Mưa xuống đi vô rừng nhặt thứ ốc "tẩm bổ" này ở Hòa Bình, chưa ra khỏi cửa rừng đã có người chờ mua

Thứ năm, ngày 30/06/2022 12:38 PM (GMT+7)
Vào mùa mưa, ốc núi chính là một đặc sản được nhiều người dân trong tỉnh Hòa Bình bỏ công sức leo lên các dãy núi cao để tìm kiếm. Công việc thời vụ này đem lại thu nhập thêm cho nhiều hộ gia đình nhưng đầy vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Bình luận 0

Vào mùa mưa, ốc núi chính là một đặc sản được nhiều người dân trong tỉnh bỏ công sức leo lên các dãy núi cao để tìm kiếm. Công việc thời vụ này đem lại thu nhập thêm cho nhiều hộ gia đình nhưng đầy vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Vào mùa mưa, ốc núi là đặc sản được nhiều người dân trong tỉnh ưa chuộng. Ảnh chụp tại xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc). 

Trước đây, người dân đi bắt ốc núi về chỉ để chế biến món ăn, cải thiện bữa ăn của gia đình. Hơn 10 năm trở lại đây, với hương vị thơm ngon đặc trung, ốc núi trở thành đặc sản được tư thương tìm mua khắp các bản làng. 

Luồn rừng săn loài ốc chỉ bò ra khi vào mùa mưa, thương lái săn mua, kiếm chục triệu mỗi vụ - Ảnh 1.

Vào mùa mưa, ốc núi là đặc sản được nhiều người dân trong tỉnh Hòa Bình ưa chuộng. Ảnh chụp tại xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc).

Các xã vùng sâu, vùng cao nằm dọc dãy núi Trường Sơn thuộc các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn là những nơi có nhiều ốc núi. Theo chia sẻ của bà con nơi đây, mùa đi "săn” ốc núi là khoảng từ tháng 4 - 10 hằng năm. Những tháng còn lại khi thời tiết trở lạnh, mưa ít thì ốc núi đi ngủ đông, để bắt được loài ốc này rất khó, bởi chúng vùi mình sâu dưới đất và các thảm lá cây mục. 

Sau thời gian ngủ đông, vào khoảng đầu tháng 4, khi có sấm báo hiệu mùa mưa, loài ốc này bắt đầu thức dậy. Khi đó, nhiều bà con lại luồn sâu vào những cánh rừng để bắt ốc. 

Bà Bùi Thị Khuy, xóm Rên, xã Gia Mô (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) năm nay gần 50 tuổi nhưng đã có đến gần 30 năm đi bắt ốc núi. Theo bà Khuy chia sẻ, khi còn nhỏ, bà thường đi theo mẹ vào rừng bắt ốc núi. Sau những đợt nắng nóng kéo dài, khi có mưa xuống là thời điểm đi bắt ốc lý tưởng nhất, bởi ốc sẽ bò lên mặt đất để kiếm ăn.

Hơn chục năm trở lại đây, ốc núi được lùng mua, cung không đủ cầu nên bà Khuy và nhiều người dân trong xóm cũng như các xã lân cận đã coi việc đi bắt ốc là công việc giúp họ cải thiện thu nhập. 

Bà Khuy cho biết, trước đây, giá ốc chỉ từ 20 - 30 nghìn đồng/kg. Mấy năm trở lại đây, giá tư thương mua cao hơn nhiều. Năm nay, đầu vụ lên tới 80 - 90 nghìn đồng/kg, hiện ở mức 60 - 70 nghìn đồng/kg.

Thay vì đi bắt ốc núi vào ban ngày, bà con chuyển sang đi soi ốc vào ban đêm. Để đến được những khu rừng có nhiều ốc, họ phải cuốc bộ vài giờ đồng hồ. Công việc vất vả, nguy hiểm, nhưng hôm nào may mắn có thể bắt được 5 - 7 kg ốc. Tính ra lúc được giá cao, thu nhập ngót nửa triệu đồng mỗi đêm, cả vụ ốc có những người thu nhập được cả chục triệu đồng. Nhưng cũng nhiều hôm họ về tay trắng.

Anh Bùi Văn Tuấn (huyện Lạc Sơn) là người có nhiều năm đi thu mua ốc núi giao cho các khu du lịch. Theo anh Tuấn chia sẻ, do bà con chủ yếu đi bắt ốc vào ban đêm nên nhiều hôm, anh và các khách mua đóng "chốt” ở cửa rừng để thu mua ốc của bà con đi soi về. Thông qua facebook, từ đầu vụ năm nay, anh Tuấn đã đăng bài thu mua ốc núi, cua núi ở khắp các hội, nhóm trên mạng xã hội. 

"Mấy năm trở lại đây, nhu cầu thu mua ốc núi cao, bà con bắt được bao nhiêu cũng được thu mua hết. Ốc núi được chúng tôi giao cho các khu du lịch, như huyện Mai Châu và một số tỉnh lân cận. Ốc núi ở Hòa Bình được đánh giá có chất lượng thơm ngon hơn so với một số tỉnh khác” - anh Tuấn cho hay.

Không khó để tìm thấy sự có mặt của món ốc núi ở trong thực đơn của các nhà hàng hay khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Như ở bản Lác, xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), ốc núi được chế biến thành nhiều món ăn ngon và là một trong những đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng. 

Anh Hà Công Quyết, hộ làm dịch vụ du lịch tại bản Lác chia sẻ: Với bà con dân tộc Thái, từ xa xưa, ốc núi đã là một món ăn ngon với hương vị đặc biệt. Vào mùa mưa, bà con cũng lên rừng bắt ốc để cải thiện bữa ăn gia đình. Những năm qua, khi du lịch phát triển, nhu cầu thu mua ốc núi để phục vụ du khách ngày càng cao. Do đó, các hộ làm du lịch ngoài thu mua ốc của người dân địa phương còn nhập ốc nơi khác về. 

Ngoài chế biến theo cách truyền thống, người dân bản Lác còn sáng tạo ra nhiều món ngon độc đáo từ ốc núi. Như ốc núi nộm với củ kiệu, xào sả ớt, hấp sả, được du khách đánh giá cao.

Cung không đủ cầu, giá thu mua ở mức cao nên ốc núi vẫn được nhiều người dân lên núi đi "săn” sau mỗi cơn mưa. Đây là công việc giúp họ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. 

Tuy nhiên, công việc này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, thực tế đã có những người đi bắt ốc bị tai nạn, thậm chí đã có người tử vong khi đi soi ốc núi (1 trường hợp tại xã Lỗ Sơn (Tân Lạc). Hay gần đây nhất, vào giữa tháng 5 vừa qua, báo chí đưa tin về trường hợp 2 người phụ nữ thuộc xã Yên Đồng, huyện Yên Mô (Ninh Bình) bị lạc nhiều ngày trong rừng khi đi bắt ốc núi.


Viết Đào (Báo Hoà Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem