Hồi là một trong những cây trồng chính, là đặc sản của Lạng Sơn, mang lại giá trị kinh tế cao. Trước đây, do phương pháp canh tác chủ yếu dựa vào tự nhiên, ít chăm sóc, năng suất của cây hồi thường không ổn định và phụ thuộc vào thời tiết. Nhận thấy tiềm năng kinh tế lớn từ loại cây này, từ năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các hộ dân tại xã Bình Phúc để nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây hồi, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đến năm 2022, mô hình trồng hồi hữu cơ chính thức được triển khai tại xã Bình Phúc, mở đầu cho bước chuyển mình quan trọng trong phát triển cây hồi. Với sự hướng dẫn sát sao từ các cán bộ khuyến nông, bà con đã dần làm quen với phương pháp canh tác hữu cơ, từ cách bón phân hữu cơ đến các biện pháp phòng trừ sâu bệnh sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
Để giúp bà con nhanh chóng thích nghi với phương pháp canh tác mới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Quan đã tổ chức các khóa tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, thu hoạch và bảo quản hồi. Anh Vi Văn Hải, Tổ trưởng Tổ hợp tác hồi hữu cơ Bình Phúc chia sẻ: “Hiện, tổ hợp tác có 35ha diện tích trồng hồi, với 15 hộ gia đình tham gia. Trước đây, bà con ít chăm sóc cây nên năng suất không cao. Nhờ sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông chuyển sang canh tác hữu cơ, bà con được tập huấn cách bón phân, tỉa cành, phòng sâu bệnh sinh học. Khi áp dụng phương pháp này, cây hồi ít sâu bệnh hơn, quả to đẹp hơn, năng suất và chất lượng sản phẩm cũng ổn định hơn”.
Bên cạnh những thuận lợi, người dân vẫn đối mặt với một số thách thức. Sản lượng cây hồi, mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào thời tiết. Tuy nhiên, theo anh Hải, việc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ đã giúp bà con sản xuất ổn định hơn, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Canh tác hữu cơ không chỉ cải thiện năng suất mà còn giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Phương pháp này khuyến khích bà con sử dụng phân bón hữu cơ thay vì các loại phân hóa học.
Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm hồi hữu cơ được đánh giá cao hơn, giá bán cũng ổn định hơn so với phương pháp canh tác truyền thống. Trung bình, mỗi hecta hồi hữu cơ mang lại thu nhập khoảng 50 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trước đây.
Sự thành công của mô hình trồng hồi hữu cơ tại xã Bình Phúc không thể thiếu sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Với các khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản, bà con nông dân đã thay đổi được cách tiếp cận, tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, các cán bộ khuyến nông luôn sát cánh cùng bà con trong suốt quá trình triển khai, giúp giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong canh tác.
Ông Lăng Văn Tuấn, nông dân phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Tham quan mô hình trồng hồi hữu cơ tại Bình Phúc giúp tôi học hỏi được rất nhiều điều. Cách chăm sóc, quy trình canh tác tại đây rất bài bản, giúp cây phát triển tốt hơn và cho sản lượng cao hơn. Sau khi về, tôi sẽ cố gắng áp dụng những gì học được để mở rộng quy mô sản xuất và cung cấp giống tốt hơn cho bà con”.
Khẳng định hướng đi bền vững…
Mô hình trồng hồi hữu cơ tại Bình Phúc đã chứng minh được hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn mặt môi trường. Năng suất cây hồi đã được cải thiện đáng kể, đạt 3 - 4 tấn/ha, tăng gấp đôi so với trước. Việc sử dụng phân bón hữu cơ cũng giúp người dân tiết kiệm chi phí, nâng cao lợi nhuận và bảo vệ sức khỏe. Khi áp dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ, cây hồi không chỉ khỏe mạnh, ít sâu bệnh mà còn cho quả to đẹp, hương thơm đậm đà hơn. Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá trị sản phẩm hồi Lạng Sơn trên thị trường trong nước và quốc tế.
“Nhờ có mô hình này, bà con bây giờ rất chăm chỉ, chịu khó bón phân, tỉa cành, chăm sóc cây đúng cách. Chi phí canh tác hữu cơ không quá cao nhưng lợi ích mang lại rất lớn. Không chỉ tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn, giá bán ổn định hơn”, anh Vi Văn Hải chia sẻ thêm.
Anh Hải cho biết, anh và các thành viên trong tổ hợp tác dự định sẽ mở rộng diện tích canh tác, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. “Hiện tại, nhu cầu về sản phẩm hồi hữu cơ đang rất lớn. Chúng tôi sẽ cố gắng nhân rộng mô hình này, giúp bà con trong vùng có thêm thu nhập, tạo điều kiện cho sản phẩm hồi Lạng Sơn không chỉ được biết đến ở trong nước mà còn vươn xa ra các thị trường quốc tế”, anh Hải nói.
Nhờ những nỗ lực này, ở Bình Phúc đang dần hình thành mô hình nông nghiệp bền vững, nơi người dân cùng nhau phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo an toàn cho môi trường.
Tìm hướng phát triển vùng nguyên liệu hồi bền vững
Để khai thác hiệu quả giá trị của sản phẩm hồi Lạng Sơn, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn cũng đã tổ chức tọa đàm: "Giải pháp thâm canh cây hồi nâng cao giá trị và phát triển bền vững".
Tại tọa đàm, ông Vũ Kỳ Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương là rất cần thiết để không chỉ tăng thu nhập mà còn tạo ra thương hiệu riêng biệt. Tỉnh Lạng Sơn có hơn 48.000 ha hồi, hồi Lạn Sơn đang đứng trước cơ hội lớn để nâng cao giá trị nhờ các biện pháp thâm canh khoa học, nhất là khi thị trường tiêu thụ quốc tế ngày càng mở rộng.
Theo thống kê, sản lượng hoa hồi khô tại Lạng Sơn đạt từ 10.000-16.000 tấn/năm, năng suất trung bình đạt khoảng 0,57 tấn hoa hồi khô/ha/năm, với giá trị ước đạt 1.700 tỷ đồng/năm, góp phần quan trọng vào tăng trưởng giá trị của ngành lâm nghiệp. Đây là nguồn thu nhập ổn định và là niềm tự hào của người dân Lạng Sơn.
Tuy nhiên, các phương pháp thu hoạch và chế biến hiện nay vẫn còn thủ công, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm và năng suất cây hồi.
Chính vì vậy, các đại biểu tham dự tọa đàm đều nhất trí, cần sớm triển khai những mô hình thâm canh hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào tất cả các khâu sản xuất để ổn định chất lượng và nâng cao giá trị cây hồi.
Được biết, tỉnh Lạng Sơn đã và đang có những chương trình hỗ trợ bà con cải thiện quy trình sản xuất, hướng dẫn trồng hồi theo chuẩn VietGAP và ứng dụng các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế tác động của sâu bệnh; ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó có cây hồi. Chính sách này bao gồm việc nâng cao quy trình kỹ thuật sản xuất, cải tạo diện tích trồng cây hồi, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hồi.
Những chương trình khuyến khích trồng cây hồi hữu cơ, kết hợp với nghiên cứu khoa học nhằm cải tiến giống cây trồng, đều là những bước tiến quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành hồi của tỉnh.
Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các giải pháp thâm canh cây hồi, nhằm đảo bảo chất lượng và năng suất ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước.