Dân Việt

Ông Gabor Fluit- Tổng Giám đốc De Heus châu Á: Muốn có nông thôn tốt, phải có những người chăn nuôi tốt

Minh Huệ 01/11/2024 11:33 GMT+7
Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực nông nghiệp và 5-10 năm tới, chúng ta có nhiều cơ hội để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra toàn cầu. Với suy nghĩ đó, De Heus luôn lấy người nông dân là trung tâm, là “chìa khóa” cho chiến lược phát triển kinh doanh của mình.

Ông Gabor Fluit – Tổng Giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn De Heus cho biết như vậy về những thay đổi của ngành chăn nuôi Việt Nam trong 15 năm qua.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á: Muốn có nông thôn tốt, phải có những người chăn nuôi tốt - Ảnh 1.

Ông Gabor Fluit – Tổng Giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn De Heus.

Chăn nuôi Việt Nam phát triển vượt bậc trong khu vực Đông Nam Á

Ông Gabor Fluit cho biết, De Heus tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2008. Những năm đầu, công ty tập trung sản xuất và cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các đại lý, trang trại lớn, sau đó De Heus tham gia mảng sản xuất con giống (heo, gà). Bởi muốn giúp người chăn nuôi thành công thì bên cạnh thức ăn tốt, phải có con giống tốt.

Gần đây, De Heus tiếp tục tham gia vào mảng giết mổ, chế biến với nhà máy Green Chicken tại huyện Thường Tín (Hà Nội), tham gia mạnh mẽ vào các chuỗi liên kết chăn nuôi lớn. Trong đó De Heus giữ vai trò chính trong việc cung cấp thức ăn, con giống, bên cạnh đó còn giúp cho người chăn nuôi thiết kế chuồng trại, nguồn tài chính, giúp họ tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

15 năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam có nhiều thay đổi rất lớn. Trước đây phần lớn là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi vài chục con heo, vài trăm con gà, nhưng bây giờ người tham gia chủ yếu là trang trại lớn. Nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì 15 năm qua, chăn nuôi Việt Nam phát triển rất nhanh, đặc biệt là áp dụng nhanh các công nghệ, kỹ thuật mới.

"Tôi có nhiều dịp đi thăm các nước mà De Heus đang có nhà máy thì thấy, ở một số quốc gia, người chăn nuôi rất e ngại đổi mới công nghệ, bởi họ luôn cho rằng công nghệ của họ đã tốt rồi. Trong khi người Việt Nam thì luôn muốn thử nghiệm cách làm mới, ví dụ như áp dụng các phần mềm tự động hoá trong trang trại.

Thứ 2, thị trường chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước những khó khăn về dịch bệnh, sự cạnh tranh của các công ty lớn. Nếu muốn tiếp tục chăn nuôi, bắt buộc phải áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài. Bên cạnh đó, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, người chăn nuôi nhỏ cũng gặp nhiều thử thách hơn về thị trường khi ngày càng có nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu giá rẻ tràn vào. Và các hộ chăn nuôi thích nghi rất nhanh khi họ chủ động từ bỏ một số phân khúc không còn phù hợp" – ông Gabor nhận định.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á: Muốn có nông thôn tốt, phải có những người chăn nuôi tốt - Ảnh 4.

Công nhân đang đóng gói sản phẩm tại nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của De Heus Việt Nam.

Mặc dù có tốc độ phát triển nhanh, nhưng theo ông Gabor, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng bị giảm sức cạnh tranh khi đang phải nhập khẩu phần lớn lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (khoảng 60-70%).

"Vấn đề này, theo tôi cũng có 2 mặt. Ví dụ một số nước như Indonesia, Philippines, Thái Lan cấm nhập khẩu một số nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, và để có đủ nguyên liệu thì người dân trong nước phải tự trồng bắp, khoai mì nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó Việt Nam chọn hoà nhập với xu thế của thế giới, do đó những loại nông sản Việt Nam có thế mạnh được xuất khẩu nhiều ra nước ngoài, như trà, cà phê, điều, trái cây, ngược lại sẽ nhập khẩu những loại nguyên liệu mà Việt Nam không có thế mạnh" – ông Gabor nói.

Tổng Giám đốc De Heus châu Á phân tích: Muốn tự trồng được đầy đủ các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi thì Việt Nam có thể tiết kiệm được 4-5 tỷ USD, nhưng ngược lại khi những diện tích đó được dùng sản xuất những loại cây trồng Việt Nam đang có thế mạnh, thì chúng ta có thể thu về 20-30 tỷ USD. Rõ ràng bài toán hiệu quả kinh tế sẽ quyết định việc đầu tư như thế nào.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á: Muốn có nông thôn tốt, phải có những người chăn nuôi tốt - Ảnh 2.

Với công suất 3 triệu tấn/năm, sản lượng thức ăn chăn nuôi của De Heus Việt Nam chiếm đến 25% tổng sản lượng của Tập đoàn De Heus trên toàn cầu.

Tuy nhiên, để giảm bớt tác động trước những biến động khó lường của thị trường và tình hình thế giới, De Heus đang phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương nghiên cứu, tìm kiếm các địa điểm phù hợp để trồng bắp với diện tích lớn, giúp đạt năng suất cao hơn bằng cách chọn giống tốt hơn, chủ yếu ở vùng Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và một số vùng ở Tây Bắc.

Từng bước, các chuyên gia của De Heus sẽ hỗ trợ người trồng bắp có thu nhập tốt hơn. Với chủ trương khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu trong nước của Bộ NN&PTNT thì thời gian tới, sản xuất trong nước có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu.

"Nhiều người cho rằng, nếu Việt Nam ít phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thì giá thức ăn chăn nuôi sẽ ổn định hơn, tôi cho rằng không phải vậy. Bởi nếu Việt Nam trồng bắp trong nước nhiều hơn, giá bắp cạnh tranh được với giá bắp thế giới thì lập tức, Philippines rồi Thái Lan sẽ nhập bắp của Việt Nam, và đương nhiên sẽ kéo giá bắp tăng lên. 

Trong khi đó, việc nhập khẩu bắp về Việt Nam hiện nay được hưởng ưu đãi về thuế, dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực, thực tế là thấp so với các nước Đông Nam Á.

Hiện nay kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của VN đã đạt trên 50 tỷ USD và trong tương lai, hoàn toàn có thể đạt 100 tỷ USD. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta sẽ phải sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai hơn vào việc cung cấp nông sản thực phẩm cho thế giới" - ông Gabor nhận định.

Bài học lớn sau 15 năm De Heus đầu tư vào Việt Nam

Ông Gabor Fluit cho biết, sau 15 năm đầu tư tại thị trường Việt Nam, De Heus có được bài học hiệu quả chính là con người - những khách hàng của De Heus. Khi chúng tôi chứng minh được hiệu quả từ các giải pháp dinh dưỡng động vật, thì khách hàng ngày càng tin tưởng chúng tôi. Một số doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực vừa cung cấp thức ăn, nhưng cũng vừa tự chăn nuôi thì họ đã trở thành "đối thủ" của người nông dân, còn chúng tôi đi theo con đường khác: Tập trung giúp người chăn nuôi phát triển chứ không cạnh tranh với họ.

"Tôi thấy cơ quan quản lý ngành nông nghiệp của Việt Nam có cái tên rất hay, đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo chúng tôi đánh giá, muốn có nông thôn tốt, kinh tế phát triển mạnh mẽ, phải có người chăn nuôi tốt tại địa phương. Những người dân bản địa luôn có tâm lý đây là đất của tôi, con cháu tôi sẽ tiếp tục sinh sống trên mảnh đất này, vì thế họ sẽ có ý thức bảo vệ mảnh đất đó, cũng như có trách nhiệm với xã hội. Còn với các công ty thuê đất để chăn nuôi, có thể 5-10 năm sau họ sẽ đi nơi khác…

Do vậy, chúng tôi sẽ giúp cho những người chăn nuôi ở nông thôn có thể phát triển bền vững, duy trì vai trò của họ trên mảnh đất của mình. Để có thêm nhiều người nông dân như vậy, phải áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Với xu hướng này, chắc chắn số người tham gia công việc ở nông thôn sẽ giảm đi, nhưng những người ở lại sẽ theo hướng hiệu quả hơn – bởi họ sẽ là lực lượng vô cùng quan trọng tạo ra nguồn thức ăn cho hàng trăm triệu người Việt trong tương lai cũng như hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á: Muốn có nông thôn tốt, phải có những người chăn nuôi tốt - Ảnh 3.

Tại thị trường Việt Nam, De Heus đang sở hữu các thương hiệu thức ăn chăn nuôi nổi tiếng gồm De Heus, Windmill, Koudijs, Proconco và Anco. Ngoài ra, De Heus còn tham gia sản xuất thức ăn thú cưng True Pet Care với các sản phẩm chất lượng cao dành cho chó, mèo.

Nông dân là "trung tâm" trong chiến lược kinh doanh

Ông Gabor nhận định, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực nông nghiệp, như là chăn nuôi công nghệ cao và khoảng 5-10 năm tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra toàn cầu khi các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế được thiết lập.

Với suy nghĩ đó, De Heus luôn lấy người nông dân là trung tâm, là "chìa khóa" cho chiến lược phát triển kinh doanh.

"Theo đó, chúng tôi sẽ tìm hiểu xem người chăn nuôi cần gì để thành công. Câu trả lời là, họ sẽ cần thức ăn chăn nuôi tốt, dinh dưỡng tốt, con giống tốt… Ngoài ra, có rất nhiều thách thức đặt ra cho bà con như vấn đề dịch bệnh, các đối thủ cạnh tranh, giá cả không ổn định… Vậy nên chúng tôi sẽ trợ giúp họ về thức ăn, kỹ thuật chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, tư vấn để họ thiết lập kế hoạch sản xuất cho tương lai. Đặc biệt là tìm kiếm các công nghệ mới phù hợp để họ dễ dàng tiếp cận, áp dụng. Bên cạnh đó, De Heus cũng làm việc với nhiều ngân hàng để giúp người chăn nuôi tiếp cận đủ nguồn vốn cần thiết nhằm phát triển mô hình kinh doanh hiệu quả, bền vững" – ông Gabor nói.

15 năm qua, De Heus đã xây dựng được "đế chế" của mình với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, cùng với các thành viên Anco, Proconco và hệ thống khách hàng, đại lý, người chăn nuôi khắp cả nước. Thực tế, De Heus có thể dễ dàng tự mở các trang trại chăn nuôi, nhưng chúng tôi không làm vậy mà tập trung vào thứ mình làm tốt, đó là thức ăn chăn nuôi.

Về dài hạn, chúng tôi tin rằng kinh nghiệm này sẽ đóng góp nhiều giá trị hơn là tự làm tất cả mọi thứ. De Heus tin tưởng vào các mối quan hệ hợp tác với người nông dân, nhà cung cấp, khách hàng, nhà chế biến... Khi đi cùng nhau, hợp tác trong chuỗi, chúng tôi có thể tạo ra nhiều giá trị hơn so với việc cạnh tranh với nhau.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á: Muốn có nông thôn tốt, phải có những người chăn nuôi tốt - Ảnh 5.

Hiện De Heus đang có 17 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 1 nhà máy Premix đầu tiên tại châu Á với mạng lưới phân phối khắp 63 tỉnh thành.

Ông Gabor cũng tiết lộ, trong những năm đầu tiên có mặt tại Việt Nam, De Heus phải dựa nhiều vào sự hỗ trợ từ công ty mẹ. Theo thời gian, Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành trung tâm lớn thứ 2 toàn cầu của De Heus. Trụ sở ở TP.Hồ Chí Minh cũng được De Heus sử dụng làm trụ sở của toàn khu vực châu Á, hơn thế nữa, đây cũng là nơi đang triển khai các dự án hỗ trợ cho thị trường châu Phi.

"Bây giờ chúng tôi đang làm điều ngược lại trước kia. Thay vì việc phải mang các chuyên gia từ châu Âu đến Việt Nam thì bây giờ chúng tôi lại gửi các đồng nghiệp Việt Nam đi khắp thế giới. Đặc biệt với việc mua lại mảng sản xuất thức ăn của Masan, chúng tôi đã có thể phục vụ khách hàng tốt hơn so với trước, nhờ các nhà máy phân bố ở khắp các vùng chăn nuôi trọng điểm từ Bắc vào Nam. Hiện nay, các nhà máy cũng đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn hiện đại. Điều này đang mang lại cho De Heus lợi thế cạnh tranh rất lớn nhờ giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cho khách hàng" – ông Gabor chia sẻ.

Hiện Tập đoàn De Heus đang có nhà máy sản xuất thức ăn ở hơn 20 quốc gia, sản phẩm đã có mặt ở hơn 80 quốc gia, lãnh thổ.

Với vai trò Tổng Giám đốc De Heus toàn cầu vào đầu năm 2025, ông Gabor Fluit cho biết, De Heus đang có kế hoạch tham gia các thị trường mới, đồng thời vẫn giữ sự tăng trưởng ở những thị trường hiện tại, đặc biệt là tại Việt Nam - một trong những thị trường "sân nhà" của Tập đoàn De Heus trên toàn cầu.