Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung và bán con giống không còn xa lạ đối với người dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tiêu biểu là hộ gia đình anh Quan Văn Tiệp sinh năm 1975 trú tại tổ 2, phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Mỗi năm nhà anh Quan Văn Tiệp thu lãi từ mô hình nuôi hươu lấy nhung, bán hươu giống được hơn 400 triệu đồng.
Khi bước chân vào cửa chuồng nuôi hươu rộng 350 m2 của nhà anh Tiệp, chúng ta sẽ thấy hệ thống chuồng trại được thiết kế rất khoa học với các ô chuồng được xây dựng thành từng dãy, để thuận tiện cho việc chăm sóc hươu cũng như tách chuồng, đổi chuồng.
Mỗi ô chuồng có kích thước 2 x 2,2 m; cao 1,5 m làm bằng chất liệu gỗ để tránh gây thương tích cho hươu và cũng có thêm 2 khu chuồng to mỗi chuồng rộng 80 m2 để nhốt hươu cái và hươu con khi tách mẹ.
Tất cả các ô chuồng anh đều thiết kế hệ thống nước uống tự động, mặt sàn chuồng bằng nền đất sử dụng đệm lót sinh học để xử lý phân và tránh lúc hươu chạy nhảy bị bật móng, trên mái chuồng lắp đặt hệ thống phun mưa tự động để làm mát chuồng khi thời tiết nóng.
Chỉ cần nhìn vào đã đủ để biết chủ trang trại chăn nuôi hươu có niềm đam mê và rất tâm huyết với con hươu.
Khi được hỏi về quá trình khởi nghiệp, anh Tiệp chia sẻ: Vào một dịp đi công tác tại tỉnh Hà Tĩnh anh được tham quan trang trại nuôi hươu, trong thời điểm đó tỉnh Tuyên Quang chưa có ai nuôi hươu trong chuồng.
Vì vậy, năm 2009 anh quyết định mua 03 con hươu giống (01 đực, 02 cái) tại trang trại nuôi hươu sao Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh về nuôi thử nghiệm. Do không có vốn để đầu tư anh quyết bán con xe máy Wave Alpha - phương tiện đi lại duy nhất của gia đình và vay thêm người thân để đi mua hươu về nuôi.
Mới đầu nuôi anh cũng gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi hươu thực tế. Khi mang hươu về nuôi thì mấy con hươu đều bị tiêu chảy, chướng hơi còi cọc, anh lại đi đến các trại nuôi hươu các tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, lấy thuốc chữa.
Sau 1 năm nuôi, anh hiểu được tập tính cũng như quy trình chăm sóc nên con hươu phát triển khỏe mạnh. Năm 2010, anh mua thêm 7 con hươu về nuôi để mở rộng đàn, có thời điểm đàn hươu của anh phát triển lên đến 70 con.
Sau thời gian nuôi có hiệu quả và phát triển ổn định, năm 2017 anh nghỉ hẳn việc tại Công ty Lâm sản Tuyên Quang để ở nhà chăm sóc hươu và tư vấn hỗ trợ các hộ có nhu cầu nuôi hươu.
Khu vực nuôi hươu cái sinh sản của gia đình anh Quan Văn Tiệp, nguyên là kỹ sư lâm nghiệp. Mô hình nuôi hươu sao bán nhung hươu, bán hươu giống của gia đình anh Tiệp ở phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Anh Tiệp chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi hươu không khó nhưng cần phải chú ý: Thức ăn của hươu chủ yếu là rau cỏ, củ quả và lá cây; cần thường xuyên thay đổi các loại thức ăn xen kẽ, đảm bảo ngon miệng để tránh hươu chán ăn.
Giai đoạn hươu lên nhung cần bổ sung thêm chất tinh bột như ngô, lúa, sắn cho hươu ăn để tăng cường chất dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe và trọng lượng. Để hươu phát triển tốt, khỏe mạnh phải chú trọng nguồn thức ăn sạch.
Khi cho hươu ăn phải để ý xem lá cây có sâu cuốn lá, trứng sâu hay không, nếu ăn phải những thứ này, hươu rất dễ bị đầy hơi, tiêu chảy. Khi hươu bị tiêu chảy anh thường cho ăn lá mít, chuối và giảm tinh bột; chướng bụng thì giã tỏi cho ăn, viêm phổi thì tiêm thuốc.
Những bệnh thường gặp ở hươu chủ yếu là bị tiêu chảy và chướng bụng chỉ cần điều chỉnh thức ăn cho hươu là được.
Nguồn nước phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ. Mùa hè, hươu cần được cung cấp 6 - 8 lít/con/ngày, mùa đông cần từ 4 - 6 lít/con/ngày, vì vậy mùa hè hệ thống nước trong chuồng hươu nhà anh mở cả ngày; mùa đông thì mở buổi trưa để đàn hươu chủ động tự uống nước.
Để đảm bảo nguồn thức ăn có độ tươi xanh, an toàn không thuốc bảo vệ thực vật, gia đình anh đã cải tạo 1,0 ha đất để trồng cỏ voi, ngô sinh khối và cây chuối lấy lá làm thức ăn hàng ngày.
Ngoài ra, xung quanh trại nhà anh còn trồng thêm mít để lấy lá làm thức ăn cho hươu vào mùa đông khi thiếu cỏ. Với kinh nghiệm 15 năm nuôi hươu, trang trại của anh Tiệp trở thành địa chỉ cung cấp con giống và tư vấn kỹ thuật uy tín.
Nhiều hộ chăn nuôi ở các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Lai Châu, Yên Bái và Hà Nội đều nhập giống hươu nhà anh và được anh tận tình giao giống tận nơi, tư vấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật về cách dựng chuồng, làm nền để áp dụng đệm lót sinh học cho đến cách chăm sóc, vệ sinh, phòng bệnh cho hươu, kỹ thuật chăm sóc đảm bảo hươu sinh trưởng, phát triển tốt ít dịch bệnh.
Trang trại hươu của gia đình anh Tiệp chủ yếu là khai thác nhung và bán hươu giống. Hươu đực nuôi lấy nhung từ 2 tuổi bắt đầu cho thu hoạch nhung, lượng nhung thu được lần đầu tiên chỉ khoảng 100-200 gram/con, con hươu trưởng thành 1 năm thu được khoảng 0,8 -1 kg/con, nếu chăm sóc tốt và hươu đực cho cắt nhung 2 lần/năm.
Lượng nhung thu được tỷ lệ thuận với số tuổi và trọng lượng của hươu nên hươu nuôi càng lớn lượng nhung thu được sẽ càng nhiều. Thời gian nhung mới nhú đến lúc cắt là 45 ngày khi nhung hươu đủ dinh dưỡng, không nên để quá già sẽ mất giá.
Giá nhung bán ra thị trường là 2 triệu đồng/lạng. Đối với hươu giống, anh xuất bán con giống khi được 4 - 5 tháng tuổi, giá con cái giống là 13 triệu đồng/con; hươu đực giống bán 15 triệu đồng/con. Thị trường tiêu thụ nhung chủ yếu là người dân địa phương, khách vãng lai mua làm quà và các nhà hàng.
Hiện nay, trang trại của anh đang có tổng hơn 40 con, trong đó 17 con hươu đực đang cho khai thác nhung, còn lại là hươu cái sinh sản và hươu con.
Mỗi năm anh thu được gần 20 kg nhung và xuất bán được hơn 30 con hươu giống. Tổng trừ các loại chi phí, đàn hươu cho thu lãi hơn 400 triệu đồng. Dự kiến trong thời gian tới gia đình anh sẽ mở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm nhung hươu tới khách hàng.
Mô hình nuôi hươu của gia đình anh Tiệp đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với nuôi hươu, gia đình anh tận dụng thêm diện tích ao rộng gần 3000 m2 để nuôi thêm cá và vịt bầu Minh Hương, mỗi lứa nuôi 1.000 con, mỗi năm nuôi gối được 4 lứa thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND phường Tân Hà (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Mô hình nuôi hươu của gia đình anh Quan Văn Tiệp là một mô hình hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Là một tấm gương lao động sản xuất giỏi được mọi người học tập và làm theo, anh Tiệp cũng là người sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc phòng trừ bệnh đối với hươu. Hy vọng trong thời gian tới sẽ nhân rộng được càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đem lại thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.