Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Xuất khẩu gỗ giảm sẽ thôi thúc ngành lâm nghiệp tái cơ cấu thị trường

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 27/12/2023 17:16 PM (GMT+7)
Năm 2023, thị trường có nhiều biến động bất ổn, bị ảnh hưởng từ xung đột chính trị Nga – Ukraine, người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ, EU đang thắt chặt chi tiêu đối với sản phẩm không thiết yếu, trong đó, có các sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ vẫn đạt trên 14,3 tỷ USD, xuất siêu 12,1 tỷ USD.
Bình luận 0

Chiều 27/12, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị dự, chủ trì Hội nghị.

Xuất khẩu lâm sản trên 14,3 tỷ USD

Báo cáo kết quả năm 2023, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, năm qua, ngành lâm nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Theo đó, 250.000 ha rừng trồng mới, trồng phân tán 127 triệu cây; phát hiện 3.327 vụ phá rừng, diện tích rừng bị tác động là 1.047,8 ha; xảy ra 310 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng là 674,5 ha, trong đó, diện tích rừng có khả năng phục hồi khoảng 487,5 ha; Chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 4.100 tỷ đồng.

Về xuất khẩu lâm sản, đạt 14,390 tỷ USD, giảm 15,8% so với năm 2022. Theo ông Lực, nguyên nhân giảm do thị trường có nhiều biến động bất ổn, bị ảnh hưởng từ xung đột chính trị Nga - Ukraine, người tiêu dùng tại thị trường Mỹ và EU đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ.

Lâm - Ảnh 1.

Chiều 27/12, Cục Lâm nghiệp tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Bình Minh

Ông Lực nhấn mạnh, năm 2023, Cục Lâm nghiệp đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng "Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; Hướng dẫn xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững.

Đến nay, tổng số chủ rừng là tổ chức đã xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững trong cả nước đạt 70% về số lượng chủ rừng và 80% về diện tích. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 465.000 ha, đạt 93,0% mục tiêu của giai đoạn 2021-2025.

Năm 2023, đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong Lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. 

"Khó khăn chưa hẹn ngày kết thúc" 

Đó là nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị tại lễ tổng kết ngành lâm nghiệp. Theo ông, 20 năm qua chưa một năm nào giá trị xuất khẩu "tụt xuống" như năm nay, điều này càng "thôi thúc" ngành lâm nghiệp phải nhanh chóng tái cơ cấu từ thị trường, sản phẩm phụ trợ...

Trong những kết quả đạt được của ngành Lâm nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị bày tỏ ấn tượng khi lần đầu tiên Việt Nam thu được tiền từ chứng chỉ rừng và tín chỉ carbon; xuất siêu trên 12,1 tỷ USD và kể từ 1/5, Tổng cục Lâm nghiệp tách thành 2 cục, là Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm Lâm. 

Theo ông Trị, cơ cấu lại là bước cần thiết để hoàn thiện về tổ chức, từ đó quyết định thành công của chuyên môn.

Xuất khẩu lâm sản đạt 14,3 tỷ USD, dự báo "khó khăn chưa hẹn ngày kết thúc"   - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp, chiều 27/12. Ảnh: Bình Minh

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhìn nhận thời gian tới vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, ngành lâm nghiệp cần rà soát lại các chỉ tiêu năm 2024 để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ trưởng yêu cầu Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm những "những việc phải làm ngay", các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai, trong đó, liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. 

Ngành lâm nghiệp hiện còn 4 Nghị định chưa được ban hành, ông Trị cũng đề nghị Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm "ngồi lại" với nhau để xem xét đang "ách tắc" ở đâu.

Đối với những Thông tư, Nghị định đã được ban hành, Thứ trưởng Trị yêu cầu phải "nghe hơi thở cuộc sống" để xem phù hợp với thực tiễn hay chưa để kịp thời bổ sung, sửa đổi.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng đề nghị làm tốt công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem