Cơn sốt cau giống tại Đắk Lắk, giá cao chưa từng thấy, chớ mua liều mà "xôi hỏng bỏng không"

Công Nam Thứ ba, ngày 05/11/2024 18:50 PM (GMT+7)
Giá cau tươi tăng cao, làn sóng đầu tư trồng cau trở nên sôi động, đẩy giá cau giống tại Đắk Lắk leo thang chóng mặt, chưa từng có. Tuy nhiên, tình trạng cau giống kém chất lượng tràn lan khiến nhiều nông dân lao đao. Cùng với đó, nhiều người bị lừa đảo khi mua cau giống qua mạng, đối mặt rủi ro lớn...
Bình luận 0

Giá cau tăng kỷ lục, thị trường cau giống "cháy hàng" và loạn giá

Thời điểm đầu tháng 10, giá cau tươi tại Đắk Lắk đạt đỉnh 90.000 đồng/kg, mở ra làn sóng đầu tư vào cây cau khi nhu cầu mua cây giống tăng vọt. Thị trường cau giống lập tức "cháy hàng", kéo theo nhiều hệ lụy khi cây giống kém chất lượng xuất hiện tràn lan. Đáng chú ý, nhiều người dân vì không tìm hiểu kỹ đã đặt mua cau giống online với giá rẻ và bị lừa đảo.

Cơn sốt cau giống tại Đắk Lắk: Giá cao kỷ lục, nhiều rủi ro vì cây giống kém chất lượng - Ảnh 1.

Quả cau giống đạt chuẩn năm nay lên đến 300.000-350.000/kg.

Cuối tháng 10, giá cau tươi giảm xuống mức 40.000-60.000 đồng/kg, tuy nhiên thị trường cau giống vẫn không hạ nhiệt. 

Tại Đắk Lắk, nhiều nông dân đổ xô đi mua cau giống với mong muốn nhanh chóng có lợi nhuận từ cây trồng này, dẫn đến giá cau giống leo thang chóng mặt. Cây giống Đắk Lắk gần như hết hàng, trong khi nguồn cây giống nhập từ các tỉnh khác, thậm chí từ nước ngoài, đang đội giá cao nhưng lại không đảm bảo chất lượng.

Ông Phạm Nguyên Hồng, chủ vườn ươm cau giống Nguyên Hồng, có kinh nghiệm hơn 20 năm tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, cho biết: "Cơ sở của tôi ươm được khoảng 50.000 cây cau giống, nhưng đến cuối tháng 8 đã bán hết sạch".

Để có cây giống chất lượng, ông phải đặt mua cau giống từ các vườn uy tín, cây cau mẹ cũng phải đạt số tuổi từ 15-20 năm. Giá quả cau giống năm nay vào khoảng 300.000-350.000 đồng/kg và bán ra với giá 25.000 đồng/cây cau giống cao khoảng 30 cm.

Những cây cau giống đạt chuẩn được ông Phạm Nguyên Hồng đặt mua.

Ông Hồng chia sẻ thêm: "Giá cau giống tăng cao khiến nhiều người muốn trồng cau nhưng thiếu cân nhắc. Một số cơ sở bán cau giống không đảm bảo nguồn gốc và thậm chí là các loại cau không phù hợp, như cau miền Tây, miền Bắc hay nhập từ nước ngoài. 

Các loại cây này thường có thời gian phát triển không ổn định và đôi khi, dù chăm sóc kỹ, cây vẫn không đậu trái sau 6-7 năm".

Nhiều nông dân "nhận trái đắng" khi mua cau giống online kém chất lượng

Trong khi đó, chị Lê Thị L., một nông dân ở huyện Cư M'gar, là một trong những người bị lừa khi đặt cau giống qua mạng. 

Chị chia sẻ: "Thấy giá cau giống quảng cáo trên Facebook rẻ hơn nhiều so với thị trường, tôi đặt mua và chuyển tiền cọc. Nhưng sau đó, không thể liên hệ được với người bán". Chị L. cho biết, sau khi bị lừa, chị mới hiểu rõ rằng các thông tin quảng cáo cau giống trên mạng xã hội có rất nhiều bẫy lừa.

Cơn sốt cau giống tại Đắk Lắk: Giá cao kỷ lục, nhiều rủi ro vì cây giống kém chất lượng - Ảnh 2.

Nhiều trường hợp khi khách hàng muốn kiểm tra thông tin sau khi đặt cọc mua cau giống online thì bị người bán chặn liên hệ.

Thực tế, nhiều người đã gặp tình trạng tương tự. Ông Lưu Văn Thành, một nông dân có kinh nghiệm trồng cau hơn 15 năm tại huyện Cư Kuin, nhận định: "Hiện nay, nhiều người lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nông dân để bán cau giống không đạt chuẩn. Cau giống kém phát triển không tốt, sau một thời gian không đậu trái, buộc phải chặt bỏ, gây lãng phí công sức và tiền bạc".

Một số thương lái lợi dụng nhu cầu cao đã nhập cau giống từ các tỉnh khác, thậm chí từ Campuchia, Malaysia để bán thu lợi. 

Theo anh T., một người làm tại vườn ươm cây giống ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, cho biết: "Những cây giống cao lớn bán trên thị trường không phải giống cau trái dài Đắk Lắk mà chủ yếu là giống cau từ nước ngoài, không thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương".

Cơn sốt cau giống khiến nhiều nông dân mua phải cây kém chất lượng, phải chịu nhiều thiệt hại. Anh Hoàng Văn Đài, ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, cho biết: "Nhiều bạn bè của tôi đã nhận trái đắng sau 5-6 năm trồng cau mà không ra trái. Nhiều người khác mua cây giống online với giá rẻ nhưng sau khi đặt cọc lại không thể liên lạc với người bán".

Cơn sốt cau giống tại Đắk Lắk: Giá cao kỷ lục, nhiều rủi ro vì cây giống kém chất lượng - Ảnh 3.

Cơn sốt cau giống tại Đắk Lắk: Giá cao kỷ lục, nhiều rủi ro vì cây giống kém chất lượng - Ảnh 4.

Nhiều cây giống không rõ nguồn gốc, chất lượng được chào bán tràn lên trên mạng xã hội.

Cơn sốt cây cau giống không chỉ tạo điều kiện cho lừa đảo phát triển mà còn khiến giá cây giống leo thang bất hợp lý, gây ra những hệ lụy cho người trồng. 

Chị T.N.T., một người trồng cau tại xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, chia sẻ: "Với giá cau cao như hiện nay, nhiều người đổ xô trồng cau mà không suy nghĩ kỹ về rủi ro. Chúng tôi lo lắng về chất lượng giống, đặc biệt khi phải đối mặt với giống cây không đạt tiêu chuẩn".

Trước tình trạng giá cau biến động và thị trường cây giống bất ổn, người dân cần cẩn trọng khi mua cau giống, chọn đơn vị cung cấp uy tín để đảm bảo không gặp rủi ro. Bên cạnh đó, việc hiểu rõ giống cây trồng cũng rất cần thiết để tránh những thiệt hại không đáng có.

Cơn sốt cau giống tại Đắk Lắk không chỉ là hiện tượng giá tăng chóng mặt mà còn là bài học cho những ai muốn đầu tư vào cây cau. 

Với nguồn cây giống không rõ xuất xứ tràn lan, nông dân cần tỉnh táo khi lựa chọn. Những người có ý định trồng cau nên nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo đầu tư hiệu quả và tránh gặp phải "trái đắng" trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem