Xuất khẩu gỗ gặp khó, cơ hội làm mới mình

K.Nguyên Thứ tư, ngày 10/01/2024 18:33 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị trước những khó khăn của ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ gặp phải trong năm 2023.
Bình luận 0

Kim ngạch xuất khẩu gỗ giảm

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý IV/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,75 tỷ USD, tăng 5% so với quý III/2023 và tăng 0,3% so với quý 4/2022.

Tính cả năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,5% so với năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,1 tỷ USD, giảm 17,5% so với năm 2022. Trong quý IV/2023, xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực, tuy nhiên đà phục hồi vẫn còn chậm, do đó chỉ bù đắp một phần nhỏ cho mức giảm từ đầu năm 2023.

Xuất khẩu gỗ gặp khó, cơ hội làm mới mình- Ảnh 1.

Bãi tập kết dăm gỗ để vận chuyển xuất khẩu, tại Cảng Quảng Ninh. Ảnh: C.Q.N

Xuất khẩu gỗ gặp khó, cơ hội làm mới mình- Ảnh 2.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 dự báo chưa thật khởi sắc, tiếp tục tác động không thuận tới hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Khó khăn với ngành gỗ có thể kéo dài khi những yếu tố bất lợi vẫn hiện hữu như khủng hoảng địa chính trị lan rộng, suy thoái kinh tế thế giới, các thị trường xuất khẩu chính chưa phục hồi. Mặc dù hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm, nhưng đà phục hồi còn tương đối chậm, tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa thấy sự phục hồi rõ nét.

"Triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2024 vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn" - Cục Xuất nhập khẩu dự báo. 

Nhanh chóng tái cơ cấu thị trường, sản phẩm

Mỹ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 thế giới. Trong cơ cấu thị trường cung cấp, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ, chiếm 36,4% tổng trị giá nhập khẩu. Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam giảm, nhưng mức giảm không đáng kể. Điều này cho thấy, các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam vẫn đang được người tiêu dùng Mỹ quan tâm.

Xuất khẩu gỗ gặp khó, cơ hội làm mới mình- Ảnh 3.

Chế biến gỗ tại Công ty Nhật Nam (Bình Dương). Ảnh: K.N

Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ, doanh nghiệp cần chú ý Mỹ là thị trường cạnh tranh lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu cũng như phát triển thị trường, đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hoá… để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các quy định về phát triển bền vững ngày càng cao.

"Để cạnh tranh hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần nâng cao chất lượng sản phẩm hay giảm giá thành sản xuất mà còn phải đảm bảo chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả"- Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, tình hình kinh tế, thương mại toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn chờ chực, khiến lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao, làm nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại nhiều thị trường tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ lớn trên toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị nhận định, 20 năm qua chưa một năm nào giá trị xuất khẩu "tụt xuống" như năm 2023, điều này càng "thôi thúc" ngành lâm nghiệp phải nhanh chóng tái cơ cấu từ thị trường, sản phẩm phụ trợ...

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhìn nhận thời gian tới vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, ngành lâm nghiệp cần rà soát lại các chỉ tiêu năm 2024 để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ trưởng yêu cầu Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm "những việc phải làm ngay", các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai, trong đó, liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. Ngành lâm nghiệp hiện còn 4 nghị định chưa được ban hành, ông Trị cũng đề nghị Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm "ngồi lại" với nhau để xem xét đang "ách tắc" ở đâu. Đối với những thông tư, nghị định đã được ban hành, Thứ trưởng Trị yêu cầu phải "nghe hơi thở cuộc sống" để xem phù hợp với thực tiễn hay chưa để kịp thời bổ sung, sửa đổi.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng đề nghị làm tốt công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem