Con động vật hoang dã tên sâu đầu đen phá cây dừa ở một huyện của Tiền Giang, dân đang diệt trừ
Một huyện ở Tiền Giang đang khẩn trương tìm mọi cách diệt trừ con động vật quái ác phá hại cây dừa
Hữu Trí (Cổng TTĐT Tiền Giang)
Chủ nhật, ngày 03/11/2024 09:00 AM (GMT+7)
Trước tình hình sâu đầu đen phát triển mạnh gây hại ở một số vườn dừa tại vùng chuyên canh dừa lớn nhất của tỉnh Tiền Giang là huyện Chợ Gạo, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các xã có vườn dừa bị phá hại khẩn trương triển khai kế hoạch tổng ra quân phòng trừ sâu đầu đen hại dừa.
Trước tình hình sâu đầu đen phát triển mạnh gây hại ở một số vườn dừa tại vùng chuyên canh dừa lớn nhất của tỉnh Tiền Giang là huyện Chợ Gạo, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các xã có vườn dừa bị phá hại khẩn trương triển khai kế hoạch tổng ra quân phòng trừ sâu đầu đen hại dừa.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo, đến ngày 15/10, kết quả điều tra diện tích dừa nhiễm mới sâu đầu đen của huyện Chợ Gạo ở các xã Xuân Đông, Hòa Định, An Thạnh Thủy là 245,61 ha với 620 hộ có vườn dừa bị nhiễm, tỷ lệ gây hại là 5 - 10%. Diện tích nhiễm nhẹ có 105,66 ha, diện tích nhiễm trung bình có 61,88 ha, diện tích nhiễm nặng có 78,07 ha.
Để khống chế sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh huyện, xã về tình hình dịch hại sâu đầu đen cùng các biện pháp phòng, chống; tăng cường công tác tập huấn, phát tờ rơi về quy trình phòng, chống sâu đầu đen hại dừa.
Bà Lê Trang Thị Kim Ngân, công chức địa chính - nông nghiệp - môi trường xã Xuân Đông cho biết: Ủy ban nhân dân xã có phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức những cuộc hội thảo hướng dẫn người dân cách xử lý khi bị sâu đầu đen xảy ra. Trong nội dung tuyên truyền, người dân được hướng dẫn cách phun thuốc cũng như cách nhận biết sâu đầu đen.
Phun thuốc phòng ngừa sâu đầu đen ở vườn dừa chưa bị nhiễm sâu ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân trồng dừa thường xuyên kiểm tra vườn dừa, phun xịt thuốc phòng, ngừa sâu đầu đen.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân xã cũng có thành lập 6 tổ xung kích, trong đó cấp ủy phụ trách địa bàn làm tổ trưởng để xuống từng hộ dân bị thiệt hại nắm rõ tình hình, tâm tư, nguyện vọng cũng như phát tờ rơi tuyên truyền, làm biên bản cho người dân cam kết làm theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp gồm: phải tiêu hủy những lá do sâu đầu đen bỏ để tránh lây lan trên diện rộng cũng như phun thuốc phòng trừ.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp vận động người dân phun xịt những vườn dừa bị nhiễm nhẹ; đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa có sâu đầu đen gây hại nặng, không có khả năng phục hồi.
Theo thống kê, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng với cán bộ tổ xung kích của Ủy ban nhân dân xã vận động nông dân đốn bỏ diện tích dừa bị thiệt hại nặng không có khả năng phục hồi tổng cộng 7,72 ha/1.427 cây tại hai xã Xuân Đông, Hòa Định.
Đồng thời, cán bộ của Trung tâm đã phối hợp các tổ xung kích của Ủy ban nhân dân xã vận động nông dân ra quân phun xịt được 79,6 ha/226 hộ.
Ông Trần Thanh Mỹ, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo trao đổi: Trước tình hình diễn biến phức tạp sâu đầu đen trên vườn dừa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã mở các cuộc hội thảo hướng dẫn nông dân cách nhận biết triệu chứng gây hại của sâu đầu đen để nông dân nhận biết cùng cách phòng trừ cho đúng.
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã làm tờ trình để gửi Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo cùng cơ quan chức năng cấp tỉnh để có phương hướng hỗ trợ cho nông dân trồng dừa. Trung tâm đề nghị hỗ trợ kinh phí mua thuốc trừ sâu để dập dịch cùng chi phí hỗ trợ nông dân cắt tỉa nhánh nhằm mục đích diệt con nhộng, con bướm, còn lại chúng ta sẽ phun phòng trừ những con sâu non đạt hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo còn phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai đề tài sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có quản lý đối tượng sâu đầu đen hiệu quả tại một số vườn dừa ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo bước đầu có kết quả khả quan.
Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Bộ môn bảo vệ thực vật Viện Cây ăn quả miền Nam nhận xét: Trước tình hình sâu gây hại như hiện nay, Viện Cây ăn quả miền Nam có tham gia một đề tài nghiên cứu về sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang hỗ trợ kinh phí.
Trong đề tài đó, chúng tôi cũng thực hiện những thí nghiệm để quản lý sâu đầu đen theo hướng sinh học. Kết quả bước đầu ghi nhận qua sử dụng hoạt chất sinh học kết hợp với nấm tím, nấm xanh sẽ đạt hiệu quả từ 85 - 95% trong quản lý sâu đầu đen.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo cho biết: Để khống chế tác hại của sâu đầu đen trên vườn dừa đạt hiệu quả, đơn vị đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo hỗ trợ kinh phí để nông dân tiếp tục phòng trừ sâu đầu đen.
Ủy ban nhân dân các xã có sâu đầu đen phá hại tăng cường phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục vận động người dân cắt tỉa tàu dừa đem tiêu hủy trước khi phun xịt để việc phòng trừ mang lại hiệu quả cao; đốn bỏ cây dừa bị nhiễm bệnh nặng không có khả năng phục hồi đem tiêu hủy để tránh lây lan.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên truyền, tổ chức tập huấn các xã lân cận để giúp nông dân nhận dạng được sâu đầu đen, tác hại khi vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen cùng các biện pháp phòng trừ để tránh lây lan ra diện rộng.
Đồng thời, cán bộ kỹ thuật tăng cường nhân nuôi ong ký sinh để phóng thích trên các vườn dừa tiếp giáp giữa các xã bị nhiễm bệnh và xã chưa nhiễm để ngăn chặn bướm từ vườn dừa bị nhiễm bay sang đẻ trứng, gây hại.
Tổng diện tích dừa của tỉnh Tiền Giang hiện nay đạt 21.654 ha, với diện tích cho trái là 18.116 ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng 244.115 tấn/năm. Từ năm 2015 đến nay, diện tích dừa đã tăng 5.749 ha, với tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình 4,5%/năm. Theo thống kê, khi cây dừa vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, nhà vườn trồng dừa thu lợi nhuận trung bình khoảng 91,2 triệu đồng/ha/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.