Nghệ An ban hành công điện khẩn không để dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành công điện khẩn số 43/CĐ-UBND về việc chủ động kiểm soát, xử lý kịp thời, hiệu quả dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Đặc biệt, công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan, UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại cơ sở nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh. Đối với các địa phương đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi tập trung mọi nguồn lực để xử lý, khống chế dịch kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi, chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đặc biệt, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Xem xét trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Địa phương nào không chỉ đạo quyết liệt trong công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, đạt tỷ lệ thấp, để dịch bệnh động vật lây lan ra diện rộng, có người chết do bệnh dại... gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu phê bình trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Người chăn nuôi ở Nghệ An chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy gia súc chết do dịch bệnh
Vừa qua, Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An đã tổng hợp hồ sơ hỗ trợ cho người chăn nuôi trên địa bàn chịu thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2023. Đồng thời đơn vị này cũng đã có văn bản gửi Sở Tài chính xem xét, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh với tổng số tiền là 132 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đặng Văn Minh – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An cho biết: Tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã nộp hồ sơ về thiệt hại cho Sở NNPTNN. Đơn vị cũng đã tổng hợp và trình UBND tỉnh Nghệ An. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An giao cho Sở Tài chính và Sở NNPTNT tham mưu để báo cáo Bộ Tài chính để chi trả số tiền thiệt hại. Hiện đang chờ phê duyệt để chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi trên địa bàn.
Theo báo cáo từ Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An, từ năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 21 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, buộc tiêu hủy gần 63.200 con, tổng trọng lượng hơn 3.550 tấn.
Đối với bệnh viêm da nổi cục, cùng thời gian này làm hơn 9.800 con gia súc ốm, mắc bệnh, trong đó buộc tiêu hủy hơn 2.450 con, tổng trọng lượng 331 tấn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, người chăn nuôi ở Nghệ An có gia súc chết vì dịch bệnh chưa nhận được hỗ trợ trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2023.
Người chăn nuôi có gia súc phải tiêu hủy do dịch bệnh mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ suốt nhiều năm. Vì thế, tại những buổi tiếp xúc cử tri các cấp, nhiều cử tri Nghệ An đề nghị cơ quan chức năng sớm chi trả tiền hỗ trợ dịch bệnh trên gia súc để người dân có nguồn vốn tái đàn, phục hồi sản xuất chăn nuôi.
Nguyên nhân của việc người dân chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy gia súc bị bệnh do từ năm 2021 đến 2023 dịch bệnh tác động nghiêm trọng nhưng tỉnh Nghệ An không có căn cứ để áp dụng việc hỗ trợ gia súc bị dịch bệnh. Nút thắt chỉ được tháo gỡ khi Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 8108 về việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục.
Ngay sau đó, Sở NNPTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành các công văn liên quan nhằm hướng dẫn các địa phương làm hồ sơ hỗ trợ gia súc bị thiệt hại do 2 loại dịch bệnh nêu trên. Tuy nhiên, do thời gian hỗ trợ kéo dài, số lượng vật nuôi bị tiêu hủy quá lớn... nên các địa phương mất nhiều thời gian để rà soát, tổng hợp.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra một số loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm, bệnh dại... Hiện, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khá phức tạp với 58 ổ dịch tại 21 huyện, thành, thị chưa qua 21 ngày. Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan ra diện rộng rất cao.