Clip: Xưởng may xây dựng trên đất nông nghiệp ở xóm Đội 2, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình ngang nhiên hoạt động.
Ngày 31/10/2024, Báo Dân Việt có bài: "Huyện Yên Thủy (Hòa Bình): Xây nhà xưởng trên hàng nghìn m2 đất nông nghiệp, lập biên bản chưa xử lý dứt điểm", phản ánh về việc 2 hộ dân là bà Trần Thị Hậu và ông Nguyễn Thành Đệ cùng trú tại xóm Đội 2, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy đã tự ý chuyển đổi hơn 2.700m2 đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng 2 xưởng may.
Trước đó, ngày 26/8/2024, ông Bùi Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy đã ký 2 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hộ bà Trần Thị Hậu và ông Nguyễn Thành Đệ. Tổng số tiền phạt là hơn 115 triệu đồng.
Trong 2 quyết định xử phạt cũng nêu rõ biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu ông Đệ, bà Hậu phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Đó là phá dỡ nhà xưởng đã xây dựng, trả lại hiện trạng thửa đất sử dụng đúng mục đích. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
Quyết định xử phạt đã nêu rất rõ biện pháp khắc phục hậu quả, tuy nhiên đến nay đã hơn 2 tháng, hai nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp vẫn tồn tại và ngang nhiên hoạt động.
Chiều ngày 5/11/2024, sau 5 ngày Báo Dân Việt phản ánh, PV tiếp tục có mặt tại xóm Đội 2, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Theo quan sát từ bên ngoài vào, 2 xưởng may vẫn đang hoạt động. Khi nhìn thấy PV ghi hình, có một người đàn ông ra đóng kín cửa lại.
Trao đổi với PV Dân Việt qua điện thoại về quan điểm xử lý vụ việc trên, ông Bùi Văn Hải – Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy, cho biết, huyện đã báo cáo tỉnh và tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu xử lý.
Thế nhưng vị Chủ tịch huyện vẫn để các xưởng may xây dựng trái phép hoạt động. Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy nói: "Không. Nó vẫn hoạt động, 300 – 400 công nhân, công ăn việc làm cho bà con. Cứ để cho người ta may đã có làm gì lớn lao đâu?!".
Sau khi phát hiện vi phạm, ông Bùi Văn Hồng – Chủ tịch UBND xã Bảo Hiệu và Bùi Văn Hải – Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy phải có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, đình chỉ hoạt động, khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Thực tế, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành.
Nhưng đến nay, các quyết định này chưa được thực thi. Và, theo trả lời của vị Chủ tịch huyện, những vi phạm đã được chỉ ra được coi là "có làm gì lớn lao đâu"?!
Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 và năm 2024 đã quy định rõ, Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Như vậy, về mặt hành chính, UBND huyện Yên Thủy, UBND xã Bảo Hiệu (đứng đầu là Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch được phân công phụ trách về đất đai) cùng cơ quan chuyên môn là những người có trách nhiệm chính trong việc để vụ việc xây dựng xưởng may trên đất nông nghiệp tại xóm Đội 2, xã Bảo Hiệu diễn ra trong thời gian dài và không xử lý dứt điểm.
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình giám sát việc xử lý vi phạm cùng trách nhiệm của các cán bộ địa phương liên quan.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.