Một tỉnh Tây Nguyên có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất nước lại đang tăng “nóng”, phát cảnh báo
Một tỉnh Tây Nguyên có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước tiếp tục tăng trưởng “nóng”
Phương Ngọc
Thứ bảy, ngày 02/11/2024 05:37 AM (GMT+7)
Trong khi diện tích cây cà phê, hồ tiêu giảm nhẹ thì cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lại có sự phát triển tương đối "nóng". Tuy nhiên, ngành chức năng và các địa phương không khỏi lo lắng khi chuỗi liên kết sản xuất thiếu bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sáng 1/11, Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024, sơ kết vụ mùa năm 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025.
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk thông tin về các kết quả sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cho biết sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2024 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đã gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ, thiếu kinh phí thực hiện, chưa tập trung vào bảo quản, chế biến sau thu hoạch, giá trị gia tăng thấp. Các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, liên kết sản xuất với nông dân chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Mặc dù vậy, cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đã có sự biến đổi tương đối lớn, chuyển dịch từ cây lâu năm sang cây ăn quả. Hiện nay, diện tích cây lâu năm của tỉnh đạt khoảng 368.000 ha. Diện tích cây lâu năm, cây công nghiệp khoảng 303.000 ha, chiếm khoảng 82%, cây ăn quả khoảng 65.000 ha, chiếm khoảng 18%.
Trong đó, một số cây trồng giảm nhẹ như diện tích cà phê từ 213.000 ha giảm xuống còn 212.000 ha; cây tiêu giảm từ 30.000 ha xuống còn 29.000 ha, cây điều giảm từ 27.000 ha xuống còn 26.000 ha.
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đạt khoảng 33.000 ha sầu riêng.
Trong khi đó, một số cây ăn quả xu hướng tăng lên, trong đó tập trung vào cây sầu riêng.
Năm 2024, toàn tỉnh đạt khoảng 33.000 ha sầu riêng (tăng hơn 10.000 ha so với năm 2022); sản lượng hiện nay đạt khoảng 316.000 tấn.
"Điều đó chứng tỏ sầu riêng trong giai đoạn qua phát triển tương đối "nóng"", ông Hiển nói.
Cần có giải pháp căn cơ để xây dựng chuỗi giá trị bền vững
Tham luận tại hội nghị, đại diện nhiều đơn vị, địa phương không khỏi lo lắng trước tình trạng liên kết sản xuất trên địa bàn hiện nay thiếu tính bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cư Mgar, cho biết hiện tỉnh đã có đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn và đã quy hoạch các vùng trồng quy mô lớn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều khăn về kinh phí, ngân sách, chính sách hỗ trợ như liên kết, giống, tín dụng...
Hiện nay, người nông dân vẫn làm theo tư duy cá nhân nên chất lượng sản phẩm chưa được đảm bảo. Bên cạnh đó, chưa có tiêu chuẩn chung về ngành hàng sầu riêng như quy trình chăm sóc, tiêu chuẩn độ chín, quản lý chất lượng...
Ngoài ra, thị trường sầu riêng cũng chưa có sàn giao dịch nên người dân cứ nghe đơn vị thu mua này, đơn vị thu mua kia, dẫn đến xảy ra tranh chấp hợp đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk nói về những khó khăn trong việc xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Hơn nữa, liên kết chuỗi giá trị chưa vững chắc, quá trình hợp tác giữa nông dân hay doanh nghiệp, hợp tác xã thiếu tính bền vững, chưa tìm được tiếng nói chung.
Khi được mùa thì mất giá nhưng khi được giá, doanh nghiệp ký hợp đồng thì chưa chắc nông dân sẽ bán cho họ. Vấn đề này không phải bây giờ mới tồn tại mà đã xảy ra rất nhiều năm nay.
Trên cơ sở đó, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cư Mgar, đề nghị trong thời gian tới, các ngành chức năng cần đưa ra giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên nhằm xây dựng chuỗi giá trị bền vững.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết với tư duy chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thời gian tới, ngành nông nghiệp Đắk Lắk cần thay đổi nhận thức sản xuất theo hướng tập trung, phát huy hiệu quả của nông sản chủ lực, theo chuỗi giá trị và thế mạnh của từng vùng.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp không chỉ quan tâm đến diện tích, năng suất, sản lượng mà phải tạo được chuỗi giá trị, chuỗi liên kết liên tục và bền vững, tạo sản phẩm đồng nhất, được chứng nhận theo các tiêu chuẩn của quốc tế.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ cùng các địa phương cần phổ biến tư duy "lợi nhuận cùng chia, rủi ro cùng gánh chịu" để xây dựng mối liên kết bền chặt trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực; nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, các tổ chức của người nông dân.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.