Giá sầu riêng neo ở mức cao đối với hàng loại đẹp xuất khẩu và lên tới 160.000 đồng/kg khi bước vào vụ thu hoạch vụ nghịch của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Trên thị trường nội địa, giá sầu riêng hôm nay 5/11 neo ở mức cao đối với hàng loại đẹp xuất khẩu khi nguồn cung khan hiếm.
Tại tỉnh Tiền Giang (khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), hiện sầu riêng Ri6 thương lái thu mua từ 135.000 - 140.000 đồng/kg, tăng hơn khoảng 30% so với tháng trước. Với năng suất đạt từ 20 - 25 tấn/ha bình quân, mỗi ha thu hoạch đúng thời điểm hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi không dưới vài tỷ đồng.
Thông thường, vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm, nông dân bắt đầu xử lý rải vụ và vườn sầu riêng sẽ cho thu hoạch vào tháng 11 trở đi. Thời điểm này, sầu riêng có giá, bà con thu lợi nhuận cao.
Giá sầu riêng Monthong Thái (hay còn gọi là sầu riêng Dona) các khu vực được mua cao nhất từ 155.000 - 160.000 đồng/kg đối với hàng loại A và 140.000 - 145.000 đồng/kg đối với hàng loại B.
Sầu riêng Ri6 cũng ghi nhận đà tăng tích cực. Nếu như hồi tháng 8, Ri6 chỉ có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg thì tới cuối tháng 10, giá thu mua tại vườn là 150.000 - 155.000 đồng/kg đối với loại A và 130.000 - 135.000 đồng/kg loại B.
Hiện nay mùa sầu riêng tại Đăk Lăk đã kết thúc, chỉ còn một số ít của các vườn trồng lớn khu vực Lâm Đồng.
Cùng với đó, lượng sầu riêng trái vụ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa có nhiều, khiến nguồn cung hạn chế so với sức cầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng cao so với thời điểm đúng vụ thu hoạch.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng dự đoán giá sầu riêng sẽ tiếp tục neo ở mức cao, kể cả khi vào vụ thu hoạch của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Lý do là Thái Lan đã hết vụ, sầu riêng Việt sẽ một mình một chợ tại Trung Quốc trong dịp cuối năm nay, khi người tiêu dùng Trung Quốc đẩy mạnh việc mua biếu tặng dịp lễ, Tết.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng đóng góp lớn nhất, mang về hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên-Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng là loại trái cây mang lại kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ. Dù chính vụ sầu riêng Tây Nguyên kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn có hàng trái vụ nhờ kỹ thuật rải vụ tốt của nông dân. Nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD - một con số hiếm loại trái cây nào đạt được.
Các chuyên gia dự báo, đến năm 2025, lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường Trung Quốc rất lớn, cộng tất cả các nước xuất khẩu sầu riêng ở khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường này. Trong khi đó, so với các quốc gia trong khu vực thì sầu riêng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc có nhiều lợi thế cạnh tranh về logistics và chất lượng. Vì vậy, dư địa cho tăng xuất khẩu sầu riêng vẫn còn nhiều.
Cũng theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 8 tháng năm nay Việt Nam chi gần 9 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan, Malaysia. So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng tăng đột biến, tăng gấp gần 11,6 lần.
Tuy nhiên, riêng trong tháng 8, nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam là 182.000 USD, giảm 67% so với tháng trước và giảm 15% so với tháng 8-2023. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng nhập khẩu sầu riêng đang giảm tốc.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vấn đề tăng nhập sầu riêng từ đầu năm đến nay chưa đáng lo vì tỉ trọng hàng nhập khẩu rất thấp. Cập nhật đến tháng 10, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đã đạt hơn 3 tỷ USD nên kim ngạch nhập khẩu chưa đáng lo.