Dân Việt

Vụ bé gái 5 tuổi tử vong nghi do bạo hành ở TPHCM và quy định pháp lý liên quan

T. Nam - K. Trinh 23/10/2024 18:05 GMT+7
Theo luật sư, trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng đã dùng những hung khí nguy hiểm để đánh vào những vùng hiểm yếu, khiến cháu bé tử vong do bạo hành thì có thể sẽ bị xem xét xử lý hình sự về Tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Trẻ tử vong sau vụ bạo hành ở TPHCM

Như Báo điện tử Dân Việt đã thông tin, ngày 22/10 Cơ quan CSĐT Công an quận 4, TP.HCM đang tiến hành điều tra vụ bé gái 5 tuổi tử vong với nhiều vết thương trên cơ thể. Liên quan vụ bạo hành ở TPHCM, bà Trần Thị Kim Giàu (33 tuổi), mẹ của cháu bé, đã bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.

Theo nhà chức trách, bà Giàu bị tình nghi đã có hành vi bạo hành con ruột. Qua khám nghiệm ban đầu, các vết thương trên cơ thể bé gái không trực tiếp dẫn đến cái chết, nhưng hành vi của người mẹ đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết được cho là của người cha bé gái, chia sẻ thông tin về cái chết của con gái. Nội dung bài đăng cho rằng bé gái đã tử vong tại một căn nhà ở phường 9, quận 4, và nguyên nhân dẫn đến cái chết do bị bạo hành.

Người cha bày tỏ sự đau lòng và bất ngờ trước hành động của người mẹ: "Ba đâu có ngờ, đâu có biết, đâu có nghĩ trên đời này làm gì có một người mẹ ruột nào mà nỡ hành hạ con mình đến chết như vậy đâu con".

Bạo hành trẻ em dẫn đến chết người, bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt về vụ bạo hành ở TPHCM, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Uỷ viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp cho hay, với kết quả xác minh ban đầu như vậy thì việc cơ quan điều tra tạm giữ hình sự đối với người phụ nữ này để xem xét về hành vi hành hạ con là có căn cứ và cần thiết.

Vụ bé gái 5 tuổi tử vong nghi do bạo hành ở TP HCM, người mẹ có thể bị xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Cơ quan CSĐT Công an quận 4, TP.HCM đang tiến hành điều tra vụ bé gái 5 tuổi tử vong do bị bạo hành ở TPHCM. Ảnh: Đ.X.

Theo quy định của luật hôn nhân và gia đình, cha mẹ có trách nhiệm phải yêu thương, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con cái. Pháp luật nghiêm cấm hành vi dùng bạo lực, đánh đập, hành hạ con với bất kỳ lý do gì.

Nếu quá trình xác minh cho thấy lời khai của người phụ nữ này về việc nhiều lần bạo hành, đánh đập tàn nhẫn con mình phù hợp với các dấu vết để lại trên cơ thể của nạn nhân thì có căn cứ để khởi tố người phụ nữ này về tội hành hạ con theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự. Hình phạt mà người mẹ có thể đối mặt lên tới 05 năm tù bởi cháu bé chưa đủ 16 tuổi.

Phía cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong và xác định tính chất, mức độ đánh đập hành hạ cháu bé của người phụ nữ này. Một tình tiết đáng chú ý trong vụ việc này là tại sao khi phát hiện đã tím tái lúc nửa đêm, cháu bé lại không được ngủ trên giường mà lại nằm trên bậc thang.

Theo quy định của pháp luật thì Tội hành hạ con không quy định hậu quả là nạn nhân tử vong, bởi vậy nếu nạn nhân tử vong thì sẽ xử lý về tội danh khác với mức hình phạt nghiêm khắc hơn.

Trường hợp nếu kết quả điều tra cho thấy người phụ nữ này đã dùng những hung khí nguy hiểm, những vật cứng, chắc.. để đánh vào những vùng hiểm yếu của cháu bé dẫn đến cháu bé tử vong thì sẽ xử lý hình sự về Tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự với hình phạt có thể ở mức cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình chứ không đơn giản chỉ là tội hành hạ con.

Những vụ việc hành hạ tàn nhẫn trẻ em, sát hại trẻ em bởi chính người cha, người mẹ của mình thời gian qua cho thấy đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt là trong các gia đình mà cha mẹ là người nghiện ngập, gia đình khó khăn hoặc khuyết thiếu hạnh phúc. Sự túng quẫn, bất hạnh, thêm vào đó là nhận thức, văn hóa hạn chế, lòng tham, tính ích kỷ và ý thức coi thường pháp luật khiến hành vi bạo hành, tra tấn dễ dàng xảy ra.

Bởi vậy, để giảm thiểu các vụ án mạng đau lòng mà nạn nhân là trẻ em thì cần phải có những giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài. Giải pháp trước mắt là cần tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ em.

Về lâu dài thì vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục pháp luật và kỹ năng sống là rất quan trọng. Chỉ khi nào vấn đề đạo đức và tôn trọng pháp luật được đề cao, con người có lòng yêu thương, chia sẻ, sống có kỷ luật, có nguyên tắc và có ý thức chấp hành pháp luật thì tính mạng, sức khỏe của những người xung quanh mới đảm bảo an toàn, trong đó có trẻ em.