Khu di tích Gò Tháp nằm trên địa bàn hai xã Tân Kiều và Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, với diện tích được quy hoạch bảo tồn khoảng 290ha, đất sạch.
Khu di tích khảo cổ Gò Tháp được tỉnh Đồng Tháp cấp kinh phí giải phóng mặt bằng vào năm 2005. Phía Bắc giáp kênh 27 (kênh 3 tháp) + kênh thủy lợi (thanh niên), phía Nam giáp kênh 1200 + kênh An Phong, phía Đông giáp kênh 1200, phía Tây giáp kênh thủy lợi (thanh niên).
Trong khu này, các di tích khảo cổ học xuất lộ dày đặc trong phạm vi 1km (bắc nam) 300m (đông tây) với địa hình cao nhất so với khu di tích và các vùng xung quanh.
Đây cũng là khu vực tập trung các di tích lịch sử thời cận hiện đại cũng như các thiết chế văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo với các yếu tố cổ xưa và đương đại đan xen nhau.
Khu di tích khảo cổ học Gò Tháp được biết đến từ những năm cuối thế kỷ 19 với tên gọi Prasat Pream Loven (Chùa năm gian) do các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện.
Đây là địa điểm còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa khoa học gắn với nền văn hóa Óc Eo. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại địa điểm này nhiều di tích kiến trúc xuất lộ ở các gò đất cao như: Gò Minh Sư, Gò Tháp Mười, Miếu Bà Chúa Xứ, Chùa Tháp Linh…
Các di tích cư trú được phân bố rộng khắp vùng đất trũng (mặt ruộng thấp) được phát hiện ở tầng văn hóa tiếp giáp với đáy biển cổ.
Di vật, hiện vật cổ tìm thấy ở các gò đất là bếp lửa, những mảnh nồi, bình có vòi, thanh củi cháy dở, cọc nhà sàn, tượng Phật bằng gỗ và các đồ vật thờ phụng và sinh hoạt như xúc xắc bằng gốm, chì lưới, bàn nghiền…
Cảnh quan di tích khảo cổ Gò Tháp, Di tích Quốc gia đặc biệt ở địa bàn hai xã Tân Kiều và Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Tại di chỉ khảo cố học này đã phát hiện nhiều di vật, hiện vật cổ xưa, trong đó có một ngôi mộ cổ chưa được khai quật khảo cổ. (Ảnh Niximura Masanari).
Ngoài giá trị về khảo cổ học, khu di tích Gò Tháp còn chứa đựng giá trị lịch sử cách mạng. Nơi đây là đại bản doanh của nghĩa quân Thiên Hộ Võ Duy Dương, Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều thời kỳ đầu chống Pháp (1864-1866).
Từ năm 1946 – 1948 Gò Tháp là căn cứ địa của xứ Ủy Nam Bộ, Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, Khu ủy khu 8; nơi đây từng in dấu chân hoạt động cách mạng của cán bộ cao cấp của Xứ ủy như đồng chí: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Nguyễn Bình, Nguyễn Thị Thập…
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn 502 anh hùng những người con của quê hương Đồng Tháp đã đánh sập Viễn Vọng đài cao 42m do chế độ Ngô Đình Diệm xây dựng để quan sát khống chế các hoạt động của quân giải phóng vào đầu năm 1960.
Gò Tháp còn là một điểm chứa đựng các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng lâu đời. Nơi đây có chùa Tháp Linh, Miếu Bà Chúa Xứ, đền thờ hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Võ Duy Dương, Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều. Gò Tháp là địa bàn quan trọng của quá trình hội nhập của cư dân – văn hóa bản địa và ngoại nhập, là vùng phát triển năng động.
Tượng thần phát hiện ở Di chỉ Quốc gia đặc biệt Gò Tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo cổ xưa. Ở Gò Tháp có nhiều cây cổ thụ, như cây trôm hơn 100 năm tuổi, cây sộp, cây me...
Hiện nay, tại khu vực này còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học khá tiêu biểu, như:
Gò Tháp Mười: là gò đất cao nhất, trên gò có cây cổ thụ là trôm lớn trên 100 năm (chu vi 6,4m, đo cách mặt đất 1,5m), một cây cổ thụ khác là cây sộp và một số cây dầu, me, lekima…
Mặt gò đất xuất lộ nhiều gạch và những khối đá lớn, lòng gò còn khối kiến trúc xây bằng gạch, phần Bắc nằm dưới phế tích ngôi tháp 10 tầng (1956-1960), phần Nam còn tương đối nguyên vẹn.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại đây dấu vết đền thờ thần Vishnu và nhiều hiện vật như 02 tượng vishnu, cánh tay tượng đá, rãnh Yoni, khuôn đúc đồ trang sức…) thuộc giai đoạn văn hóa Óc Eo.
Chùa Tháp Linh (Tháp Mười cổ tự): cách Gò Tháp Mười 100m về phía bắc, có bố cục mặt bằng nền hình chữ “Công”, gồm các hạng mục: cổng, sân, chùa, đài Quán Thế Âm, chánh điện, hậu Tổ, nhà tăng ni.
Đền thờ Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều: được xây dựng năm 1958, thờ Đốc Binh Kiều, đến năm 1991, đền được sửa chữa khang trang và thờ thêm Võ Duy Dương. Các hạng mục chính của đền hiện nay gồm: nghi môn, tượng đài, chính điện…Phía sau đền thờ có mộ ông Đốc Binh Kiều. Đền thờ nằm trong không gian thoáng đãng, dưới tán của những cây lớn.
Gò Minh Sư: là gò đất nằm cách di tích Gò Tháp Mười khoảng 400m về phía Bắc – Đông Bắc. Gò cao 3,96m, rộng khoảng 1.200m2, dạng gần vuông…, năm 2009 di tích được khai quật và phát lộ một nền kiến trúc có quy mô lớn trên 1.000m2, có cấu tạo mới lạ, độc đáo lần đầu tiên tìm thấy trong khu di tích Gò Tháp nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Năm 2012 di tích được làm mái che bảo quản.
Miếu Bà Chúa Xứ (Linh Miếu Bà): Một dạng tín ngưỡng mang đậm nét dân gian, Lịch sử ngôi Miếu có từ lâu đời. Đến năm 1973, Miếu được xây bằng gạch quay hướng Đông Nam. Ngôi Miếu hiện nay được xây dựng lại năm 1995, miếu gồm 3 gian, gian giữa thờ Bà Chúa Xứ, hai gian bên đặt khám thờ Tả ban và Hữu ban.
Gò Bà Chúa Xứ: Gò đất này cách Gò Tháp Mười khoảng 570m về phía Bắc. Năm 1984 và năm 1995, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật di tích này và phát hiện được nền móng gạch của công trình kiến trúc cổ…Năm 1995, di tích được làm mái che bảo quản, đến năm 2010, di tích được gia cố, trùng tu, sửa chữa khang trang như ngày hôm nay.
Ngôi mộ cổ, chưa được khai quật: Tương truyền là mộ cổ mang tên Hoàng Cô – một người trong hoàng tộc Nguyễn Phúc?
Hằng năm, tại di tích Gò Tháp tổ chức lễ hội vía Bà Chúa Xứ - ngày 14-15 tháng 3 (âm lịch) và lễ giỗ hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều – ngày 14-15 tháng 11 (âm lịch). Trong lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh và trình diễn dân gian thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân sở tại và du khách địa phương.
Thủ tướng Chính phủ công nhận di chỉ Gò Tháp là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012 cho loại hình di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật. Khu di tích Gò Tháp còn là một điểm danh lam thắng cảnh của vùng sinh thái ngập nước mang nhiều dấu vết hoang dã. Gò Tháp Mười: là gò cao nhất, trên gò có cây cổ thụ là trôm lớn trên 100 năm (chu vi 6,4m, đo cách mặt đất 1,5m), một cây cổ thụ khác là cây sộp và một số cây dầu cổ thụ, cây me cổ thụ, cây lekima...
Khu di tích Gò Tháp còn là một điểm danh lam thắng cảnh của vùng sinh thái ngập nước. Nơi đây môi trường sinh thái còn mang nhiều dấu vết hoang dã đã và đang bảo tồn được các thảm thực vật, động vật của vùng đất ngập nước như: tràm, sen, sậy, năng, lúa trời, trăn, rắn, các loài chim cá…
Với những trầm tích dần được phát lộ qua những cuộc khai quật, dưới lòng đất Gò Tháp này vẫn còn nhiều bí ẩn, thôi thúc sự quan tâm khám phá không chỉ đối với các nhà khảo cổ.
Nền văn minh cổ xưa nơi đây không chỉ trường tồn với thời gian mà nó còn được nâng tầm giá trị trong mối quan hệ tổng hòa của nền văn hóa đương đại, đan xen các yếu tố lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh. Sự hội tụ các thiết chế, các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng lâu đời đã làm phong phú thêm nền văn hóa vật thể và phi vật thể nơi đây.
Với những giá trị đó, Gò Tháp đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1989 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012 cho loại hình di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật.
Hiện nay, quanh khu vực di tích đê bao kiên cố, xe ô tô đi lại dễ dàng. Cặp đê bao trồng những rặng tre xanh ngút ngàn vừa bảo vệ vào mùa lũ, vừa tạo cảnh quan và bóng mát.
Những rừng tràm xanh mướt, những đồng hoa sen, hoa súng đua nhau nở hoa khoe sắc, những cây cổ thụ như cây trôm cổ thụ hơn 100 năm tuổi, cây sộp, cây gáo, cây me tây, cây cà dâm… chen lẫn cây ăn trái của người dân trồng trước đây như: me chua, xây xoài, cây mận, cây ổi, cây mít, cây dừa…tất cả như hòa quyện tạo thành “lá phổi” xanh bất tận mà thiên nhiên ban tặng cho con người mỗi khi có dịp đến nơi này.
Thực hiện chủ trương của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, khu di tích đã được Công ty xây dựng kiến trúc miền Nam thuộc Hội kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh lập quy hoạch và đã được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp phê duyệt. Với nhiều khu chức năng như: Khu văn hóa lễ hội, khu Trung tâm bảo tồn, vườn thú, khu dân cư truyền thống, khu quản lý dịch vụ, khu du lịch sinh thái, sân bãi, đường giao thông, khu lưu niệm…
Theo đó, hiện nay một số tuyến đường nội bộ đã được đầu tư thi công tạo thuận lợi cho việc đi lại của du khách đến tham quan khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ Gò Tháp gồm các tuyến đường như: Đường tránh tháp sen, đường D1, D2, D3, D4, D5….
Từ vị trí ý nghĩa, giá trị và thực trạng, Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp xác định: bảo tồn và phát huy giá trị của di tích không chỉ là bảo tồn di sản văn hóa của một địa phương tỉnh Đồng Tháp mà nó còn có ý nghĩa cho cả toàn vùng Nam bộ của nước ta và mở rộng ra khu vực và thế giới.
Ban quản lý khu di tích Gò Tháp mong muốn nhận được ủng hộ giúp đỡ của các nhà khoa học trong và ngoài nước các cơ quan của Trung ương và địa phương có liên quan, các nhà quản lý di sản văn hóa dân tộc, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, xã hội…để phát huy một cách tốt nhất các giá trị Văn hóa, lịch sử, khảo cổ tại khu di tích Gò Tháp.