Dân Việt

Báo động tình trạng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo ở Quảng Trị

Ngọc Vũ 01/11/2024 19:16 GMT+7
So với cùng kỳ năm 2023, từ đầu năm 2024 đến nay số vụ việc và đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công vụ hỗ trợ và pháo ở Quảng Trị tăng với con số báo động. Đáng chú ý, có tình trạng học sinh chế tạo pháo để sử dụng và bán kiếm lời.

Ngày 1/11, tin từ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 242 vụ/287 đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công vụ hỗ trợ và pháo, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 122 vụ/160 đối tượng.

Vi phạm pháo nổ ở Quảng Trị, con số đáng báo động- Ảnh 1.

Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm vi phạm pháo nổ, Công an tỉnh Quảng Trị và các lực lượng liên quan đã tăng cường đấu tranh, triệt phá nhiều vụ án buôn bán, vận chuyển trái phép. Ảnh: CAQT.

Riêng quý III năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện 13 vụ/14 đối tượng vi phạm, một nửa trong số đó được phát hiện, bắt giữ trên tuyến biên giới. Đáng chú ý, trong số đối tượng vi phạm về pháo có 10 học sinh phổ thông liên quan hành vi chế tạo pháo.

Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công vụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, chế tạo pháo trái phép.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh với loại hình tội phạm này. Đặc biệt công tác đấu tranh trên không gian mạng, dịch vụ bưu chính, các tuyến giao thông, địa bàn biên giới.

Vi phạm pháo nổ ở Quảng Trị, con số đáng báo động- Ảnh 2.

Tai nạn thương tích do pháo tự chế gây ra rất nghiêm trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong ảnh là cánh tay bị dập nát của một học sinh 12 tuổi vì pháo tự chế phát nổ. Ảnh: Hồng Chuyên.

UBND tỉnh nhấn mạnh người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện việc phòng, chống vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công vụ hỗ trợ và pháo.

Người đứng đầu các trường học, cơ sở giáo dục sẽ bị xử lý nghiêm nếu không triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoặc triển khai hình thức, đối phó, không hiệu quả, để xảy ra tình trạng học sinh vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công vụ hỗ trợ và pháo.

Được biết, tai nạn do pháo nổ đặc biệt nguy hiểm, có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng như tổn thương gân, cơ, dập nát, gãy xương, bỏng da, tiếng nổ lớn gây điếc, chấn thương, vết thương mắt… Khí độc từ các hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh trong pháo nổ có thể gây tổn thương đường hô hấp. Tai nạn do pháo nổ không chỉ để lại hậu quả thương tật vĩnh viễn cho chính bệnh nhân, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội mà nguy hiểm hơn còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng.