Sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2023: Dồn lực cho phát triển kinh tế tập thể
Sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2023: Dồn lực cho phát triển kinh tế tập thể
Đức Thịnh
Thứ sáu, ngày 01/11/2024 06:59 AM (GMT+7)
Sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân năm 2023, các cấp Hội Nông dân Việt Nam tập trung đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.
Những điểm sáng mô hình HTX do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập
Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024 vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xét chọn, biểu dương. Đặc biệt trong số 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024 thì HTX Nông nghiệp Long Thành Phát có doanh thu lớn nhất lên tới trên 200 tỷ đồng.
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt về mô hình của HTX, ông Lê Văn Quyết – Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát phấn khởi cho biết: HTX chúng tôi tiên phong trong chăn nuôi bằng công nghệ cao và xuất khẩu gà. Sản phẩm gà của HTX đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Nhật Bản cũng như các thị trường khó tính.
Theo ông Lê Văn Quyết với sự đồng hành, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, thời gian qua, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào chăn nuôi. Theo đó, trại gà của HTX được đầu tư các hệ thống băng chuyền vận chuyển giúp tự động bắt gà, tự động lấy phân. Ngoài ra, dây chuyền chăn nuôi còn được sử dụng công nghệ chạy lạnh, công nghệ sinh học và ứng dụng men sinh học khử mùi, bảo đảm vệ sinh môi trường.
"Hiện nay, tổng đàn gà của HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát là gần 2 triệu con. Nếu chăn nuôi thông thường cần khoảng hơn 300 lao động làm việc liên tục, tuy nhiên nhờ ứng dụng công nghệ cao, HTX chỉ cần 100 người làm việc, trung bình mỗi người có thể nuôi được khoảng 30.000 con gà" - ông Lê Văn Quyết chia sẻ.
Nhờ việc đổi mới hoạt động, HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An (HTX nông nghiệp Phạm An) ở xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đã chứng minh được thế mạnh, trở thành một chủ thể kinh tế vững chắc tại địa phương. Đây cũng là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn.
Ông Phạm Văn Toàn - Giám đốc HTX nông nghiệp Phạm An cho biết: HTX được thành lập trên cơ sở là Chi hội nghề nghiệp trồng sả và chuyển đổi HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Hiện HTX đang tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, có 30ha trồng rau, củ, quả và 40ha trồng cây sả.
Theo ông Toàn, nhờ sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP nên các thành viên và hộ dân liên kết rất phấn khởi. Bởi tất cả các sản phẩm của HTX đều có hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp và tiểu thương tại các chợ đầu mối lớn.
Tích cực thực hiện Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ
Ông Nguyễn Tiến Cường – Uỷ viên Ban Thường vụ, Quyền Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong những năm qua Hội Nông dân Việt Nam luôn xác định tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội.
Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và đạt được nhiều kết quả quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân.
Đặc biệt, Hội Nông dân Việt nam đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024, về phê duyệt Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 250 hợp tác xã (HTX), 1.500 tổ hợp tác (THT) trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 750 HTX nông nghiệp do các cấp Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập.
Đây là Đề án đầu tiên cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
"Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở, hành lang pháp lý hết sức quan trọng để các cấp Hội Nông dân Việt Nam tổ chức thực hiện, phát huy vai trò của mình trong tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp"- ông Nguyễn Tiến Cường nhấn mạnh.
Thực hiện Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Trung ương Hội ban hành Kế hoạch số 16-KH/HNDTW, ngày 08/3/2024 về việc thực hiện Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp về việc tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn 2024 – 2030. Đồng thời, Trung ương Hội tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội về "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 – 2025".
Ông Nguyễn Tiến Cường cho biết: Để đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã chú trọng xây dựng các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động theo phương thức "5 tự", "5 cùng", góp phần đẩy mạnh quá trình tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Đến nay cả nước đã có 3.645 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 112.594 hội viên, 36.363 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 482.362 hội viên.
Đây là đơn vị hành động, cầu nối giữa cơ sở Hội với hội viên nông dân, qua đó tập hợp, thu hút hội viên, nông dân tham gia hợp tác phát triển kinh tế, hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề để phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp.
Đồng thời, các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; hỗ trợ vốn thông qua dự án nhóm hộ thuộc các tổ hợp tác, hợp tác xã của nông dân; phối hợp với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để ủy thác cho vay tín chấp giúp các hộ hội viên, nông dân là thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển kinh tế tập thể.
Đáng chú ý, năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức phát động phong trào thi đua "Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp" với nhiều nội dung quan trọng.
Đồng thời, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục duy trì, thường xuyên hàng năm tổ chức lễ tôn vinh, biểu dương các HTX tiêu biểu toàn quốc để kịp thời động viên các HTX gắn với việc sơ, tổng kết, tham quan, học tập và nhân rộng, lan toả các mô hình HTX ngày càng phát triển.
Thông qua hoạt động của các cấp Hội đã thu hút gần 570.000 lượt hộ nông dân gia các dự án nhóm hộ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng, thành lập trên 23.000 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, trong đó có trên 3.800 hợp tác xã và trên 19.000 tổ hợp tác.
Doanh thu bình quân hàng năm của hợp tác xã đạt trên 5,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 350 triệu đồng; thu nhập bình quân của mỗi thành viên đạt 51,5 triệu đồng/năm; trên 700 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%).
Trong đó, sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân đến nay, các cấp Hội tuyên truyền, vận động 485.840 hội viên nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 332 hợp tác xã, 1.542 tổ hợp tác trong nông nghiệp.
Các mô hình hợp tác tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP ngày càng tăng.
"Những con số nêu trên đã phản ánh rõ nét vai trò của Hội trong tham gia phát triển kinh tế tập thể theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước"- ông Nguyễn Tiến Cường nhấn mạnh.
Trong 4 năm qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ vốn cho các nhóm hộ với hơn 9.000 dự án (quy mô 300-500 triệu/dự án) từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng dư nợ trên 15.000 tỷ đồng; thực hiện tín chấp với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để ủy thác cho vay đối với hơn 3 triệu lượt hộ với tổng dư nợ trên 140.000 tỷ đồng; phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi với gần 11.000 tỷ đồng để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, trang trại, gia trại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.