Trong bối cảnh giá cước biển tăng cao, các doanh nghiệp phải đối mặt với các cuộc điều tra chống bán phá giá ở một số thị trường Mỹ, Hàn Quốc nhưng theo ông Trịnh Xuân Dương, Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, Chi Hội trưởng Chi hội Gỗ dán Việt Nam (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) cho biết, thị trường xuất khẩu các sản phẩm ván dán, viên nén, dăm gỗ trong năm 2024 vẫn tăng trưởng 25 - 30%. Trong đó, thị trường ván dán của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Malaysia; viên nén chủ yếu xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc trong khi thị trường chủ lực của dăm gỗ Việt Nam là Trung Quốc.
"Có sự tăng trưởng này là do đang có sự dịch chuyển về nhu cầu. Trung Quốc là nước sản xuất gỗ dán lớn nhất thế giới nhưng hiện thị trường đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam nhờ lợi thế nguyên liệu, chi phí sản xuất rẻ hơn", ông Dương nói.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu dăm gỗ đạt 1,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2023; gỗ và ván sàn đạt 1,3 tỷ USD, tăng 17,3%; gỗ viên nén đạt 499,8 triệu USD, tăng 12%;...
Đáng chú ý, theo ông Dương, các doanh nghiệp trong Chi hội Gỗ dán Việt Nam đang có sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu sản phẩm với việc cho ra đời nhiều sản phẩm có tính ứng dụng trong thực tiễn đời sống, thậm chí cả những sản phẩm đang rất "hot trend" như vợt Pickleball, giúp nhiều doanh nghiệp khẳng định vị thế trên thị trường.
Sự tăng trưởng của ngành gỗ dán đã có đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng của ngành gỗ từ đầu năm 2024 đến nay. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD.
Tính chung 9 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,7 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,04 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu, trị giá xuất khẩu sang các thị trường chính vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 9 tháng năm 2024, chỉ có xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc giảm nhẹ. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu trong 9 tháng năm 2024 là thị trường Mỹ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25,4%; Nhật Bản đạt 1,26 tỷ USD, tăng 0,1%; Hàn Quốc đạt 574,6 triệu USD, giảm 1,5%...
Phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ đáp ứng quy định hội nhập quốc tế
Một trong những vấn đề doanh nghiệp ngành gỗ quan tâm hiện nay là vấn đề phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, bởi Nghị định 102/2020/NĐ-CP về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam và Thông tư 21/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 đã quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ quy định đối tượng phân loại doanh nghiệp là doanh nghiệp có hoạt động chế biến đồng thời với hoạt động xuất khẩu gỗ.
Bên cạnh đó, Nghị định 120/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đã mở rộng đối tượng phân loại doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp trồng, khai thác và cung cấp gỗ rừng trồng, chế biến, nhập khẩu và xuất khẩu gỗ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 15/11/1024.
Về quan tâm của doanh nghiệp, bà Nguyễn Tường Vân - chuyên gia VPA/FLEGT (thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản) cho biết: Việc phân loại doanh nghiệp có nhiều lợi ích. Ngoài việc giúp đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ thì doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong việc hoàn thiện thủ tục hải quan khi xuất khẩu sản phẩm.
"Việc phân loại doanh nghiệp là tất yếu khi các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã ban hành quy định pháp luật về gỗ hợp pháp ngày càng nghiêm ngặt. Chẳng hạn, Mỹ có Đạo luật Lacey, EU có Quy chế gỗ (EUTR) và Quy chế không gây mất rừng (EUDR), Australia có Luật chống khai thác gỗ bất hợp pháp, Nhật Bản có Luật gỗ sạch, Hàn Quốc có Luật sử dụng gỗ bền vững, Anh có Quy chế sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ", bà Vân nói.
Cùng với đó, Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU; Thỏa thuận về chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp với Hoa Kỳ nhằm cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng. EU, Mỹ yêu cầu cơ quan chức năng của Việt Nam phải xác minh từng lô hàng trước khi xuất khẩu sang các thị trường này để đảm bảo là gỗ hợp pháp.
Ước tính hàng năm, Việt Nam xuất khẩu hàng triệu lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Cơ quan chức năng của Việt Nam không thể xác minh từng lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ trước khi xuất khẩu. Việc này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu khẩu gỗ.
"Do đó, thay cho việc xác minh từng lô gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu thì Việt Nam chuyển sang xác minh sự tuân thủ của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của hệ thống Đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS). Việc này sẽ không ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của doanh nghiệp", bà Vân cho hay.
Ông Trịnh Xuân Dương cũng đánh giá, với gần 1.700 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, khi đánh giá doanh nghiệp sẽ nhanh hơn so với đánh giá từng container hàng xuất khẩu. Việc phân loại doanh nghiệp cũng đánh giá về sự uy tín của doanh nghiệp vì sản phẩm tốt hay xấu là do doanh nghiệp chứ không phải do sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Dương cũng kiến nghị, việc đánh giá phân loại doanh nghiệp cần có lộ trình, đặc biệt mới những thị trường nhập khẩu nhỏ, thị trường chưa có yêu cầu về phân loại doanh nghiệp hay gỗ hợp pháp. Hay việc đánh giá cũng cần được áp dụng với quy mô từng loại doanh nghiệp, bởi như các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất gỗ dán hầu hết đi lên từ làng nghề. Việc họ có thể đáp ứng được ngay nhiều tiêu chuẩn cao như: phòng cháy chữa cháy, lao động, vệ sinh an toàn lao động, bảo hiểm… là rất khó.