Vaccine - “lá chắn” phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả

Nhật Anh – Phạm Ngọc Thứ ba, ngày 29/10/2024 18:28 PM (GMT+7)
Trong tháng 9 và 10/2024, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP)tiếp tục xuất hiện ở nhiều địa phương, như Nghệ An, Ninh Thuận, Trà Vinh...
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho rằng, để phòng chống DTLCP, các địa phương cần vào cuộc một cách kịp thời, quyết liệt, đặc biệt cấp bách chỉ đạo tổ chức tiêm phòng vaccine bởi hiện nay đó là "lá chắn" hiệu quả nhất để phòng chống dịch bệnh này.

Dịch vẫn tiếp diễn, thiệt hại lớn

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, đến cuối tháng 10/2024, toàn tỉnh có trên 58 ổ dịch tại 15 huyện chưa qua 21 ngày. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 240 ổ dịch. Tổng số lợn tiêu hủy hơn 8.000 con, với tổng trọng lượng trên 420 tấn. Các địa phương có số lượng ổ DTLCP nhiều nhất bao gồm Anh Sơn, Yên Thành, Đô Lương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Tương Dương…

Vaccine - “lá chắn” phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả - Ảnh 2.

Chủ một trại nuôi ở Bến Tre tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn. Ảnh: N.V.C

Ông Trần Võ Ba - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là, chưa tiêu hủy triệt để, kịp thời dẫn đến DTLCP kéo dài. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng được yêu cầu phòng bệnh, đặc biệt là tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn lợn thịt; việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát chặt chẽ...

Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NNPTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa, lũ theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT. Chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng dịch cho đàn vật nuôi mùa mưa lũ...

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, đối với những xã có dịch phải tiến hành phun khử trùng, rải vôi bột phòng ngừa; lập chốt, cắm biển báo vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp; thành lập tổ tuần tra lưu động để kiểm tra vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, tiến hành tiêu hủy lợn ốm chết theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn huyện, tuyệt đối không để người dân tự tiêu hủy.

Đối với các xã chưa có dịch thực hiện tốt 6 không: "Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa khi chưa qua xử lý nhiệt; không sử dụng nước ao hồ, kênh mương chưa qua xử lý dùng để tắm và cho lợn uống".

Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là, chưa tiêu hủy triệt để, kịp thời dẫn đến DTLCP kéo dài. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng được yêu cầu phòng bệnh, đặc biệt là tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn lợn thịt; việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát chặt chẽ...

Tại Long An, theo Sở NNPTNT tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, DTLCP xảy ra tại 48 hộ thuộc 25 xã tại 8 huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Bến Lức với tổng tiêu hủy trên 1.400 con, tổng trọng lượng tiêu hủy gần 77 tấn

Tại Hà Giang, ổ DTLCP xuất hiện trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 6/2024 đã gây thiệt hại lớn đối với người chăn nuôi. Theo Chi cục Thú y Hà Giang, từ khi xuất hiện ổ DTLCP đến cuối tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 24 ổ dịch tại 6 huyện, thành phố trong tỉnh. Số lượng lợn bị tiêu hủy trên 2.300 con với trọng lượng gần 105 tấn.

Vaccine được chứng minh hiệu quả phòng bệnh tốt

"Các ổ dịch phát sinh thời gian qua chủ yếu tại những địa bàn chưa tiêm vaccine. Do vậy, ngoài các giải pháp an toàn sinh học, thì theo tôi, tiêm vaccine Dịch tả lợn châu Phi vẫn là tấm "lá chắn" phòng bệnh hiệu quả nhất".

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú ý (Bộ NNPTNT)

Trước tình hình DTLCP xảy ra và lan rộng ở nhiều địa phương trong nửa đầu năm 2024, hồi tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Về phía Bộ NNPTNT cũng đã thường xuyên, liên tục có cảnh báo, chỉ đạo và yêu cầu để kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là DTLCP.

Lãnh đạo Cục Thú ý cho hay, triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã thành lập trên 35 đoàn công tác đến 35 tỉnh, thành phố kiểm tra thực tế, chỉ rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh DTLCP lây lan diện rộng và nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp và yêu cầu các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NNPTNT.

Theo đánh giá của các đoàn công tác, qua kiểm tra, điểm chung là chính quyền các cấp còn rất chủ quan, lơ là, nhất là người đứng đầu chính quyền khi không kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầy đủ, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được quy định, chỉ đạo rất đầy đủ của Thủ tướng, Bộ NNPTNT. "Đặc biệt không hoặc chậm chỉ đạo tổ chức tiêm vaccine cho đàn lợn. Mặc dù đã có vaccine DTLCP nhưng các địa phương và người chăn nuôi chưa tổ chức tiêm phòng cho đàn lợn thịt; công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời..." – lãnh đạo Cục Thú y cho biết.

Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ việc rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn lợn và số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm vaccine phòng bệnh DTLCP; trên cơ sở đó phê duyệt kế hoạch, ưu tiên bố trí kinh phí mua vaccine tập trung và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, cùng thời điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ NNPTNT tại Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 về việc sử dụng vắc xin phòng bệnh DTLCP...

Theo ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y, thực tế, để tổ chức tiêm vaccine thương mại, Cục Thú y và các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y 40 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp tổ chức tiêm phòng giám sát. Tính đến cuối tháng 7/2024 đã có hơn 650.000 liều vaccine được sử dụng, chất lượng đạt 100%. Lợn sau tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%.

Nhiều địa phương đã tiêm vaccine nên đã kiểm soát tốt dịch bệnh như tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Bến Tre, Trà Vinh. Còn tại các tỉnh dịch bùng phát mạnh và lan rộng như Bắc Kạn, Lạng Sơn, nhiều hộ chăn nuôi đã tiêm vaccine nên đàn lợn của họ đều được bảo hộ an toàn, phát triển tốt và nhiều hộ đã xuất bán, trong khi các hộ xung quanh không tiêm nên các đàn lợn đều đã bị bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy.

"Đến nay khẳng định vaccine DTLCP đã được chứng minh an toàn và có hiệu quả phòng bệnh rất tốt trong thực tiễn sản xuất tại nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. Các ổ dịch phát sinh thời gian qua chủ yếu tại những địa bàn chưa tiêm vaccine. Do vậy, ngoài các giải pháp an toàn sinh học, thì theo tôi, tiêm vaccine DTLCP vẫn là tấm "lá chắn" phòng bệnh hiệu quả nhất" - ông Nguyễn Văn Long nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem