Ngày 23/10, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024; triển khai kế hoạch năm 2025 vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và phổ biến Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa”.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, sản xuất lúa cả năm 2024 của 3 vùng trên ước đạt 1.030.000ha, năng suất ước đạt 60,48 tạ/ha; sản lượng ước 6.229 nghìn tấn, tăng 15,6 nghìn tấn so năm 2023.
Đến nay, tại vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cơ quan chức năng đã cấp 549 mã số vùng trồng xuất khẩu, với hơn 40.000ha, gồm các loại cây trồng. Cấp 284 mã số vùng trồng nội địa, với gần 1.770.000ha, gồm các loại cây trồng và cấp mã 117 mã số đóng gói cho các loại rau và quả.
Tại hội nghị, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết địa phương gặp khó khăn trong việc cấp mã số vùng trùng. Tỉnh có hơn 5.000ha đang chờ để được cấp mã số vùng trồng, điều này gây ra nhiều bất lợi cho nông dân.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, việc cấp mã số vùng trùng đã được Bộ triển khai cụ thể, có văn bản đến từng địa phương. Việc chưa được cấp mã số vùng trồng là do cấp tỉnh làm việc chưa hiệu quả.
Ông Trung nêu ví dụ, Đắk Lắk là một trong những nơi có diện tích sầu riêng rất lớn, Bộ rất ưu tiên trong việc cấp mã số vùng trồng, nhưng địa phương không duy trì được. Cho đến giờ, 2/3 diện tích trồng sầu riêng của cả nước đã cho thu hoạch, nhưng không xuất được qua Trung Quốc.
"Trong khi đó sầu riêng ở nước ta hiện nay gần 99% là xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu vẫn tiếp tục thu hoạch trái chín, trái ương, trái non lộn xộn như vậy thì hậu quả rất khó lường", ông Trung bày tỏ.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết thêm, việc quan trọng nhất là cần duy trì được mã số vùng trồng. Nhiều mã số vùng trồng đã được cấp nhưng kiểm soát chưa tốt, chưa có đủ cơ sở để báo cáo phía Trung Quốc. Đối với những mã số vùng trồng bị tạm ngưng, cần sớm tháo gỡ để có thể xuất hàng hóa, từ đó hướng đến phê duyệt các mã số mới.
"Chúng ta rất mong muốn được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng, tuy nhiên chúng ta lại không đảm bảo được yêu cầu của họ đề ra. Thẩm quyền là ở phía họ nên rất khó để đạt được nếu vẫn tiếp tục không đảm bảo. Nỗ lực, đôn đốc là ở Bộ nhưng quan trọng nhất vẫn là ở địa phương", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
Thông tin thêm tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có một số tồn tại. Việc tổ chức sản xuất chưa theo kế hoạch và định hướng của địa phương, còn mang tính tự phát. Phổ biến là hình thức thuê đất của nông dân trồng lúa để trồng cây cam sành, khai thác nhanh và ngắn hạn gây bất ổn trong tiêu thụ.
Một số diện tích nông dân trồng với nguồn giống có chất lượng cây chưa đạt yêu cầu; chưa thực hiện đúng kỹ thuật lập vườn. Khi khai thác cây ăn quả thiếu kiến thức và phương tiện, dẫn đến chất lượng không cao, chưa đồng bộ về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sự liên kết giữa sản xuất và thu mua để tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, người sản xuất chưa nắm bắt kịp thời tín hiệu thị trường nên giá cả bấp bênh, chưa ổn định.
Cơ sở hạ tầng chưa kịp đáp ứng yêu cầu, việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn quả đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Các địa phương cũng chưa hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.