Dân Việt

Tín dụng xanh – động lực phát triển bền vững: Làm sao để vốn xanh “tự tìm đến”? (Bài 3)

Minh Huệ 08/11/2024 06:56 GMT+7
Nếu các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân có cùng tầm nhìn và định hướng phát triển bền vững, tập trung vào sự minh bạch, giữ gìn cho môi trường, họ sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xanh và nhận được sự hỗ trợ xứng đáng từ các tổ chức tín dụng và phi chính phủ…
Tín dụng xanh – động lực phát triển bền vững: Làm sao để vốn xanh “tự tìm đến”? (Bài 3) - Ảnh 1.

Tín dụng xanh "tự tìm đến" nhờ sản xuất bền vững

Trước đây, gia đình ông Trần Văn Tiền ở ấp Vàm Ray (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) có thu nhập chủ yếu từ trồng 1ha mía. Tuy nhiên, từ khi ngành mía đường bị cạnh tranh bởi đường lậu, cây mía liên tục mất giá. Ông Tiền đã dành nhiều thời gian tìm hiểu các mô hình sản xuất khác và nhận thấy rằng, luân canh lúa – tôm ít rủi ro, phù hợp với đất đai địa phương, đặc biệt sản phẩm làm ra an toàn nên được thị trường ưa chuộng.

Ông quyết định "gõ cửa" ngân hàng để vay vốn. Sau khi xem xét, thấy dự án của ông Tiền phù hợp với chương trình cho vay "xanh", có lãi suất ưu đãi hơn so với khoản vay thông thường, cán bộ ngân hàng đã hỗ trợ ông hoàn thiện thủ tục cần thiết. Nhờ đó, ông có tiền chỉnh trang đồng ruộng, làm thủy lợi, và chuyển hẳn sang trồng lúa kết hợp nuôi tôm.

Mỗi năm, sau khi thu hoạch 2 vụ lúa, ông tiếp tục cho nước vào để nuôi thêm một vụ tôm và cua luân phiên. Tôm và cua ăn sinh vật và tàn dư của cây lúa, giúp giảm một phần chi phí thức ăn và công chăm sóc. Khi mưa xuống, nước ngọt đẩy nước mặn trở lại biển, ông Tiền lại trồng lúa. Những năm được giá, gia đình ông lãi khoảng 80 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 2-3 lần so với chỉ trồng mía trước đây.

Tín dụng xanh – động lực phát triển bền vững: Làm sao để vốn xanh “tự tìm đến”? (Bài 3) - Ảnh 2.

Ông Danh Mẫm, xã Đông Yên (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) phát triển mô hình tôm sạch - lúa thơm từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Kiên Giang, cho thu nhập cao gấp gần 3 lần so với độc canh cây lúa, và gần 2 lần so với chỉ nuôi tôm. Ảnh: Trà My

"Ban đầu ở đây chỉ có một vài hộ làm theo mô hình này, nhưng bây giờ đã có nhiều hộ tham gia hơn. Mô hình này rất chắc ăn bởi nếu lúa không đạt năng suất thì vẫn có tôm và nếu tôm rớt giá thì còn có cua để bù lại. Thêm nữa, mô hình tôm - lúa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, ít tác động tới môi trường nên được chính quyền khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện và hướng dẫn chúng tôi tham gia vào chuỗi sản xuất lúa – tôm bền vững", ông Tiền khẳng định.

Câu chuyện của ông Tiền không phải là cá biệt, có vốn xanh "tự tìm đến". Tín dụng xanh là động lực quan trọng để bà con khu vực nông thôn chuyển đổi các mô hình kém hiệu quả sang canh tác lúa – tôm an toàn, theo hướng hữu cơ, đạt chất lượng và chứng nhận tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP). Thậm chí, nếu có được mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, người dân và doanh nghiệp còn có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính và tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. 

Là chủ một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và hạt tiêu hàng đầu vào châu Âu, từ 14 năm trước, ông Phan Minh Thông (Công ty CP Phúc Sinh – TP.HCM) đã thực hiện các công việc phát triển bền vững tại vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Khi đó, nhà nhập khẩu châu Âu yêu cầu đến năm 2015, tất cả sản phẩm cà phê và hạt tiêu của Phúc Sinh phải đạt chứng chỉ an toàn thực phẩm của châu Âu mới nhập hàng và phân phối vào các siêu thị.  

Chia sẻ với Dân Việt, ông Thông cho biết thời điểm đó, ông chỉ suy nghĩ đơn giản là "làm theo yêu cầu của khách hàng". Sau một thời gian, ông Thông nhận thấy con đường này không chỉ mang lại lợi nhuận nhiều hơn mà phát triển bền vững sẽ là xu hướng bắt buộc. 

Thực tế, khi Phúc Sinh đạt được chứng nhận Rainforest Alliance (RA - Chứng nhận Tiêu chuẩn Nông nghiệp bền vững giúp bảo vệ rừng và môi trường), khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm có chứng nhận. 

Tín dụng xanh – động lực phát triển bền vững: Làm sao để vốn xanh “tự tìm đến”? (Bài 3) - Ảnh 3.

Nông dân huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) thu hoạch những quả cà phê chín đạt chuẩn cung cấp cho nhà máy Phúc Sinh Sơn La thuộc Công ty CP Phúc Sinh. Ảnh: T.L

Nhờ vậy, ông Thông có thêm tiền và động lực để tiếp tục phát triển bền vững, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đầu tư vào các chương trình đào tạo cho nông dân và nhân viên công ty nhằm giúp họ nâng cao nhận thức, cải thiện kỹ năng thực hành các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).

Thực tế là khi vùng cà phê của Phúc Sinh đạt được chứng nhận Rainforest Alliance (RA - Chứng nhận Tiêu chuẩn Nông nghiệp bền vững giúp bảo vệ rừng và môi trường), khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những sản phẩm có chứng nhận.

Nhờ vậy ông Thông có thêm tiền và động lực để tiếp tục theo đuổi con đường phát triển bền vững, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; đầu tư vào các chương trình đào tạo cho nông dân và nhân viên công ty nhằm giúp họ nâng cao nhận thức, cải thiện kỹ năng thực hành các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).

Trái ngọt cho việc kiên trì sản xuất xanh của Phúc Sinh là tháng 10 vừa qua, doanh nghiệp này đã nhận được khoản tài trợ không hoàn lại từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD), trị giá 575 triệu Euro, nhằm hỗ trợ các sáng kiến ESG và phát triển bền vững của công ty. Đây là khoản tài trợ không hoàn lại lớn nhất từ trước đến nay mà DFCD dành cho một công ty nông nghiệp tại Việt Nam. Trước đó, vào giữa tháng 8/2024, Phúc Sinh cũng nhận khoản đầu tư trị giá 25 triệu USD từ Quỹ Đầu tư & Green của Hà Lan để làm nông nghiệp bền vững.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Phan Minh Thông cho biết: "Mấu chốt ở đây là kể cả khi chưa có các quỹ đầu tư cấp tiền, Phúc Sinh vẫn làm các dự án phát triển bền vững cho nông dân ở những vùng nguyên liệu cà phê, hồ tiêu. Chúng tôi làm bởi điều đó mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, sản phẩm dễ dàng truy xuất nguồn gốc chứ không phải để lấy thành tích".

Tín dụng xanh – động lực phát triển bền vững: Làm sao để vốn xanh “tự tìm đến”? (Bài 3) - Ảnh 4.

Nông dân chăm tỉa vườn trồng cà phê bền vững nằm trong hệ thống vùng nguyên liệu của Công ty CP Phúc Sinh thuộc xã Nhân Đạo, huyện Đắk R'Lấp, Đắk Nông. Ảnh: Hoài Yến

Nhu cầu tín dụng xanh khu vực nông nghiệp rất lớn

Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cho biết, nhu cầu vốn xanh của nông dân, HTX và doanh nghiệp là rất lớn. Chỉ riêng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh từ nay đến năm 2030, dự kiến cần nguồn vốn khoảng 2,7 tỷ USD. Cùng với đó, Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 cần tổng kinh phí khoảng 2.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng đang triển khai Quyết định 3444/QĐ-BNN-KH về kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và thực hiện Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025.  

"Ngày 15/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thông tin về việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, với 2 giai đoạn cho vay vốn (căn cứ theo 2 giai đoạn triển khai Đề án theo Quyết định 1490). Trong đó, giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 là tại các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm".

P.V

Thực tế, nông nghiệp không chỉ là ngành kinh tế chủ đạo của Việt Nam mà còn là nguồn sống của đa số người dân. Ngành nông nghiệp là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau ngành công nghiệp – theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Do đó, các đề án nói trên đều nhằm chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, phát triển bền vững, với mục tiêu chính là giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tăng thu nhập cho nông dân. 

"Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp, HTX và nông dân được xem là tất yếu và sống còn. Trong bối cảnh này, tín dụng xanh là công cụ tài chính quan trọng, giúp các tác nhân tham gia chuỗi sản xuất tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào các dự án nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn", ông Lê Đức Thịnh nói.

Thế nhưng, không phải người dân, doanh nghiệp hay bất cứ dự án nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn xanh. Như chia sẻ của ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, không phải khách hàng nói mình trồng rừng, mình làm nông nghiệp hữu cơ là dự án đó đủ tiêu chuẩn để tiếp cận tín dụng xanh, tài chính xanh. 

"Hiện tại, hành lang pháp lý của kinh tế xanh, tài chính xanh vẫn đang từng bước hoàn thiện. Do đó, các ngân hàng không chỉ là trung gian tài chính mà lúc này đóng vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong việc hoàn thiện thủ tục chứng minh dự án đó là xanh, đáp ứng các tiêu chí cho vay", ông Hùng nói.

Đây cũng là một trong những vướng mắc được ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) nêu ra khi đề cập tới việc cung – cầu vốn tín dụng xanh chưa gặp nhau. 

Tín dụng xanh – động lực phát triển bền vững: Làm sao để vốn xanh “tự tìm đến”? (Bài 3) - Ảnh 5.

Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) khẳng định nhu cầu vốn tín dụng xanh của nông dân, HTX, doanh nghiệp rất lớn. Ảnh: K. Nguyên

Ông Thịnh cho biết, thực tế vay vốn xanh hay vốn thông thường, các doanh nghiệp và người dân vẫn phải đáp ứng các điều kiện như dự án có tài sản đảm bảo, có phương án kinh doanh khả thi. Đồng thời, phải đáp ứng các điều kiện về môi trường, phát thải tùy theo yêu cầu của mỗi tổ chức tín dụng. Thế nhưng, việc chứng minh dự án, phương án sản xuất đáp ứng được tất cả các tiêu chí trên không hề đơn giản đối với người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một số dự án trong chuỗi giá trị người dân vay nhưng không phải họ đầu tư cho sản xuất mà để quay vòng vốn, thu mua nguyên liệu, ứng trước cho nông dân xây dựng hợp đồng liên kết. Ở một số quốc gia, với những trường hợp vay trong diện này, họ sẽ không căn cứ vào tín chấp mà thông qua hợp đồng mua bán nông sản, tần suất giao dịch nông sản. Nhưng ở Việt Nam, các tổ chức tín dụng không cho vay theo hướng này vì các chuỗi giá trị liên kết nông sản ở nước ta chưa đủ minh bạch và chưa đủ cơ sở dữ liệu để họ tin tưởng đó là giao dịch thật.

"Điều này không phải lỗi do tổ chức tín dụng gây khó dễ, cũng không phải do nông dân hay doanh nghiệp năng lực quá yếu, mà do hiện nay chúng ta chưa có hành lang pháp lý, quy định rõ ràng, chưa có định mức kỹ thuật cho quy trình sản xuất xanh, nên chưa có gì đảm bảo rủi ro cho các tổ chức cho vay, dẫn đến các ngân hàng khó đưa ra quyết định rót vốn. Bên cho vay và bên muốn vay không đến được với nhau", ông Thịnh nói.

Từ thực tế này, ông Thịnh cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ để cung – cầu vốn tín dụng xanh gặp nhau. Tuy nhiên, về phía nông dân, doanh nghiệp và HTX, theo ông Thịnh, họ phải phối hợp chặt chẽ với nhau, tổ chức lại sản xuất nhằm minh bạch hóa toàn bộ quá trình tham gia chuỗi giá trị trong sản xuất.

Đặc biệt, các HTX và doanh nghiệp cần lưu ý minh bạch tài chính, các giải pháp cải thiện môi trường và quản trị. Các yếu tố này là "điểm cộng" trong hồ sơ xin vay vốn/tài trợ. 

Ông Albert Bokkestijn - Quản lý Dự án của Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (SNV-DFCD):

"Các doanh nghiệp nào lấy phát triển bền vững làm cốt lõi trong hoạt động kinh doanh sẽ có nhiều khả năng thu hút được nguồn tài trợ. Nguồn vốn đó không chỉ từ các quỹ thương mại mà còn từ các tổ chức phi chính phủ, trong đó có SNV-DFCD, đặc biệt trong thời điểm cụm từ ESG đang trở thành xu hướng trọng tâm của toàn cầu".

Bà Natalia Pasishnyk - Giám đốc Phát triển bền vững Quỹ Đầu tư & Green (Hà Lan):

"Nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều bước chuyển mình và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Trên thế giới, nông nghiệp cũng được xem là một trong những khoản đầu tư ESG hiệu quả nhất và đang được các nhà đầu tư, doanh nghiệp lựa chọn tuân thủ. Nếu không phát triển bền vững, không thực hành ESG tốt, các quỹ và tổ chức tín dụng sẽ không tiếp cận rót vốn".

Tín dụng xanh – động lực phát triển bền vững: Làm sao để vốn xanh “tự tìm đến”? (Bài 3) - Ảnh 6.