Dân Việt

Thêm tỉnh thành siết chặt quản lý học sinh sử dụng điện thoại: Chuyên gia nói gì?

Tào Nga 29/10/2024 06:59 GMT+7
Cùng với Hà Nội và một số tỉnh thành, Sở GDĐT TP Hải Phòng vừa có văn bản tăng cường quản lý việc sử dụng điện thoại di dộng trong nhà trường.

Siết chặt quản lý học sinh sử dụng điện thoại

Theo Sở GDĐT TP Hải Phòng, hiện nay, việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong cơ sở giáo dục trên địa bàn còn nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học.

Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, Sở đề nghị các đơn vị căn cứ điều kiện thực tế hướng dẫn cụ thể việc quản lý điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau khi kết thúc tiết học cuối trên lớp, trường. Học sinh chỉ được phép mang điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng vào lớp học để sử dụng trong các giờ học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép.

Thêm tỉnh thành siết chặt quản lý học sinh sử dụng điện thoại: Chuyên gia nói gì?- Ảnh 1.

Học sinh quận Ba Đình, Hà Nội cùng quản lý điện thoại trước giờ vào lớp. Ảnh: PGDDT

Tại Hà Nội, Sở GDĐT nhấn mạnh vai trò quản lý của hiệu trưởng. Động thái cụ thể và mạnh mẽ này của Sở nhận được sự đồng tình của đông đảo phụ huynh học sinh. Tùy vào điều kiện thực tế, Ban giám hiệu và các giáo viên nhà trường quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp. Trong các tiết học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép thì học sinh được mang điện thoại di động và thiết bị thu, phát sóng vào lớp học sử dụng.

Trước đó, Thông tư số 32 của Bộ GDĐT về việc ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định: "Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép". Đây được xem là "hợp thức hóa" nội quy bởi nhiều năm qua các trường đã áp dụng các quy định nhưng chưa có văn bản chính thức nào.

Chuyên gia cho biết: "Nên linh hoạt"

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Phạm Quốc Toản, Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Phó ban chuyên môn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ: "Tôi không ủng hộ việc cấm học sinh sử dụng điện thoại vì các em cần liên lạc với phụ huynh và thầy cô chủ nhiệm, thậm chí dùng để khai thác thông tin online (học sinh cấp 2-3). Thời đại số hóa mà cấm thì không hợp lý. Vấn đề là chúng ta phải kiểm soát, quản lý sử dụng. Ở trường chúng tôi, học sinh sẽ nộp cho giám thị khóa vào tủ vào đầu giờ học, cuối giờ sẽ trả lại. Khi cần dùng thì các em báo lại cho giáo viên".

Thêm tỉnh thành siết chặt quản lý học sinh sử dụng điện thoại: Chuyên gia nói gì?- Ảnh 2.

Tủ cất điện thoại tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: NVCC

Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình, vào đầu giờ sáng, mỗi học sinh sẽ bỏ điện thoại cá nhân vào chiếc hòm quản lý chung của lớp, cán bộ lớp có nhiệm vụ giám sát việc này. Bên cạnh đó còn có thầy cô giám thị thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm; tránh trường hợp học sinh quên hoặc cố tình không cất dẫn đến mất tập trung trong giờ học.

Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) cũng không cho phép học sinh sử dụng điện thoại khi đã vào tiết học. Việc quản lý điện thoại được tiến hành bằng cách thức tương tự, đó là lớp chuẩn bị sẵn một chiếc hộp, học sinh trước khi vào lớp sẽ được nhắc nhở để điện thoại ở chế độ yên lặng và lần lượt bỏ điện thoại vào đó, tránh ảnh hưởng đến chất lượng giờ học.

Còn theo Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) Nguyễn Cao Cường, khi đến trường, học sinh không được dùng điện thoại trong lớp nếu chưa được phép của giáo viên. Trường hợp học sinh mang điện thoại đến trường, điện thoại của học sinh được quản lý ở hộp cất điện thoại di động vào đầu mỗi buổi học và trả lại khi buổi học kết thúc.

Chuyên gia Đào Ngọc Cường bày tỏ: "Hiện nay việc có nên cho học sinh mang điện thoại đến trường hay không đang là vấn đề rất nóng. Điều này tôi cũng đã nhiều lần trao đổi với lãnh đạo các phòng giáo dục. Khi đi họp cho con, chính tôi đã đề xuất cấm học sinh mang điện thoại đến trường.

Có người đề xuất cho mang đến nơi bỏ tủ khóa lại lớp trưởng cầm chìa khóa lỡ may mất, hỏng điện thoại… hoặc lớp trưởng ốm sẽ thế nào. Rất nhiều tranh luận được đưa ra. Tuy nhiên giải pháp nào cũng sẽ có những mặt chưa tốt.

Vậy nên việc cấm học sinh mang điện thoại đến trường trên tinh thần đề xuất của phụ huynh sẽ tốt hơn. Vì bản thân giáo viên cũng không tự ý cấm học sinh được. Cần thiết giáo viên tạo bình chọn trong nhóm zalo của lớp. Sau đó lấy ý kiến số đông để tránh việc phụ nói giáo viên tự ý. Khi học sinh mang điện thoại đến lớp lợi thì ít nhưng hại thì nhiều. Trước đây chưa có điện thoại mọi việc vẫn diễn ra bình thường nên giờ con không mang điện thoại cũng sẽ có cách đơn giản quản lý con".

Chuyên gia Giáo dục Bùi Khánh Nguyên, tốt nghiệp cử nhân Văn học Anh - Mỹ, Đại học quốc gia Hà Nội, Thạc sĩ Giảng dạy tiếng Anh tại Đại học Benedictine, Hoa Kỳ, cho biết: "Cho học sinh sử dụng điện thoại hay không cho sử dụng ở trường – Đây là lựa chọn chứ không phải đúng sai. Phương án nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực, vì vậy, nhà trường và phụ huynh cần thống nhất phương án để thực hiện tốt nhất". 

"Chúng ta thấy rõ ràng tác hại của việc trẻ nhỏ sử dụng điện thoại. Màn hình điện thoại không đủ rộng và cỡ chữ không đủ lớn gây hại mắt và học sinh sử dụng điện thoại không kiểm soát được thời gian. Theo tôi, không nên cho học sinh sử dụng điện thoại. Nếu để các em giữ liên lạc hàng ngày thì cần có sự linh hoạt hoặc có cách khác giữa cha mẹ và nhà trường để tốt nhất cho đứa trẻ. Còn để giải trí thì không cần thiết. Đặc biệt, trong giáo dục không khuyến khích sử dụng điện thoại, iPad, laptop có thể sử dụng để tra cứu thông tin. Điện thoại bản chất là để liên lạc, không phải dụng cụ để học tập trong trường học", chuyên gia Khánh Nguyên nói.