Trong mùa thu hoạch hai loại cây dược liệu chính là ba kích và đẳng sâm năm nay, gia đình ông Cơlâu Nhiên (ở thôn Ariêu, xã Trhy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam-nơi tiếp giáp với huyện Kạ Lừm, tỉnh Sê Kông - Lào) có thêm nguồn thu nhập trên 50 triệu đồng nhờ bán sản phẩm dược liệu cho thương lái.
Ông Cơlâu Nhiên phấn khởi chia sẻ, đây là vụ thu hoạch đầu tiên của gia đình ông. Vườn rừng của gia đình ông hiện có hơn 1ha đẳng sâm và ba kích.
Sau khoảng 3 năm, cây ba kích và đẳng sâm đều có thể cho thu hoạch nếu được chăm sóc kỹ. Mỗi kg đẳng sâm được thu mua với giá từ 200.000 - 220.000 đồng, mỗi kg ba kích tím có giá từ 230.000 - 260.000 đồng. Thương lái đến thu hết, bà con rất vui. Đây thật sự là cây giảm nghèo bền vững cho đồng bào.
Giống cây ba kích được ươm và trồng tại núi rừng Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Gắn bó nhiều năm với việc phát triển các loại cây dược liệu theo mô hình kinh tế vườn rừng, kết hợp giãn dân, ông Trần Văn Ta, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Giang cho biết, các loại cây dược liệu như đẳng sâm, ba kích tím hoàn toàn thích nghi điều kiện thổ nhưỡng, tập quán, trình độ canh tác của đồng bào.
Sau hơn 5 năm vận động và hỗ trợ vốn, kỹ thuật để bà con cải tạo vườn nhà, vườn rừng, huyện Tây Giang đã trồng được trên 1.000ha cây dược liệu, chủ yếu là đẳng sâm và ba kích tím.
Tuy chưa thống kê sản lượng nhưng đây được xem là cây trồng chủ lực trong việc tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
"Chủ trương của huyện trong những năm tới là ưu tiên bố trí quỹ đất phát triển nông nghiệp sạch, trồng dược liệu theo chuỗi liên kết, hướng tập trung, chuyên canh, phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu, từng bước hình thành vùng sản xuất, nhất là ở các vùng giãn dân khu vực biên giới.
Ngoài nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện tiếp tục thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp phát triển cây dược liệu theo hướng liên kết từ đầu tư cây, con giống đến thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu, tạo nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào" - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Giang cho biết.
200% hộ dân xã Ch’ơm, huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), tham gia trồng cây đẳng sâm. Ảnh: H.Liên
Nói về tiềm năng của các loại cây dược liệu, ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, cây đẳng sâm và ba kích tím cùng một số loại cây dược liệu khác là cây bản địa, được đồng bào sử dụng từ xa xưa.
Các loại cây này được phát triển mạnh trong khoảng mười năm trở lại đây khi nhu cầu của thị trường tăng cao và đã trở thành cây trồng chủ lực trong quá trình thực hiện chủ trương giãn dân, lập vườn cho đồng bào, nhất là đồng bào ở khu vực biên giới.
Theo ông Bhling Mia, trong số 123 mặt bằng thôn, khu dân cư tập trung với tổng diện tích tái định cư hơn 374ha, huyện bố trí cho hơn 5.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số định cư. Hơn một nửa số hộ đã được hỗ trợ vốn, lương thực và kỹ thuật để phát triển kinh tế vườn rừng theo mô hình chăn nuôi và trồng cây dược liệu.
Tây Giang có 10 xã, trong đó có 8 xã vùng biên giới giáp với huyện Kạ Lừm và Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào.
Hiện 8 xã vùng biên giới đã có đường ô tô đến trung tâm, 62/63 thôn có đường ôtô, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 73%. Đây là điều kiện thuận lợi để Tây Giang thực hiện hiệu quả chương trình giãn dân, lập vườn rừng, phát triển chăn nuôi, trồng dược liệu dưới tán lá rừng cho đồng bào.
Vườn trồng cây ba kích ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Lưu Hương
Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn của tỉnh về cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) đã hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu trên tổng diện tích gần 1.475ha.
Ngoài ra, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQCP (triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH 14 của Quốc hội), phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, huyện Tây Giang đã triển khai “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm.
Riêng xã Ch’Ơm 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó thôn Achoong chiếm gần một nửa.
Dự án liên kết để phát triển các vùng trồng cây dược liệu giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập, nâng cao đời sống nên nhiều hộ dân phấn khởi tham gia. Cùng với đó, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ xã Ch’Ơm hỗ trợ bao tiêu sản phẩm giúp hàng trăm hộ gia đình có thu nhập ổn định từ cây đẳng sâm khoảng 150 - 200 triệu đồng.
Tây Giang sẽ tiếp tục sử dụng lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn đầu tư khác để phát triển cơ sở hạ tầng; tập trung quy hoạch, sắp xếp dân cư dọc tuyến biên giới, gắn với phát triển kinh tế vườn rừng, mở rộng diện tích cây dược liệu, tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.