Bốn cái trống đồng Đông Sơn cổ xưa dân vô tình đào trúng trên đất Tuyên Quang
Bốn cái trống đồng cổ xưa đào được trên đất Tuyên Quang
Thứ bảy, ngày 02/11/2024 05:46 AM (GMT+7)
Trống đồng Đông Sơn (một nhạc cụ lớn) đã được tìm thấy khá nhiều ở miền núi phía bắc nước ta. Ở Tuyên Quang cũng đã tìm được 4 chiếc trống đồng Đông Sơn tại các xã Nhân Lý (Chiêm Hóa), xã Thiện Kế (Sơn Dương) và xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn).
Trống đồng Nhân Lý: Tìm được ở khu vực bến Cham (sông Gâm), xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa, vì thế còn gọi là trống Chiêm Hóa.
Tháng 4-1989, người ta đã phát hiện trống nằm dưới tầng đá cuội, ở độ sâu khoảng 4m so với mặt sông. Trống còn tương đối nguyên v n, thân và chân đã bị vỡ một phần. Căn cứ vào phần còn lại có thể biết được hình dáng của trống khá cân xứng, hoa văn trang trí tinh tế và rõ ràng.
Mặt trống có đường kính 51,5cm, chiều cao còn lại 31,2cm. Giữa mặt trống là ngôi sao có 11 cánh nhọn. Xen giữa các cánh sao có trang trí hoa văn hình lông công cách điệu. Từ trong ra ngoài có 11 vòng hoa văn. Vòng 1, 4, 8, 11 là những gạch thẳng đứng song song. Vòng 2, 3, 9, 10 là hoa văn vòng tròn kép, đồng tâm có chấm ở giữa và có tiếp tuyến. Vòng 5 là 16 ô trám lồng.
Vòng 6 là 42 họa tiết được tạo bằng phương pháp in những đường gạch ngắn song song, vòng tròn chấm giữa, biểu thị hoa văn hình người hóa trang cách điệu theo xu hướng biến hình thể.
Vòng 7 là bốn con chim cách đều nhau, chim có mỏ dài, mắt là hoa văn vòng tròn kép có tiếp tuyến, đuôi dài và đoạn cuối đuôi cong tròn, cánh là đường gạch ngắn.
Chim bay theo hướng chiều kim đồng hồ. Xen giữa 4 chim là họa tiết 4 hình trâm và 8 hình ô trám lồng. Rìa mặt trống có bốn khối tượng cóc quay ngược chiều kim đồng hồ (cả bốn con đều bị gãy thân, chỉ còn phần chân).
Trống đồng được tìm thấy ở xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang) cùng các hiện vật khác trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang.
Tang trống được trang trí bốn vành hoa văn. Từ trên xuống, vành 1 và 4 là những gạch thẳng đứng song song, vành 2 và 3 là đường tròn đồng tâm tiếp tuyến, có chấm ở giữa.
Trống có 2 đôi quai kép trang trí bằng hoa văn hình bông lúa.
Thân trống hình trụ, cao 11,0cm. Phần trên là các băng hoa văn hình học chạy dọc thân trống. Mỗi băng gồm hai băng hoa văn gồm đường tròn đồng tâm có chấm ở giữa và có tiếp tuyến ở giữa, hai bên là hai băng hoa văn gạch ngắn song song.
Những băng hoa văn này chia phần trên của thân trống thành các ô hình chữ nhật. Trong các ô đều không trang trí hoa văn.
Phần dưới của thân trống có 4 vành hoa văn giống hệt như trên tang trống. Từ trên xuống, vành 1 và 4 là những vạch thẳng đứng song song, vành 2 và 3 là đường tròn đồng tâm có chấm ở giữa và có tiếp tuyến. Chân trống choãi ra, có trang trí hoa văn, cao 10cm, đường kính đáy 46cm.
Chân trống có trang trí hoa văn. Phía trên là đường chỉ nổi, tiếp đến là một vành hoa văn hai đường tròn đồng tâm có chấm ở giữa và có tiếp tuyến. Phía dưới chân trống được trang trí bằng vành hoa văn hình lông công cách điệu.
Một phần thân trống và chân trống đã bị vỡ, phần còn lại của trống có trọng lượng 10,05kg. Trống được đúc mỏng đều, mặt trống dày 3,5mm, tang trống dày 2,5mm, chân trống dày 3mm, xung quanh trống có lớp patin màu xanh rêu đậm.
Căn cứ vào hình dáng và hoa văn trang trí thì đây là chiếc trống Đông Sơn. Hiện nay, trống được lưu giữ tại kho bảo quản của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang.
Theo nhân dân địa phương kể lại khi phát hiện, trong lòng trống và xung quanh không có gì chôn kèm theo.
Khảo sát bờ sông liền kề cũng không tìm thấy tầng văn hóa hay dấu tích gốm. Vì thế, có thể suy đoán rằng trống Chiêm Hóa vốn không phải ở vị trí khi tìm được mà có thể do bờ sông lở xuống mà trôi dạt rồi bị vùi xuống đáy sông. Dẫu sao vị trí trống được chôn ban đầu cũng không quá xa vị trí phát hiện trống và chắc chắn phải ở phía thượng nguồn.
Sau khi nghiên cứu chiếc trống này, bước đầu có những nhận xét sau:
- Về kỹ thuật đúc thì trống Chiêm Hóa không phải là sản phẩm của trình độ kỹ thuật đúc điêu luyện như trống Ngọc Lũ, sông Đà. Điều này thể hiện ở đường chỉ đúc hai bên thân trống thô, nổi rõ, rộng 0,5cm. Dấu vết con kê có cả ở khắp mặt trống, rải rác ở các vành hoa văn 2, 5, 7, 9 và cả ở trên thân trống. Dấu vết tượng cóc chứng tỏ cóc được đúc thêm vào chứ không phải là hàn chân cóc vào mặt trống, vì vết đúc để lại loang rộng hơn vết chân cóc.
Trống đồng tìm thấy ở lòng sông Gâm thuộc xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang) được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
- Về kỹ thuật tạo hoa văn, người thợ đúc trống Nhân Lý đã biết kết hợp cách tạo hoa văn bằng cách khắc và in (ví dụ hoa văn hình người múa hóa trang, hoa văn dích dắc).
Đây là loại hình trống Đông Sơn muộn, chuyển tiếp từ trống loại I sang trống loại IV, nhưng không quá muộn như trống Mèo Vạc (Hà Giang).
Miền núi phía bắc, trong đó có Tuyên Quang, qua nghiên cứu trống này, càng chứng tỏ rằng đây là địa bàn chuyển tiếp từ trống loại I sang trống loại IV, phần nào mang ý nghĩa tìm hiểu nguồn gốc một số loại trống đồng cũng như nguồn gốc một số tộc người ở địa bàn này.
Trống đồng Thiện Kế:
Một số tài liệu còn gọi trống này là trống Văn Sòng vì phát hiện được ở thôn Văn Sòng, xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương.
Khu vực tìm thấy trống đồng là một khu đồi thấp giáp ranh cánh đồng trong một thung lũng khá rộng. Ngày 4-1-2003, trong khi đào gốc tre, người ta đã tìm thấy một chiếc trống đồng cổ nằm ở độ sâu cách mặt đất 1,8m. Cách nơi phát hiện trống đồng khoảng 1km về phía tây, còn tìm thấy những di vật như mũi giáo, mũi lao, mũi tên bằng đồng...
Trống được phát hiện trong tư thế chôn thẳng đứng, mặt trống quay xuống lòng đất. Trống còn tương đối nguyên văn, đường kính mặt trống 70,5cm, cao 44,5cm, chân trống rộng 68cm và nặng 33kg.
Ở giữa mặt trống có hình ngôi sao có 12 cánh, xen giữa các cánh sao là hình hoa văn lông công cách điệu, tiếp theo là 18 vòng hoa văn: hình chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ, hình người hóa trang, hình trâm, đường vạch song song, đường tròn đồng tâm...
Có 4 khối tượng cóc đúc nổi (nhưng đã mất một con). Tang trống phình to, giữa tang và thân trống có hai đôi quai kép đối xứng qua thân, trang trí văn thừng, chân trống choãi.
Phần tang, thân, chân trống có 16 vành hoa văn hình học, chủ yếu là khắc vạch, đường tròn đồng tâm và có một vành hoa văn hình cánh ve, đây là dải hoa văn khá to giáp chân trống (hay còn gọi là hoa văn hình răng cưa cách điệu).
Toàn bộ mặt, tang, thân và chân trống có nhiều vết con kê hình tròn. Đây là chiếc trống loại I Hêgơ và là chiếc trống thứ hai tìm thấy ở tỉnh Tuyên Quang sau trống đồng Chiêm Hóa.
Trống đồng Thiện Kế tìm được ngay trong lòng đất, chứng tỏ nơi đây là một địa điểm khảo cổ thuộc thời đại Kim khí.
Vào thời văn hóa Đông Sơn, nơi đây là một điểm cư trú rất lâu đời, thậm chí còn có cả dấu tích văn hóa giai đoạn tiền Đông Sơn nữa. Bằng chứng là cách nơi tìm thấy trống đồng hơn 1km về phía tây có di tích làng cổ Thiện Kế, niên đại thuộc văn hóa Gò Mun có tầng văn hóa rõ rệt và nhiều đồ gốm.
Đây là chiếc trống đồng muộn, trang trí hoa văn có nhiều nét tương tự trống đồng Chiêm Hóa. Trống có hoa văn hình người múa hóa trang được cách điệu cao, hình chim Lạc đã cách điệu, hoa văn hình trâm, trống có 4 khối tượng cóc.
Các khối hoa văn vòng tròn đồng tâm, có chấm giữa, hoa văn gạch ngắn trên tang và lưng trống cho thấy trống đã bước vào giai đoạn hoa văn hình học hóa với số lượng lớn. Đặc biệt, chân trống có loại hoa văn hình tam giác biến điệu, chứng tỏ niên đại của trống đã muộn.
Trống có kỹ thuật đúc bằng khuôn đất nung và một loạt hệ thống con kê còn ghi lại dấu ấn khá nhiều trên mặt và thân trống. Nhìn chung, trống đồng Thiện Kế là trống loại I, còn gọi là trống đồng Đông Sơn muộn, đã có những yếu tố chuyển hóa sang trống loại IV.
Trống đồng Xuân Vân I:
Được tìm thấy vào tháng 11-2004 ở độ sâu 1,2m, thuộc thôn Đồng Dài, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn.
Trống đã bị vỡ làm nhiều mảnh (10 mảnh), nhưng còn xác định rõ các mảnh mặt trống, tang trống, thân trống và chân trống: Mặt trống có đường kính 58cm, ở giữa có ngôi sao mặt trời 12 tia, xen giữa các tia mặt trời là hoạ tiết trang trí hoa văn hình lông công cách điệu, các vòng hoa văn trên mặt trống trang trí hoa văn khắc vạch, hoa văn đường tròn đồng tâm, hình chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ, hình người hóa trang, hoa văn trâm và hoa văn ô trám lồng; có 4 khối tượng cóc quay thuận chiều kim đồng hồ. Tang trống phình to, thân trống thon hình trụ, chân trống choãi.
Đây là chiếc trống đồng Đông Sơn muộn, có những hoa văn như hình người hóa trang cách điệu cao, hình trâm, hoa văn trám lồng, 4 tượng cóc; chứng tỏ trống đã bắt đầu có những yếu tố muộn để chuyển tiếp sang trống đồng loại IV. Do chiếc trống này chỉ còn lại những mảnh vỡ nên không biết rõ các chi tiết hoa văn cụ thể hơn.
Trống đồng Xuân Vân II:
Được tìm thấy ở thôn Sơn Hạ 4, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn; chỉ còn lại một mảnh mặt trống và hai mảnh chân trống. Có thể chiếc trống đã vỡ thành nhiều mảnh từ rất lâu, vì tại mặt cắt, các vết vỡ đã có lớp patin rỉ đồng cùng màu với lớp patin trên mặt của các mảnh trống.
Mặt trống còn khá nguyên v n hình ngôi sao mặt trời 12 tia, vành ngôi sao có đường kính 14cm, xen giữa các tia mặt trời trang trí hoa văn hình lông công cách điệu; nối tiếp hình ngôi sao là vành hoa văn đường gạch song song và vòng hoa văn đường tròn đồng tâm (mỗi vành hoa văn rộng 1,1cm tạo thành hình tròn đồng tâm chạy quanh mặt trống).
Hai mảnh chân trống: Một mảnh có kích thước 8,3cm x 16,5cm, một mảnh có kích thước 8,1cm x 14cm. Mảnh chân trống có 3 vành hoa văn: hai vành hoa văn đường tròn đồng tâm và một vành hoa văn đường vạch song song.
Dưới cùng là vành hoa văn hình cánh ve (hình răng cưa cách điệu giống hình tam giác cân đặt ngược, giữa hình tam giác có đáy là 1,6cm, chiều cao 2,3cm). Các mảnh trống đều có lớp patin đồng màu xanh rêu đậm.
Đây là chiếc trống đồng Đông Sơn muộn, có những hoa văn như hình tam giác cách điệu ở chân trống, chứng tỏ trống đã bắt đầu có những yếu tố muộn để chuyển tiếp sang trống loại IV. Do chiếc trống này chỉ còn lại 3 mảnh vỡ nên không rõ trên mặt trống còn có hoa văn nào khác ngoài hoa văn ngôi sao và một vài hoa văn hình học.
Trống đồng trong đời sống cư dân thời Kim khí ở Tuyên Quang:
Đến nay, trống đồng Đông Sơn (một nhạc cụ lớn) đã được tìm thấy khá nhiều ở miền núi phía bắc nước ta. Tuyên Quang cũng là vùng đất đóng góp 4 chiếc trống đồng vào bản danh sách trống đồng đã phát hiện ở nước ta. Điều đặc biệt là những chiếc trống đồng ở Tuyên Quang đều tìm thấy trong lòng đất; chứng tỏ cư dân Tuyên Quang cổ thực sự là chủ nhân của trống đồng Đông Sơn.
Những chiếc trống đồng Tuyên Quang hẳn đã có một vai trò quan trọng trong cuộc sống tinh thần của người Tuyên Quang xưa. Có thể chúng còn có chức năng biểu thị quyền lực thủ lĩnh bên cạnh chức năng âm nhạc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.