Ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) ông Lê Văn Thương được xem là người tiên phong trong việc áp dụng mô hình bao dí lưới trên đồng ruộng để giữ nguồn lợi cá đồng, đem về hiệu quả kinh tế cao.
Ông Thương cho biết, đồng đất ở xã Mỹ Tú thuộc vùng trũng, nên khi kết thúc vụ lúa hè thu, bà con không thể sản xuất tiếp vụ lúa vì vào mùa nước nổi.
"Hơn 5 năm trước, nhìn cánh đồng nhà mình bỏ hoang khi nước lũ về, tôi nghĩ ra cách dùng lưới bao dí quanh ruộng để giữ cá đồng tự nhiên, nhưng không ngờ cho thu nhập vài chục triệu đồng chỉ sau 4 tháng nước dâng", ông Thương nói.
Ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) ông Lê Văn Thương được xem là người tiên phong trong việc áp dụng mô hình bao dí lưới trên đồng ruộng để giữ nguồn lợi cá đồng, đem về hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, 3ha đất của ông Thương đang nuôi cá đồng tự nhiên và ông thả thêm cá mè hoa, dự tính sẽ cho thu nhập vài chục triệu đồng trong thời gian sắp tới. Ảnh: Hồng Hồng.
Theo lão nông này, ban đầu khi thấy ông lấy lưới bao dí đồng ruộng, nhiều người cười vì cho rằng cách làm này không mang lại hiệu quả, chỉ tốn công, tốn sức. Nhưng thực tế nguồn thu từ cách làm này qua các mùa nước nổi đã làm cho bà con thay đổi cách nhìn, và dần làm theo.
Hiện tại 3ha đất ruộng của gia đình ông Thương đã được bao dí lưới sau khi kết thúc vụ lúa hè thu vừa qua. Theo ông Thương, ngoài việc bao lưới xung quanh ruộng để giữ nuôi nguồn cá đồng tự nhiên, ông còn thả thêm 10kg giống cá rô đồng, và 10 kg giống cá mè hoa để tăng sản lượng.
"Cá mè hoa hiện nuôi được 3 tháng đạt trọng lượng 1kg/con. Đặc biệt là nguồn cá đồng tự nhiên năm nay nhiều, với số cá này dự tính sẽ cho thu nhập cao khi thu hoạch chúng sắp tới để xuống giống vụ lúa đông xuân", ông Thương nói và cho biết, mùa nước nổi năm 2023, bằng cách làm này đã đem về nguồn thu hơn 40 triệu đồng cho gia đình.
Mô hình dùng lưới bao dí để giữ nguồn lợi cá đồng trong tự nhiên ở xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng hiện đã trở thành phố biến, khi ngày càng có nhiều bà con áp dụng. Chính quyền xã Mỹ Tú cho biết, ban đầu chỉ vài hộ nuôi theo cách làm này, nhưng hiện nay toàn xã có đến vài chục hộ, với diện tích nuôi lên đến 300ha đất. Ảnh: Hồng Hồng.
Ông Lê Quốc Khởi - Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú cho biết, do địa phương có địa hình trũng thấp. Sau khi thu hoạch lúa hè thu xong, khoảng tháng 8 nước bắt đầu từ thượng nguồn đổ về kết hợp trời mưa, nên nước dâng lên ngập đồng, nhiều năm trước, bà con thường bỏ hoang đồng ruộng vào mùa này. Những năm gần đây, thấy cách làm của ông Thương mang lại hiệu quả kinh tế, nên ngày càng có nhiều người làm theo.
Theo ông Khởi, xuất phát từ vài hộ đầu tiên, hiện nay mô hình đã phát triển ở hầu hết tất cả các ấp trên toàn xã Mỹ Tú. "Như ở ấp Mỹ Hoà, lâu nay bà con thường bỏ đồng, không sản xuất trong mùa nước nổi, nhưng 2 năm nay, sau khi tham quan, tìm hiểu và biết được hiệu quả kinh tế của mô hình bao dí lưới nuôi cá đồng mang lại nên nhiều hộ đã kết hợp thực hiện mô hình", ông Khởi nói.
Anh Phạm Văn Đổi, ngụ ấp Mỹ Hoà cho biết, trong mùa nước nổi năm 2023, anh và một số bà con chọn 10ha ruộng để bao dí lưới xung quanh. Ngoài việc giữ nguồn cá đồng tự nhiên, anh còn thả thêm 50kg cá giống, cuối vụ cũng thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng.
"Từ thành công ban đầu, mùa nước nổi năm nay, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích lên 20ha, với 10 hộ tham gia. Hiện cá nuôi và cá đồng nhanh lớn nên dự kiến cho thu hoạch cao hơn nhiều so với năm rồi", anh Đổi nói.
Để giúp bà con nông dân phát triển mô hình này, Phòng NNPTNT huyện Mỹ Tú còn hỗ trợ cho mỗi hộ nuôi. Theo đó, mô hình nào nuôi với diện tích 20ha sẽ được hỗ trợ 300 kg cá giống và lưới bao, riêng người nuôi đối ứng vốn 50%.
Ngành nông nghiệp địa phương cho biết, sau nhiều năm triển khai, mô hình nuôi bằng cách bao dí lưới ở xã Mỹ Tú đã trở nên phổ biến. Đây là mô hình có vốn đầu tư ít, dễ thực hiện, trong khi thức ăn của cá đều tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên tại ruộng.
Với hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình nuôi cá đồng vào mùa nước nổi như cách làm này được xem là mô hình nông nghiệp bền vững, mô hình nuôi thuỷ sản thuận thiên.