Rắn hổ mang, con động vật hoang dã to dài sợ bệnh phổi này nuôi ở Vĩnh Phúc, dân thu tiền tỷ
Con động vật to dài, dữ tợn, "sợ bệnh phổi" này được một nông dân Vĩnh Phúc nuôi thành công, thu tiền tỷ
Thanh Huyền (Cổng TTĐT Vĩnh Phúc)
Thứ sáu, ngày 25/10/2024 08:41 AM (GMT+7)
Nhờ kiên trì, cần cù, chịu khó, ông Phùng Văn Cương, thôn 4, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đã gây dựng thành công mô hình nuôi rắn hổ mang, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng từ loài động vật có nguồn gốc hoang dã này.
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, trước những khó khăn, ông Cương phải bươn trải nhiều nghề để kiếm sống.
Thế nhưng, cái nghèo vẫn cứ đeo bám lấy gia đình. Năm 1997, ở địa phương có một số hộ gia đình gây nuôi rắn hổ mang thành công và cho thu nhập khá, ông Cương mạnh dạn tìm tòi, học hỏi.
Ông Cương trút hết vốn liếng tích lũy được để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi hơn chục con rắn hổ mang sinh sản.
Thế nhưng, mọi thứ không được như kỳ vọng, sau hơn 10 năm chăn nuôi, năm 2008, đàn rắn hổ mang của ông Cương bị bệnh phổi, chết gần hết.
Với phẩm chất của người lính cụ Hồ không khuất phục trước những khó khăn, thử thách, từ số rắn ít ỏi còn sót lại, ông Cương bắt tay vào việc gây nuôi lại đàn rắn.
Mô hình nuôi rắn hổ mang vốn là một loài động vật hoang dã của gia đình ông Phùng Văn Cương, thôn 4, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).
Ông Cương tích cực tìm hiểu về đặc tính của loài rắn độc-rắn hổ mang; ông học cách phòng, trị bệnh cho rắn hổ mang, nhất là phòng bệnh phổi cho rắn hổ mang qua sách, báo, ti vi...
Ông cũng học hỏi kỹ thuật nuôi rắn hổ mang, kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang-loài rắn độc có nguồn gốc từ động vật hoang dã này từ các hộ đi trước ở địa phương. Mất khoảng 2 năm, ông bắt đầu cho xuất bán lứa rắn thương phẩm đầu tiên.
Ông Cương vừa chăn nuôi rắn độc thương phẩm, vừa nhân giống rắn hổ mang số lượng rắn và đầu tư chuồng trại mở rộng quy mô.
Đầu năm 2018, ông đầu tư hàng tỷ đồng để mua một ô đất rộng hơn 200m2 và xây dựng chuồng trại chăn nuôi rắn độc quy củ với hệ thống làm mát, quạt thông gió để rắn sinh trưởng và phát triển tốt.
Mỗi ô rắn hổ mang, ông xây dựng theo thiết kế chuẩn, xếp tầng vừa tiết kiệm diện tích, vừa tiện cho việc chăm sóc và xuất bán.
Đến nay, gia đình ông Cương có 2 khu chăn nuôi rắn hổ mang quy củ với hơn 2.000 con rắn to nhỏ các loại.
Mỗi năm, gia đình ông xuất bán hàng chục nghìn quả trứng rắn hổ mang và từ 5- 6 tạ rắn hổ mang thịt, cho doanh thu gần 1 tỷ đồng.
Ông Cương cho biết: Nuôi rắn hổ mang lãi nhất là ở vụ trứng rắn. Thông thường, mỗi một con rắn hổ mang cái đẻ từ 20- 25 quả/vụ và đẻ liên tục trong vòng 1 tháng.
Với giá bán trứng rắn hổ mang hiện nay dao động từ 60- 80 nghìn đồng/quả, gia đình có thể thu về từ 1-2 triệu tiền trứng/con rắn cái. Còn giá rắn hổ mang thịt hiện nay là 600-700 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, cho thu lãi từ 200- 300 nghìn đồng/con.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi rắn hổ mang, ông Cương cho biết: “Rắn hổ mang thường hay bị bệnh phổi, ướp xác khiến rắn chậm lớn và bị chết.
Vì vậy, để đảm bảo cho rắn sinh trưởng và phát triển tốt, cùng với việc xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, cứ 2- 3 ngày, phải dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ và cho ăn thêm thuốc kháng sinh phòng bệnh.
Nuôi rắn hổ mang tốn ít thức ăn, nhân công lao động vì từ 2- 3 ngày mới phải cho ăn 1 lần.
Tuy nhiên, rắn hổ mang là loại rắn cực độc, vì vậy, trong quá trình nuôi phải thật sự cẩn thận, nhất là vào mùa giao phối, rắn hổ mang thường rất dữ tợn và hay tấn công người”.
Hiện nay, nghề nuôi rắn đang gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.
Vì vậy, ông Cương cũng như những người nuôi rắn ở Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) mong muốn tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vào đầu tư các cơ sở chế biến rắn thương phẩm trên địa bàn để sản phẩm rắn có đầu ra ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.