Dân Việt

Ông cụ người Mông ở Hòa Bình kể chuyện cả bản "đoạn tuyệt" với cây quốc cấm, đó là loài cây nguy hiểm gì?

Mỹ Hằng - Diệu Linh 25/10/2024 15:04 GMT+7
Hành trình dựng bản lập làng của người Mông ở xã Pà Cò và xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình trải qua muôn vàn gian nan, thậm chí người dân nơi đây đã phải vật lộn, chịu đau thương khi đoạn tuyệt với cây thuốc phiện và ma túy để xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp hơn.

Xóa bỏ cây thuốc phiện để bản làng được yên ổn

Bà con người Mông đã gắn bó bao đời ở vùng đất đầy gian khó Hang Kia, Pà Cò. Cụ Sồng A Sía (ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò) còn khỏe và nói tiếng phổ thông rất rõ ràng, kể rằng ngày trước cái nương, cái rẫy của người Mông giáp cả đất Thanh Hóa (cách nơi ở của cụ 30km). 

Bà con làm nương ở tận đó, đi 2 ngày mới gùi được thóc về nhà. "Dịch bệnh, đói ăn, thiếu mặc và nhiều người nghiện thuốc phiện là tình trạng chung của bản Mông khi đó. Khắp cái nương, cái rẫy khi đó là màu tím và màu trắng của hoa thuốc phiện" - cụ Sía nhớ lại.

Xóa bỏ cây anh túc, bản làng bình yên, phát triển  - Ảnh 1.

Cụ Sồng A Sía (ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) kể chuyện bà con người Mông xóa bỏ cây thuốc phiện. Ảnh: T.V

"Bà con đã biết tận dụng lợi thế về cảnh quan và văn hóa bản địa để làm du lịch. Nhiều công ty, doanh nghiệp cũng đã đến địa phương để đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng. Ngành "công nghiệp không khói" đang mở ra hướng làm ăn mới cho bà con người Mông nơi đây".

Ông Khà A Lau - Chủ tịch UBND xã Hang Kia

Nhà cụ Sía đông anh em, nên ngày ngày cụ vẫn phải lên rừng phát cây, đốt nương mới có đất sản xuất. 

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là vậy, trong bản Mông còn trồng cây thuốc phiện. Cũng vào cữ này, khi sương mù bao phủ lấy bản, cái rét ùa về là lúc bà con đã gieo xong nương thuốc phiện. 

Ra xuân là cây lên nhanh, cuối xuân hoa đã nở trắng trời, trắng đất. Từ bản Pà Khôm kéo đến bản Thung Mặn của xã Hang Kia, nơi đâu cũng thấy trồng cây thuốc phiện.

Không ai bảo ai, bà con mang nhựa thuốc phiện xuống chợ đổi lấy lương thực. "Trồng cây thuốc phiện thì nhàn cái thân đấy, nhưng nó lại khiến mình sống dở, chết dở. Sau những ngày ở trên nương, mùa đông nơi này buồn như chấy cắn, nên nhiều người đã lôi thuốc phiện ra hút. Của nhà làm được, nên hút mãi thành quen, thành nghiện. Tôi cũng là thế hệ đầu tiên nơi đây nghiện thuốc phiện" - cụ Sía nói.

Khi Nhà nước có chính sách vận động bà con người Mông xóa bỏ cây thuốc phiện, người bản Mông như "chết đuối vớ được cọc". Các cuộc họp dân bản diễn ra liên miên. Nhiều người dân khi đó rất bảo thủ, chưa đồng ý làm theo. Họ cho rằng, bỏ cây thuốc phiện, bà con sống bằng gì? Bao năm đã canh tác loài cây này, hơn nữa bỏ thuốc phiện lấy gì mà hút… Biết bao luồng ý kiến ra, vào khiến công cuộc xóa bỏ thứ cây đã làm cho người dân mê mị khó vô cùng. Mấy mùa trăng qua đi, bà con thấy cụ Sía bỏ thuốc phiện mà vẫn sống khỏe, chứ không như bà con nghĩ. Từ việc của mình và gia đình mình, cụ đã đi vận động anh em họ hàng rồi mới đến bà con làm theo. Suốt những năm tháng nhọc nhằn đó, cụ đã vượt qua bao gian nan, bà con người Mông cũng mới dần quên được cây thuốc phiện.

Xóa bỏ cây anh túc, bản làng bình yên, phát triển  - Ảnh 2.

Xóa bỏ cây anh túc, bản làng bình yên, phát triển  - Ảnh 3.

Chị Sùng Y Múa (ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã mạnh dạn vay vốn mở homestay, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: T.V

Giờ đây lên bản Mông, một điều dễ nhận thấy là bà con nơi đây đã thay đổi rất nhiều về suy nghĩ, lối sống. Họ quan tâm nhiều hơn tới việc ăn, việc học của con em mình. Ốm đau họ đã đến trạm xá, nhiều hủ tục đã dần được xóa bỏ. Một cuộc sống mới trên đỉnh Pà Cò đã đang mở ra.

Giờ đây lên bản Mông, một điều dễ nhận thấy là bà con nơi đây đã thay đổi rất nhiều về suy nghĩ, lối sống. 

Họ quan tâm nhiều hơn tới việc ăn, việc học của con em mình. Ốm đau họ đã đến trạm xá, nhiều hủ tục đã dần được xóa bỏ. Một cuộc sống mới trên đỉnh Pà Cò đã đang mở ra.

Du lịch mở hướng thoát nghèo

Cách đây 20 năm (1990), ở xứ sở miệt rừng này đã có một người đàn ông Mông là Khà A Gia (ở bản Hang Kia, xã Hang Kia), đã biết mở cửa nhà đón khách thăm bản. 

Việc làm của ông Gia là khá lạ lẫm so với công việc của bà con người Mông nơi đây. Khi đó, đường lên 2 xã vùng cao này còn gian nan lắm. Vậy mà khách Tây lại rất thích đi vào cung đường này và tìm hiểu văn hóa bản địa.

Ông Gia đón khách về ăn ngủ, tại nhà. Dần dần ngôi nhà gỗ thâm nâu quanh năm chìm trong sương mù ấy trở thành địa điểm lưu trú quen thuộc. Có khách đến ở là gia đình ông có thu nhập. 

Ông Gia rất lấy làm tự hào về cách làm của mình: "Khách đến, mình làm các món ăn mà người Mông ăn hàng ngày. Mọi sinh hoạt của dân tộc mình giữ nguyên, vậy mà du khách lại thích lắm. Ấy dà, mình không phải vất vả trên nương mà nhà không thiếu gì ngô, thóc" - ông Gia chia sẻ.

Tiếp nối sự thành công từ mô hình "đón khách vào nhà ở" của ông Gia, chị Sùng Y Múa (ở bản Hang Kia) cũng mạnh dạn vay vốn mở homestay (mô hình khách đến ở và sinh hoạt cùng chủ nhà). Chị làm bài bản, nơi lưu trú sạch sẽ có nhà vệ sinh, nhà tắm hiện đại. 

Không dừng lại ở việc đợi khách tìm đến, Y Múa còn quảng cáo, giới thiệu dịch vụ của mình lên mạng. Cách làm của Y Múa đã mang lại hiệu quả. Khách kéo đến ngày một đông, có những ngày Y Múa phải chuyển khách sang ở nhờ những nhà người thân.

Xóa bỏ cây anh túc, bản làng bình yên, phát triển  - Ảnh 4.

Sau mỗi năm trôi qua, Y Múa mở rộng homestay của mình. Giờ nhà Y Múa có đủ khả năng đón cả trăm khách. "Sau mỗi năm đón khách, mình lại rút ra nhiều kinh nghiệm làm du lịch. 

Homestay ngày một hoàn thiện hơn. Nhiều công ty lữ hành đã coi khu nghỉ của gia đình thành đối tác quan trọng. Không chỉ khách Tây, khách nội địa cũng tìm đến nhà mình ngày một nhiều hơn" – chị Y Múa chia sẻ.

Hang Kia, Pà Cò nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, vào mùa hoa mơ, hoa đào nở nơi này đẹp tựa miền cổ tích. 

Từ cách làm của ông Gia và Y Múa, gờ đây đã có nhiều homestay được mở ra. Nói như ông Khà A Lau - Chủ tịch UBND xã Hang Kia, bà con đã dần thay đổi nhận thức. Họ đã biết tận dụng lợi thế về cảnh quan và văn hóa bản địa để làm du lịch. 

Nhiều công ty, doanh nghiệp cũng đã đến địa phương để đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng. Ngành "công nghiệp không khói" đang mở ra hướng làm ăn mới cho bà con người Mông nơi đây.

Sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của bà con người Mông đã dần đẩy lùi tệ nạn đã từng tồn tại cả mấy thập kỷ. 

Hang Kia, Pà Cò từng là điểm nóng về ma túy, nhưng mấy năm gần đây, 2 địa danh này trở thành điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa là những chuyến săn mây kỳ thú... 

Anh Giàng A La - Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia chia sẻ: Với mong muốn xây dựng Hang Kia trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, các thành viên của HTX đã đầu tư trồng hoa, tạo cảnh quan, quan tâm nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như tham quan vườn mận, trang trại cam rộng 15ha của HTX…