Kiểm tra các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng ngành nông nghiệp Đắk Lắk khuyến cáo nhiều vấn đề
UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu công khai các mã số vùng trồng, mã đóng gói sầu riêng đã được công nhận
Công Nam
Thứ bảy, ngày 03/08/2024 06:39 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở NNPTNT phối hợp chặt chẽ với Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng (Bộ NNPTNT), Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan nắm chắc tình hình xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, công khai các mã số vùng trồng, mã đóng gói sầu riêng đã được công nhận.
Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh sầu riêng, Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Đoàn Kiểm tra số 716. Qua kiểm tra đơn vị vừa phát hiện một số vấn đề cần khắc phục để giữ vững chất lượng, uy tín sản phẩm sầu riêng Krông Pắc.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh sầu riêng, Sở đã thành lập Đoàn Kiểm tra số 716.
Theo đó, Đoàn Kiểm tra số 716 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với HTX Nông nghiệp Uyên Điệp Krông Pắc tại Thôn 19/5, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc.
Qua kiểm đếm có 100 thùng đóng gói quả sầu riêng tươi đã dán mã số vùng trồng VN-GLOR-0177 và mã số cơ sở đóng gói VN-SGPH-014 mỗi thùng 9kg.
Được biết, Hợp tác xã Nông nghiệp Uyên Điệp Krông Pắc có mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk số VN-DLPH-059. Tuy nhiên, hợp tác xã này chưa sử dụng để xuất khẩu sầu riêng.
Ông Nguyễn Văn Điệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Uyên Điệp cho biết, việc dán mã vùng trồng do đối tác mua sầu riêng thực hiện.
Đoàn kiểm tra số 716 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (gọi tắt là Công ty Dũng Thái Sơn) tại thôn Tân Mỹ, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk. Kho hàng hiện tại đang được kiểm tra là địa điểm thu mua, đóng gói quả sầu riêng tươi của Công ty Dũng Thái Sơn thuê lại của Công ty TNHH MTV cà phê - Ca cao tháng 10.
Qua kiểm tra, Công ty Dũng Thái Sơn có 3 cơ sở tại huyện Krông Pắc (kho thu mua, đóng gói quả sầu riêng tươi để xuất khẩu). Tuy nhiên, chỉ có 1 trụ sở chính có đăng ký kinh doanh.
Thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở này chưa đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Cụ thể, quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng; khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh. Đoàn kiểm tra cũng đã lấy mẫu sản phẩm trái sầu riêng tại cơ sở này để gửi đi phân tích chất lượng.
Được biết, thị trường tiêu thụ sầu riêng chủ yếu của Đắk Lắk là Trung Quốc chiếm đến 90% sản lượng. Cùng với đó, thị trường này đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng đối với mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh sầu riêng, Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Đoàn Kiểm tra số 716 để kiểm tra các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng.
Do đó, Sở NNPTNT Đắk Lắk tỉnh khuyến cáo, để ngành hàng sầu riêng bền vững, cần xây dựng chiến lược lâu dài về chất lượng, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần khắc phục những tồn tại trên để giữ vững chất lượng, uy tín sản phẩm sầu riêng Krông Pắc cũng như thương hiệu sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng vừa có công văn về việc quản lý hoạt động thu mua, xuất khẩu sầu riêng vụ mùa 2024. Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở NNPTNT phối hợp chặt chẽ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng (Bộ NNPTNT), Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, nắm chắc tình hình xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, kịp thời phát hiện, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi gian lận thương mại, nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý và sử dụng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng để xuất khẩu không đảm bảo quy định.
Đồng thời, công khai các mã số vùng trồng, mã đóng gói sầu riêng đã được công nhận và hồ sơ đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt một cách minh bạch; sớm hình thành quy chuẩn về quy trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và xuất khẩu sầu riêng để triển khai thực hiện đồng bộ và khoa học.
Nghiên cứu, đề xuất hình thành chuỗi liên kết theo hướng tổ chức chuỗi liên kết từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý, kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, hình thành vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Sớm đưa vào quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất, cơ sở sản xuất, bãi thải….
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tiếp nhận, thiết lập hồ sơ đề nghị cấp mã vùng trồng, mã đóng gói theo đúng quy trình, quy định; tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện việc đăng ký mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; chủ động dự báo thị trường trong nước và khu vực để khuyến cáo, tuyên truyền người dân không phát triển sầu riêng ồ ạt…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.