm được 2 vụ như cách nuôi truyền thống trước đây.
Sản lượng tôm tùy vào mật độ nuôi đạt từ 18 - 25 tấn/ha. Trừ chi phí tôi lãi 300 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, để nuôi tôm công nghệ cao chúng tôi phải bỏ chi phí ban đầu rất lớn.
Được biết, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Sử được nhiều bà con nuôi tôm trong tỉnh quan tâm, đến học hỏi kinh nghiệm và đã có hộ nuôi ứng dụng khá thành công.
Anh Nguyễn Xuân Sử, xã Thái Thượng (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) kiểm tra sự sinh trưởng của tôm nuôi trong mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Còn đối với diện tích nuôi tôm công nghệ cao của ông Đào Duy Tứ, xã Nam Thắng (Tiền Hải) cứ hơn 100 ngày, gia đình lại thu hoạch 1 vụ, với sản lượng khoảng 7 tấn tôm thẻ chân trắng. Một năm 3 vụ đều đặn, sau khi trừ các chi phí giống, thức ăn, gia đình ông thu lãi 1 tỷ đồng.
Ông Tứ cho biết: Với diện tích hơn 1.500m2 , tôi chia thành 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghệ cao với mật độ nuôi khoảng 250 - 300 con/ m2 .
Để mang lại hiệu quả trong nuôi tôm, bên cạnh việc đầu tư bài bản hạ tầng ao nuôi, tôi chú trọng đến nguồn con giống mua tại cơ sở uy tín, đồng thời bản thân đúc rút kinh nghiệm về sử dụng chế phẩm vi sinh, hạn chế kháng sinh trong mỗi vụ nuôi thả.
Đều đặn kiểm tra theo định kỳ chất lượng nước và lượng thức ăn tồn dư để điều chỉnh cho phù hợp, mật độ thả và xử lý môi trường, hạn chế được dịch bệnh, bảo đảm tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.
Phát huy lợi thế từ biển, những năm qua tỉnh ta đã đẩy mạnh các giải pháp phát triển ngành kinh tế biển, biến lợi thế biển thành mũi đột phá trong phát triển kinh tế chung của địa phương.
Trong đó, các huyện ven biển đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thái Thụy là một trong hai huyện ven biển của tỉnh, có 27km bờ biển và hàng chục nghìn héc-ta bãi triều, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ.
Đến nay, Thái Thụy mở rộng được 100ha nuôi tôm công nghệ cao. Việc mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao đã giúp các hộ dân và doanh nghiệp nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế, góp phần phát triển nghề nuôi tôm theo hướng hiệu quả, bền vững, đồng thời đóng góp tích cực cho tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy hải sản của huyện hàng năm đạt trên 61.000 tấn.
Ông Lê Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy cho biết: Việc nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao rất thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi. Mô hình này còn giảm nhiều rủi ro khi xảy ra dịch bệnh từ vùng nuôi xung quanh.
Nếu khai thác tốt sẽ giúp tăng năng suất tôm và tăng số vụ nuôi/năm.
Để có được hiệu quả trong nuôi tôm công nghệ cao, các hộ dân phải quy hoạch vùng nuôi tốt, con giống phải sạch bệnh, nguồn nước bảo đảm được xử lý đúng quy trình.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) cho biết:
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Tiền Hải những năm qua đã cho kết quả khả quan, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ thành công cao.
Tiền Hải phát triển trên 100ha nuôi tôm công nghệ cao ở 7 xã ven biển, năng suất đạt từ 30 - 35 tấn/ha, tùy vào mật độ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 - 5 lần so với nuôi truyền thống.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao này ưu điểm vượt trội so với nuôi tôm truyền thống là khi thời tiết thay đổi bất lợi, mưa lớn, ao nuôi không bị phân tầng nước, không làm tôm sốc nhiệt gây chết hàng loạt.
Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình) cho biết: Để bảo đảm cho người dân và doanh nghiệp phát triển nuôi tôm công nghệ cao bền vững, Chi cục Thủy sản đã đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hai huyện ven biển có nhiều giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, trong đó có nuôi tôm công nghệ cao như: xây dựng quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Tạo điều kiện cho người dân tham quan, học tập các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả nhằm thay đổi tư duy, nâng cao kiến thức nuôi trồng thủy sản. Hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên, các địa phương phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc vay vốn của người dân.
Tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi biện pháp chăm sóc, phòng bệnh cho tôm. Nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả, theo hướng bền vững. Linh hoạt trong việc xây dựng khung lịch thời vụ thả nuôi nhằm xác định thời điểm thả giống thuận lợi nhất, giúp hạn chế rủi ro, thiệt hại, tối ưu hóa lợi nhuận cho nông dân.