Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Kiểm định chất lượng qua từng tiếng gõ
Đã 10 giờ đêm, nhưng kho sầu riêng của Công ty CP Sầu riêng Tây Nguyên (Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) vẫn tấp nập những chuyến xe chở sầu riêng từ khắp các vườn đổ về. Xe vừa đến, một tốp nhân viên tiến đến, trên tay ai cũng cầm con dao Thái lưỡi mỏng, thoăn thoắt đưa từng quả sầu lên, lấy cán dao gõ bồm bộp. "Quả này có vẻ sượng", một người trong nhóm nói và nhanh chóng lấy dao cắt một miếng mỏng trên quả sầu riêng để thử. Sau đó, lô hàng được trả về, kho kiên quyết không nhận. Còn những xe hàng đạt chuẩn, những người thợ lại tiếp tục kiểm tra từng quả, sau đó phân loại, đưa vào từng khu vực riêng.
Công việc của những người thợ gõ sầu cứ thế tiếp diễn, có khi kết thúc một ca làm việc khi đã tờ mờ sáng hôm sau. Tưởng có vẻ đơn giản nhưng "gõ" sầu riêng đang là nghề có thu nhập khủng trong chuỗi ngành hàng sầu riêng với mức lương trả cho một thợ gõ sầu "cứng" có thể lên đến 50 - 70 triệu đồng/tháng.
Theo báo cáo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 ước đạt 6,4 tỷ USD. Sầu riêng tiếp tục là mặt hàng đóng góp lớn nhất, mang về hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nguyễn Đức Tài (24 tuổi, ở Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã có hơn 4 năm trong nghề "gõ" sầu riêng. Vụ sầu riêng năm nay, Tài được "chiêu mộ" vào đội ngũ "gõ" sầu chuyên nghiệp của Công ty CP Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita), cũng toàn là những thanh niên còn rất trẻ.
Nghề "gõ" sầu của Tài cũng dịch chuyển theo từng thời điểm các vùng sầu riêng ở Việt Nam vào vụ, bởi trước khi "đầu quân" cho Sarita, Tài đã có khoảng thời gian làm việc ở những kho thu mua sầu riêng ở vựa sầu Khánh Sơn (Khánh Hòa).
Khi được hỏi về lý do đến với cái nghề lạ lẫm này, Tài bảo: "Học hết lớp 12 là em bắt đầu đến các vườn sầu riêng ở Lâm Đồng theo nghề chụp sầu, rồi lân la học cách gõ sầu. Đến nay em đã theo nghề được hơn 4 năm".
Chia sẻ về hành trình đến với nghề "gõ" sầu riêng, Tài cho biết, không phải chỉ cầm con dao, gõ gõ lên quả sầu một thời gian là lên thợ mà cần có đôi tai thính nhạy, nghe từng sự thay đổi nhỏ trong những quả sầu riêng khi tiếp xúc với cuống dao; đôi mắt tinh nhanh phân biệt màu sắc trên từng quả sầu.
"Bài học vỡ lòng của những người thợ gõ sầu riêng chính là phải phân biệt được từng tiếng gõ. Quả sầu còn non, tiếng gõ sẽ có cảm giác cứng hơn, đanh hơn; khi sầu sắp chín tiếng gõ sẽ trầm hơn, nghe tiếng bồm bộp, nôm na như ông bà ta đi tìm quả mít chín trên cây vậy", Tài nói rồi nhanh tay bế một quả sầu lên ngang mắt, tay kia xoay cuống dao, gõ tanh tách vào quả sầu: "Như quả này là đạt chuẩn loại một xuất khẩu: Cơm vàng, bột ngọt, quả trọng lượng vừa phải, tròn trịa, gai như gai nhím".
Được trả mức lương cao nhưng theo Tài, nghề "gõ" sầu riêng cũng tương đối vất vả vì giờ làm việc thường bắt đầu vào buổi tối, có thể kéo dài đến rạng sáng hôm sau. Phải là thanh niên có đủ sức khỏe mới theo được nghề. Tài xòe bàn tay với các đầu ngón tay chi chít những vết gai sầu riêng còn sót lại và nói: "Không chỉ thức đêm vất vả, nhìn đôi tay của những người thợ gõ nhà báo cũng hiểu nghề này cũng có những cực nhọc riêng của nó dù mức lương rất hấp dẫn".
Tài cho biết, nếu có đủ sức khỏe những người thợ "gõ" sầu sẽ không bao giờ sợ hết việc vì hết vụ sầu riêng ở Tây Nguyên sẽ đến mùa sầu riêng vụ nghịch ở miền Tây, sau đó xuống miền Đông, vựa sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa). "Nhu cầu thợ gõ rất cao, chỉ sợ không đủ sức. Như em, chỉ được nghỉ một vài tháng đầu năm"- Tài tiết lộ.
Tưởng đơn giản mà gian nan không ngờ
"Gõ" sầu, nếu chỉ nhìn vào công việc những người thợ đang làm, có lẽ ai cũng nghĩ rất đơn giản khi chỉ cần cầm con dao Thái nhỏ, gõ gõ cuống dao vào quả sầu xem nó đạt độ tuổi thứ mấy, khay hộc quả có đều không. Nhưng với những người trong ngành sầu riêng, lực lượng thợ gõ đóng vai trò quyết định về chất lượng sầu riêng xuất khẩu, nói cách khác chính là những người góp phần làm cho những chuyến hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc được đảm bảo về chất lượng.
Có lẽ vì vậy mà mỗi thợ "gõ" sầu ở Sarita đều có một mã số riêng, mỗi quả sầu qua bàn tay, đôi mắt họ thẩm định sẽ được dán thêm mã số của người thợ gõ, trong quá trình đưa lên biên giới xuất khẩu sang Trung Quốc nếu chất lượng quả sầu có vấn đề thì người thợ gõ phải chịu trách nhiệm.
Tôi hỏi: "Đã khi nào gõ nhầm chưa?", Tài tự tin khẳng định: "Có thể thẩm định gần như chắc chắn 10 quả như 10".
Tài cho biết thêm, để những trái sầu riêng tươi ngon, đảm bảo tiêu chuẩn đến được với thị trường xuất khẩu thì ngay tại vườn, đội ngũ thợ cắt cũng đã phải gõ từng trái để chỉ cắt trái già. Đưa về kho, thợ gõ lại tiếp tục kiểm định để phân loại; hàng loại A thường để phục vụ đóng công xuất khẩu sang Trung Quốc với tiêu chuẩn trái tròn, đẹp, đều hộc, cắt ra cơm có màu vàng đều, bột ngọt. Hàng loại khác có thể phục vụ bóc múi hoặc chế biến. Sau khi nhận được cái gật đầu của thợ "gõ" những quả sầu riêng tiếp tục được đưa vào xử lý, sơ chế, trước khi đưa lên container lên biên giới.
"Đường đi của trái sầu riêng kiểu gì cũng phải qua thợ gõ thẩm định rồi mới được phân loại để sử dụng cho từng mục đích khác nhau, xuất khẩu quả tươi, bóc múi hoặc chế biến. Nếu thợ gõ không có tay nghề, hàng xuất khẩu có thể không đạt chất lượng hoặc nếu thợ gõ không trung thực thì cũng có thể móc nối với chủ vựa trà trộn những loại sầu riêng chưa đạt chuẩn xuất khẩu vào"- Tài nêu một thực tế.
Sầu riêng đã và đang chứng minh vị thế trái cây "vua" trên thị trường xuất khẩu. Theo báo cáo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 ước đạt 6,4 tỷ USD - một con số vô tiền khoảng hậu. Trong số 6,4 tỷ rau quả Việt Nam mang về cho đất nước, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng đóng góp lớn nhất, mang về hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Dù chính vụ sầu riêng đã kết thúc vào tháng 10, Việt Nam vẫn có hàng trái vụ, giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD - một con số hiếm loại trái cây nào đạt được.
Ngành hàng sầu riêng, ngoài các nhà vườn, doanh nghiệp, đang có sự đóng góp của đội ngũ những người thợ "gõ" sầu, những người thợ "bắt" sầu, tạo thành một dây chuyền liên kết khá chặt chẽ, quyết định đến chất lượng của sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Một nghề tưởng đơn giản nhưng nếu không làm bằng cái tâm, không có kinh nghiệm thì có thể ảnh hưởng đến một container hàng, cao hơn là một ngành hàng giàu triển vọng. Nếu nhìn theo góc độ này, tiếng "gõ" sầu khi đó không chỉ còn là tiếng gõ của một nghề lạ, lương cao…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.