Dân Việt

Con động vật bé tí ti ham bay, nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu nuôi thành công, hễ vắt chất bổ này là bán hết sạch

Trần Đáng 02/11/2024 05:26 GMT+7
Từ chỗ chỉ nuôi chơi, giờ nhiều nông dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu xây chuỗi liên kết nuôi ong dú lấy mật không đủ hàng bán. Loài động vật bé tí ti thuộc lớp sâu bọ, ngành chân khớp này đang giúp nhiều nông dân tăng thu nhập.
Xây dựng chuỗi liên kết cho con ong tí hon, nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu lấy mật không đủ bán - Ảnh 1.

Mô hình nuôi ong dú lấy mật của anh Võ Văn Đức, tại ấp Xóm Rẫy (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: T.Đ

Theo ông Trần Văn Mãng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện khá nhiều nông dân ở tỉnh đang nuôi ông dú lấy mật. 

Đi xa hơn, nông dân nuôi ong dú lấy mật đang liên kết để có đủ nguồn mật cung cấp cho thị trường.

Rủ nhau nuôi ong dú lấy mật

Hiện, tại ấp Xóm Rẫy (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) đã hình thành một khu nuôi ong dú lấy mật với 250 tổ ong đã cho thu hoạch. Dưới tán vườn nhãn, 200 thùng (tổ) nuôi ong dú lấy mật được đặt trên cọc và bố trí rải rác trông khá lạ, nhưng đẹp mắt.

Theo anh Võ Văn Đức, chủ khu nuôi ong dú lấy mật, trước khi xây dựng khu nuôi ong dú lấy mật này, anh đã đi khảo sát khu vực xem tình hình vùng cây ăn trái ra sao, các vườn cây có phun xịt thuốc hóa học...

"Ong dú cho thu mật 2 lần/năm, vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Mỗi tổ nuôi ong dú lấy mật, sau 1 năm thu về 2 triệu đồng tiền mật", anh Đức chia sẻ.

Theo nông dân nuôi ong dú lấy mật, đầu mùa mưa, mật ong dú khá đậm đặc, do lượng nước trong mật thấp. Lúc này, mật ong dú cho vị ngọt thanh. 

Cuối mùa mưa, nông dân sẽ thu mật lần nữa và dọn khu vực nuôi sạch sẽ để ong lấy mật vào mùa nắng. Mật ong dú lấy lần này cho vị chua nhẹ.

Ở huyện Xuyên Mộc, nếu nói đến điển hình nuôi ong dú lâu năm và thành công, phải kể đến anh Trần Quốc Toản (xã Bình Châu). 

Anh Toản nuôi ong dú lấy mật từ lúc nuôi chơi với tổ bằng thùng nhựa (2015) cho đến lúc nuôi chuyên nghiệp, lấy mật kinh doanh như hiện nay. Hiện, anh Toản nuôi 600 tổ ong dú.

Theo anh Toản, để tìm một vật nuôi không tốn thức ăn, không mất nhiều thời gian chăm sóc, đem lợi nguồn lợi kinh tế cao... thì ong dú là chọn lựa tốt.

"Hiện, giá 1 tổ ong dú (cả thùng và giống) 1,5 triệu đồng. Sau 1 năm, người nuôi ong dú lấy mật có thể tách thêm 1 tổ và thu được 1lít mật. Ngoài ra, có thể thu thêm phấn hoa", anh Toản chia sẻ.

Xây dựng chuỗi liên kết cho con ong tí hon, nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu lấy mật không đủ bán - Ảnh 2.

Anh Toản cho biết, với 600 tổ ong dú mỗi năm anh thu được 350 lít mật. Hiện, trên thị trường giá mật ong dú 1,2-1,5 triệu đồng/lít.

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, theo ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, có hơn 10 hộ nuôi ong dú lấy mật, với hơn 2.000 tổ ong. Nhiều hộ nông dân đang nuôi ong dú lấy mật theo hình thức sản xuất hàng hóa với số lượng tổ khá lớn.

Xây dựng chuỗi liên kết nuôi ong dú lấy mật

Được biết, anh Đức và anh Toản đang liên kết nuôi ong dú lấy mật. 

Ngoài nghề nuôi ong dú lấy mật, anh Đức còn là CEO một công ty du lịch và tổ chức sự kiện tại địa phương, đang xây dựng chuỗi liên kết từ đầu vào cho đến đầu ra với nông dân nuôi ong dú mấy mật.

Theo anh Đức, hiện công ty đang có 500 tổ ong dú và thu mua thêm gần 2.000 tổ từ các vệ tinh nuôi ong dú trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.

Ngoài ra, công ty sẽ liên kết với Chi hội nuôi ong dú của huyện Châu Đức và bao tiêu đầu ra với hơn 1.000 tổ ong dú.

"Sang năm 2025, công ty dự kiến sẽ nhân lên ở 2 địa phương này 7.000-8.000 tổ ong dú để có lượng mật ong dú đủ đáp ứng nhu cầu thị trường", anh Đức chia sẻ.

Anh Đức cho biết thêm, công ty muốn nhân rộng đàn ong dú, nên rất muốn bà con nông dân hay các đơn vị hợp tác nuôi ong dú.

"Bà con nông dân chỉ tốn 1 lần đầu tư mua giống, mua thùng, nhân viên kỹ thuật của công ty sẽ hỗ trợ làm dự án, khảo sát vùng nuôi, kỹ thuật nuôi, tách đàn, lấy mật... và bao tiêu đầu ra", anh Đức cam kết.

Ngoài liên kết sản xuất, anh Đức còn tổ chức liên kết tiêu thụ. Công ty đã có chuỗi liên kết tiêu thụ hàng nông sản trước đó nên giờ đưa thêm sản phẩm mật ong dú vào hệ thống tiêu thụ.

Tận dụng việc tổ chức tour du lịch và sự kiện, công ty đưa khách vào tham quan các vườn cây ăn trái có sẵn các khu nuôi ong dú lấy mật để khách trải nghiệm việc nuôi ong dú và mua sản phẩm mật ong.

Đồng thời, công ty giới thiệu sản phẩm mật ong dú đến các khu du lịch để nhân viên của công ty bán hàng cho khách làm quà kỷ nhiệm.

Xây dựng chuỗi liên kết cho con ong tí hon, nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu lấy mật không đủ bán - Ảnh 3.

Chuỗi liên kết nuôi ong dú lấy mật ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đưa sản phẩm mật ong dú gắn với phát triển du lịch ở địa phương. Ảnh: T.Đ.

Ngoài ra, công ty còn liên kết với một khu du lịch sinh thái làm chuỗi du lịch sinh thái phát triển cộng đồng, nhằm liên kết với các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái tạo chuỗi tham quan các khu nuôi ong dú, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ mật ong.

Theo anh Đức, mỗi năm, các mối liên kết này tiêu thụ khoảng 60% mật ong dú cho các nhà vườn nuôi ong dú lấy mật trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.

Số mật còn lại được tiêu thụ qua cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường học, người dân trên địa bàn...

"Lượng mật ong dú làm ra bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu", anh Đức thổ lộ.

Xây dựng chuỗi liên kết cho con ong tí hon, nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu lấy mật không đủ bán - Ảnh 4.

Liên kết nuôi ong dú lấy mật ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giúp nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng  đồng, qua đó tăng thu nhập. Ảnh: T.Đ.

Theo ông Mãng, hiện nông dân nuôi on dú lấy mật đang liên kết để có đủ nguồn mật cung cấp cho thị trường, nhất là du khách đến tham quan trên địa bàn.

"Nông dân nuôi ong dú lấy mật gắn với phát triển du lịch. Đây là một hướng đi mới rất phù hợp với tình hình phát triển của địa phương", ông Mãng cho biết.

Ông Mãng cho biết thêm, mô hình nuôi ong dú lấy mật đang được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến khích nhân rộng. Thực hiện Nghị quyết 21 của UBND tỉnh, tỉnh đang thực hiện liên kết chuỗi nuôi ong dú lấy mật. Theo đó, sẽ hỗ trợ nông dân nuôi ong dú mua máy móc phục vụ sản xuất...

Đồng thời, Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông tỉnh cũng đang cho nông dân vay vốn nuôi ong dú lấy mật, mỗi hộ tối đa 100 triệu đồng.